Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của 'thất tộc thổ ty'

Trong các giai đoạn lịch sử, danh tiếng của 'thất tộc thổ ty' Lạng Sơn (7 dòng họ lớn sinh sống, được vua ban cai quản vùng đất Xứ Lạng) đã được nhắc đến với những công trạng xây dựng và bảo vệ quê hương Xứ Lạng. Trong quá trình định cư tại Lạng Sơn, các dòng họ đã để lại khối di sản văn hóa quý giá với hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa… Đây là nguồn tài nguyên di sản văn hóa quan trọng chứa đựng tiềm năng phát triển du lịch.

Các dòng họ thổ ty là những vị quan của triều đình được cử lên trấn giữ nơi biên cương, lo đảm bảo mọi mặt đời sống của Nhân dân địa phương và trực tiếp ứng xử, đối ngoại với các quốc gia xung quanh. Vì vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, các dòng họ thổ ty Lạng Sơn, mặc dù chỉ là một bộ phận thiểu số trong xã hội nhưng lại có vai trò quan trọng, có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của Lạng Sơn, đặc biệt là về di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc.

Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh thuyết minh về giá trị của tấm bia Thủy Môn Đình do Thao Quận công Nguyễn Đình Lộc xây dựng

Những đóng góp về di sản văn hóa của “thất tộc thổ ty”

Theo cuốn “Thổ ty Lạng Sơn trong lịch sử” của tác giả Nguyễn Quang Huynh (chủ biên), thổ ty ở vùng dân tộc Tày, Nùng có nguồn gốc là người Kinh ở miền xuôi lên. Chế độ này đã có từ thời Lý, Trần (thế kỷ XI – XIV) và hoàn chỉnh dưới thời Lê (thế kỷ XV). Đó là chế độ cai trị của các triều đại phong kiến ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc, trong đó có Lạng Sơn. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), nhà Nguyễn đã cho tiến hành điều tra danh sách các dòng họ thổ ty ở Lạng Sơn để quản lý, ban quyền lợi và khai thác, phát huy thế mạnh vốn có của các thổ ty trong việc quản lý, cai quản địa phương. Theo đó, thất tộc thổ ty Lạng Sơn (7 dòng họ thổ ty ở Lạng Sơn) gồm: Vi; Hà; Nguyễn Đình (có hai phái khác nhau); Nông; Hoàng Đức; Hoàng Đình; Nguyễn Khắc – Nguyễn Công.

Trong quá trình định cư và cai quản khắp các vùng tại Lạng Sơn, các dòng họ thổ ty đã quan tâm xây dựng hệ thống các cơ sở thờ tự để thờ Phật, thờ thần, thờ những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, của dòng họ. Theo sử liệu ghi chép lại, thổ ty họ Vi (Vi Đức Thắng) đã có công xây dựng chùa Trung Thiên (xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình); góp nhiều tiền của, công sức tôn tạo chùa Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn). Thổ ty dòng họ Nguyễn Đình (phái 1) đã xây dựng đền thờ ở xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn và chùa Nà Cưởm cùng với đến thờ Thành hoàng Nguyễn Đình Đa (huyện Văn Lãng). Thổ ty dòng họ Nguyễn Đình (phái 2) xây dựng chùa Tà Lài (Thanh Hương tự) tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Thổ ty Nguyễn Khắc – Nguyễn Công xây dựng đình Nà Thần tại xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định…

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 100 di tích liên quan đến “thất tộc thổ ty” Lạng Sơn (đền, chùa, bia đá, nhà thờ họ…). Đây là nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý giá chứa đựng tiềm năng phát triển du lịch. Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Kho tàng di sản văn hóa của Lạng Sơn rất phong phú, đa dạng ở cả vật thể và phi vật thể, trong số đó có một phần đóng góp rất lớn của những di tích do các dòng họ thổ ty hưng công xây dựng. Tiêu biểu trong đó có tấm bia Thủy môn đình đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Gắn bảo tồn, phát huy giá trị với phát triển du lịch

Để góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của “thất tộc thổ ty” tại Lạng Sơn, những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) đã có nhiều việc làm thiết thực. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, Sở VHTT&DL đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm kê, tổng hợp, đánh giá, phân loại 1.117 điểm di tích và các cơ sở tín ngưỡng, trong đó sưu tầm và kiểm kê được nhiều di tích liên quan đến các nhà thờ họ, các đình, miếu, chùa có liên quan đến “thất tộc thổ ty” Lạng Sơn như: đền Vua Lê (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn); chùa Tà Lài (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng)…

Người dân thăm quan, lễ bái tại chùa Bản Chu, xã Khuất xá, huyện Lộc Bình do dòng họ Vi hưng công xây dựng

Bên cạnh đó, Sở VHTT&DL đã hướng dẫn UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn khảo sát, khoanh vùng bảo vệ di tích, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu giá trị các di tích; xây dựng, hoàn thiện hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia đối với một số di tích liên quan đến “thất tộc thổ ty” trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, di tích Nhà Bia Thủy Môn Đình (do Thao Quận công Nguyễn Đình Lộc thuộc dòng họ thổ ty Nguyễn Đình xây dựng) đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 2/10/2002. Đến ngày 29/6/2021, di tích lịch sử Địa điểm Thủy Môn Đình, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Hay như dòng họ Vi ở huyện Lộc Bình là một trong “thất tộc thổ ty” nổi tiếng của vùng đất Lạng Sơn xưa. Hiện nay, dấu ấn một thời vàng son của dòng họ này vẫn còn hiện hữu qua một số di tích. Thời gian qua, chính quyền các cấp ở huyện Lộc Bình đã quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích này, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử địa phương đến thế hệ mai sau. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, UBND xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình đã vận động Nhân dân đóng góp, tôn tạo, sửa chữa lại đình với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng; năm 2019, xây dựng mới lại chùa Bản Chu từ nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, năm 2019, UBND xã đã phối hợp với dòng họ Vi cùng các cơ quan có liên quan khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ trình cấp trên xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với khu lưu niệm dòng họ Vi. Đồng thời, UBND xã đã thành lập Ban Quản lý di tích gồm 12 thành viên; tuyên truyền cho bà con Nhân dân không xâm lấn di tích, thường xuyên vệ sinh, giữ gìn khu di tích tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp…

Cũng là di tích liên quan đến “thất tộc Thổ Ty”, chùa Tà Lài (Thanh Hương tự) do một nữ đô đốc thuộc dòng họ Nguyễn Đình hưng công xây dựng từ thế kỷ XVIII khi bà theo quận công Nguyễn Đình Lộc lên trấn ải Lạng Sơn. Trải qua những thăng trầm và biến cố của lịch sử, chùa Tà Lài hiện còn lưu giữ được một số đồ thờ tự, tượng thờ giá trị, trong đó, tiêu biểu có một bia đá được khắc vào năm Bảo Đại thứ 16 (1941) và là một trong những địa điểm tham quan không thể bỏ qua của mỗi du khách khi đặt chân đến Lạng Sơn. Năm 2002, chùa được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, UBND xã Tân Mỹ đã cùng với ban quản lý chùa tu bổ, sơn sửa lại hệ thống cửa, cầu thang, tường cung Mẫu, cung Sơn Trang; tiếp nhận 30 pho tượng Phật cung tiến, sửa mái tại cung Tam Bảo; quét sơn, ốp lát đá lầu thờ cô, thờ cậu… với tổng kinh phí xã hội hóa hơn 400 triệu đồng. Năm 2021, huyện Văn Lãng đã hình thành và đưa vào khai thác tuyến du lịch tâm linh Thành phố Lạng Sơn – Chùa Tà Lài (xã Tân Mỹ) – Chùa Tân Thanh (xã Tân Thanh) – Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (thôn Phạc Lạng, xã Hoàng Văn Thụ).

Ông Nguyễn Đình Tiền, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Quản lý di tích xã Tân Mỹ cho biết: Chùa Tà Lài là di tích tiêu biểu, đóng góp to lớn vào phát triển du lịch của xã, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm chùa đón hơn 6.000 lượt khách tham quan, chiêm bái. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích với nhiều hình thức sinh động hơn.

Song song với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, Sở VHTT&DL đã tăng cường xúc tiến quảng bá giá trị di tích của tỉnh đến với du khách trong và ngoài tỉnh trên trang thông tin du lịch của tỉnh và lồng ghép trong các sự kiện như: tuần văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ; xây dựng tour tuyến kết nối các điểm nhằm phát triển du lịch…

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn, trong đó bao gồm các di tích liên quan đến “thất tộc thổ ty” Lạng Sơn. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chỉ đạo phòng chuyên môn, các đơn vị liên quan nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, tư liệu về giá trị các di tích liên quan đến “thất tộc thổ ty” Lạng Sơn để tiếp tục có hướng bảo tồn phù hợp.

“Thổ ty là những công thần hay con cháu của họ, chọn trong những người trung kiên nhất được triều đình cử lên miền núi chiêu dân lập ấp, đời đời cai trị địa phương, đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Thổ ty cũng hưởng chức tước theo quan chế của triều đình nhưng có một số đặc quyền, đặc lợi riêng. Chức thổ ty cha truyền con nối. Thổ ty được phong thái ấp ở địa phương, lấy địa phương làm tịch quán, không về quê cũ nữa. Triều đình đã biến họ thành một ty thứ quý tộc địa phương, con cháu lâu đời đồng hóa với người Tày, mang theo nhiều yếu tố văn hóa Việt”.

Trích trong cuốn “Văn hóa Tày, Nùng” của tác giả Hà Văn Thư – Lã Văn Lô, Nxb.Văn hóa, 1984

HOÀNG HIẾU - TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/585399-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-cua-that-toc-tho-ty.html