Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số: Thúc đẩy nền báo chí 'hàng thật', 'hàng chất lượng cao'
Bảo vệ bản quyền để báo chí phát huy vai trò 'hàng thật', 'hàng chất lượng cao' là chia sẻ của ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội nhà báo VN tại Hội thảo 'Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số' diễn ra hôm 13/9.
Hội thảo "Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số" do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức. Hội thảo đã thu hút gần 200 quan khách tham dự.
Vi phạm bản quyền báo chí đang rất nghiêm trọng
Tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số nói chung và trong lĩnh vực báo chí nói riêng đang diễn ra rất nghiêm trọng. Theo chia sẻ của nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập báo Hà Nội mới, hiện nay có khoảng 2000 trang thông tin tổng hợp sao chép nội dung đăng tải trên các báo và tạp chí chính thống với một tốc độ rất nhanh. Ông Đức nói rằng điều nguy hiểm là đa số các trang tin này không có cơ quan quản lý, không có người chịu trách nhiệm, không có giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, việc sao chép nội dung của các trang tin này khiến họ ngồi không hưởng lợi, trong khi các cơ quan báo chí bị thiệt hại nặng nề về doanh thu quảng cáo.
Đồng tình với ý kiến chia sẻ của nhà báo Nguyễn Minh Đức, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch VDCA, nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết sự xuất hiện của các nền tảng số xuyên biên giới, các trang mạng xã hội, trang tin tổng hợp khiến cho báo chí phải đối mặt với nhiều thách thức chưa có tiền lệ. Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí ngày càng tinh vi.
"Không chỉ vi phạm bản quyền, những tin, bài bị họ lấy về trong rất nhiều trường hợp bị cắt cúp, làm méo mó, sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nắm bản quyền, của tác giả bài viết, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội", ông Hồ Quang Lợi nói.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã dùng từ "hàng thật", "hàng chất lượng cao" để đề cập về nền báo chí chính thống. Ông Dũng cho rằng việc ngăn chặn hiện tượng ăn cắp chất liệu báo chí, giả mạo báo chí sẽ không còn chỗ cho các thông tin xuyên tạc, giả mạo, sai lệch, cũng như góp phần thúc đẩy nền báo chí với "hàng thật", "hàng chất lượng cao".
"Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay", ông Dũng khẳng định.
Các sáng kiến bảo vệ bản quyền báo chí
Nhà báo Nguyễn Minh Đức đã đề xuất ý tưởng thành lập một Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng một nền tảng dùng chung cho các cơ quan báo chí để có thể dễ dàng quản lý bản quyền nội dung. Ông Đức cho rằng các cơ quan báo chí căn cứ theo năng lực tài chính của mình có thể đóng góp kinh phí duy trì Trung tâm này.
Một biện pháp nữa mà nhà báo Nguyễn Minh Đức đề cập là cần tăng chế tài xử lý các hành vi vi phạm bản quyền báo chí. "Chỉ có chế tài mạnh mới làm những kẻ vi phạm chùn tay", ông Đức nói.
Xây dựng một bộ công cụ số để các cơ quan báo chí làm nhận diện thương hiệu, nhãn bản quyền, là đề xuất của bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam. Bà Hằng đề xuất Hội Nhà báo và Hội Truyền thông số là hai cơ quan chủ trì thực hiện phương án này.
Đại diện Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng cho biết Cục đang tham mưu cho Bộ sửa đổi Luật Báo chí, trong đó có các quy định về hoạt động báo chí trên không gian mạng, các vấn đề về bản quyền, cơ sở pháp lý.
"Chúng tôi đang xây dựng quy trình đấu tranh với các vi phạm trên không gian mạng, sẵn sàng phối hợp với các cơ quan báo chí đo quét các nội dung vi phạm. Các nội dung sai phạm khi được phản ánh, Cục Báo chí sẽ xử lý theo quy định", bà Thảo khẳng định.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về "Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận: "Cơ sở pháp lý về vấn đề bảo vệ bản quyền ở các cơ quan báo chí hiện nay" do ông Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh trình bày; "Bảo vệ bản quyền từ góc nhìn kinh tế báo chí – truyền thông" do ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập báo Hà Nội mới trình bày; "Bảo vệ bản quyền số của VTV: Cơ sở pháp lý, thực trạng và kiến nghị" do ông Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam trình bày; "Bảo vệ bản quyền báo chí dưới góc nhìn văn hóa, đạo đức nghề nghiệp" do PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam trình bày; "Bàn về bảo vệ bản quyền báo chí dưới góc độ bồi thường thiệt hại" do luật sư Trần Thị Khánh Hương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp lý - Truyền thông Hà Nội trình bày; "Ứng dụng công nghệ số vào bảo vệ bản quyền báo chí" do ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam trình bày./.