Bất chấp nguy hiểm, thầy cô giáo chạy đua với bão để bảo vệ thiết bị học tập cho học sinh

Mặc dù đường đến các điểm lẻ của trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) vô cùng gian nan, hiểm trở, nhưng vẫn không ngăn được tấm lòng nhiệt huyết của các thầy cô giáo quyết tâm đưa 'con chữ' tới con em của đồng bào Bru - Vân Kiều ở nơi viễn biên.

Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy (gọi tắt là Trường Lâm Thủy) đóng trên địa bàn bản Xà Khía, xã Lâm Thủy, thuộc vùng rẻo cao biên giới phía Tây huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Điểm chính của trường cách khu vực trung tâm của huyện ít nhất 40 km đường rừng. Còn các điểm trường lẻ khác tại các bản Eo Bù - Chút Mút, Bạch Đàn thì khoảng cách xa hơn, đường đi lại vô cùng khó khăn và hiểm trở.

Người dân sinh sống tại xã Lâm Thủy chủ yếu là đồng bào Bru - Vân Kiều.

Người dân sinh sống tại xã Lâm Thủy chủ yếu là đồng bào Bru - Vân Kiều.

Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào Bru - Vân Kiều, cuộc sống của họ một nắng hai sương, bám rừng làm rẫy, trỉa lúa trồng ngô để duy trì cuộc sống và gìn giữ núi rừng. Với mong muốn "con chữ" giúp quê hương phát triển nên đồng bào nơi đây đã dần quan tâm hơn đến việc học của con em.

Thầy Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy cho biết sau khi dự báo thời tiết thông tin cơn bão số 5 sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung, địa bàn Quảng Bình sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, giáo viên toàn trường đã nhanh chóng tập trung đến các điểm trường chằng chống, trực bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường.

Đường từ trung tâm huyện vào Trường Lâm Thủy nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, không thể qua lại.

Đường từ trung tâm huyện vào Trường Lâm Thủy nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, không thể qua lại.

Có 2 con đường để từ khu vực trung tâm huyện lên trường Lâm Thủy, trong đó có con đường 16 bị sạt lở trầm trọng, những khối đất đá lớn sạt lở đổ giữa đường chắn hết lối đi. Mặc dù đã đi được nửa quảng đường nhưng thầy Tình và một số thầy cô giáo khác lại phải quay trở lại đi con đường khác. Trục đường 10 tuy ít sạt lở nhưng thi thoảng có các tảng đá lăn từ trên cao xuống vô cùng nguy hiểm. Cộng với đó là những cơn mưa rừng xối xả như muốn cản bước của các thầy.

"Đường rừng đi vào mùa mưa hết sức nguy hiểm, có con đường bị sạt lở không thể đi. Còn đường khác thì thường xuyên có đá từ trên cao rơi xuống. Anh em cũng phải đi chậm, phải thăm dò từng đoạn để đảm bảo an toàn nhưng phải cố lên được trường trước khi bão vào đất liền để thực hiện chằng chống, bảo vệ tài sản của trường", thầy Tình cho biết.

Các thầy vẫn cố gắng vượt khó khăn, nguy hiểm để tới trường.

Các thầy vẫn cố gắng vượt khó khăn, nguy hiểm để tới trường.

Khi đến được điểm trường chính, nhóm giáo viên này được chia theo từng nhóm để thực hiện nhiệm vụ. Nhóm đầu tiên ở lại điểm chính để tỉa cây, chằng chống phòng học, bảo vệ trang thiết bị, dụng cụ học tập tại đây. Còn các nhóm khác cuốc bộ đường rừng bị sạt lở gần một buổi để vào các điểm lẻ bảo vệ thiết bị học tập nơi đây.

"Tại các điểm lẻ vừa được trang bị một số thiết bị học tập nên các thầy sẽ đưa gửi ở nơi đóng quân của bộ đội biên phòng. Cùng với đó là chằng chống lại các phòng học, hạn chế bị hư hại do ảnh hưởng của bão", thầy Tình cho biết.

Việc chằng, chống được thực hiện khẩn trương tránh nguy cơ bão đổ bộ gây hư hại.

Việc chằng, chống được thực hiện khẩn trương tránh nguy cơ bão đổ bộ gây hư hại.

Dù bão không đi vào địa phận tỉnh Quảng Bình, nhưng thầy cô trường Lâm Thủy không xem việc chủ động chằng chống, bảo vệ cơ sở vật chất là thừa. Bởi nơi viễn biên, mọi thứ thiếu thốn, nếu không may bão lũ làm hư hại thiết bị giảng dạy, học tập thì sẽ càng khó khăn hơn cho công tác "gieo chữ".

Các giáo viên vệ sinh sân trường sau mưa, bão.

Các giáo viên vệ sinh sân trường sau mưa, bão.

Sau khi thực hiện xong việc phòng, chống bão, các thầy cô lại chia nhau đến từng bản để trao đổi cùng già làng, trưởng bản hỗ trợ, cùng với nhà trường đảm bảo việc học cho toàn bộ con em.

"Trường đã xây dựng các phương án phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh và thời tiết. Nếu dịch được kiểm soát thì nhất định 100% học sinh phải đến lớp. Còn nếu thực hiện giãn cách thì có cách dạy phù hợp cho các em có thiết bị học online và các em ở bản sâu, nghèo không có thiết bị", thầy Tình cho biết thêm.

Với trách nhiệm và tình yêu trò, yêu nghề, các thầy cô giáo nơi đây đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ cao cả: giúp những mầm non nơi núi rừng có tương lai tươi sáng hơn.

Hùng Trần

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/bat-chap-nguy-hiem-thay-co-giao-chay-dua-voi-bao-de-bao-ve-thiet-bi-hoc-tap-cho-hoc-sinh-20210913154909914.htm