Bảo vệ Bến xe Đồng Nai có được sử dụng súng bắn điện?
Công an đang làm rõ vụ xô xát, ẩu đả giữa bảo vệ Bến xe Đồng Nai và hành khách, trong đó có việc sử dụng súng bắn điện gí vào hành khách.
Rất nhiều câu hỏi được bạn đọc đặt ra là bảo vệ được trang bị những công cụ hỗ trợ gì? Khi nào được sử dụng súng công cụ hỗ trợ? Người được sử dụng phải đáp ứng những điều kiện nào theo quy định của pháp luật hiện hành?

Súng bắn điện-công cụ hỗ trợ do Công an tỉnh Đồng Nai cấp phép cho Công ty Cổ phần Bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai để sử dụng
Giải đáp vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Toàn, Trưởng Văn phòng luật sư Năm Nam (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), cho biết việc sử dụng vũ khí là công cụ hỗ trợ được quy định chi tiết tại Thông tư 17/2018/TT-BCA về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.
Theo quy định khoản 3 Điều 9 Thông tư này, lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được xem xét trang bị công cụ hỗ trợ.
Các loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: Súng bắn điện, súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay; dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao. Như vậy, bảo vệ của doanh nghiệp, công ty trên thuộc diện được xem xét trang bị công cụ hỗ trợ.
Về vấn đề này, bước đầu Công an phường Bình Đa (TP Biên Hòa) xác nhận, việc bảo vệ Trần Minh Tòng sử dụng súng bắn điện để giải quyết vụ việc nói trên là loại súng bắn điện (công cụ hỗ trợ), do Công an tỉnh Đồng Nai cấp phép cho Công ty Cổ phần bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai để sử dụng.
Hiện Công an phường Bình Đa đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với việc sử dụng công cụhỗ trợ, luật sư Toàn cho hay, Điều 61 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 cũng đã quy định rõ. Cụ thể, người được giao công cụ hỗ trợ được sử dụng trong các trường hợp: ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng; ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác...
Ngoài ra, công cụ hỗ trợ cũng được sử dụng khi ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, cơ sở cai nghiện ma túy... hoặc phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.
Người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã tuân thủ quy định tại Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
CLIP ghi lại sự việc
Từ thông tin công an bước đầu xác định, vào lúc 19 giờ tối ngày 30-3, anh Hoàng Quang Hòa (SN 1988, ngụ tỉnh Lâm Đồng) điều khiển xe ô tô bán tải vào Bến xe Đồng Nai để chở hàng cho Hoàng Quang Thành (SN 1984, anh trai Hòa). Tại đây, Trần Minh Tòng (SN 1983, nhân viên bảo vệ Bến xe Đồng Nai) đến thu phí 40.000 đồng thì anh Thành và anh Hòa thắc mắc dẫn đến xô xát làm anh Tòng rách áo. Lúc này, Tòng đã chạy vào phòng bảo vệ lấy 1 cây súng bắn điện (loại công cụ hỗ trợ) chạy ra đuổi theo gí súng vào người của Thành.
Luật sư Toàn nhận định, sự việc xô xát liên quan thu phí 40.000 đồng là rất đáng tiếc. Việc bảo vệ dùng súng bắn điện gí vào hành khách là quá mức cần thiết. Bảo vệ hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp ôn hòa hơn để giải quyết vấn đề.
Đối tượng được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ
Theo quy định tại Điều 3, Thông tư 17/2018/TT-BCA quy định đối tượng được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ như sau:
- Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bao gồm:
+ Đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an;
+ Trại giam, trại tạm giam;
+ Học viện, trường Công an nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện;
+ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh);
+ Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
+ Công an xã, phường, thị trấn.
- Đối tượng được trang bị vũ khí thể thao, bao gồm:
+ Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao Công an nhân dân;
+ Học viện, trường Công an nhân dân;
+ Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân có huấn luyện thi đấu thể thao.
- Đối tượng quy định tại các điểm a, d và đ khoản 1, Điều 3, Thông tư 17/2008/TT-BCA được trang bị vật liệu nổ quân dụng.