Báo động tình trạng tảo hôn ở Quỳnh Nhai

Huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La là huyện đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ tảo hôn cao và diễn biến phức tạp từ nhiều năm nay. Gần đây, xuất hiện thêm hiện tượng tảo hôn ở học sinh tuổi vị thành niên, nguyên nhân là do công tác quản lý, giáo dục chưa tốt…

Lãnh đạo xã Chiềng Khoang trao đổi công tác với cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Gần mười năm trước, truyền thông đã phản ánh tình trạng tảo hôn trong đồng bào Mông ở khu vực Lả Giôn, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai. Các cấp, ngành của huyện Quỳnh Nhai và tỉnh Sơn La sau đó đã vào cuộc, nhưng mọi chuyện đến nay vẫn không thay đổi. Trao đổi ý kiến với Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Quỳnh Nhai Hồ Kiên Cường thì được biết, tình trạng tảo hôn ở đây ngày càng diễn biến phức tạp. Năm 2017, huyện Quỳnh Nhai có hơn 100 trường hợp tảo hôn, trong đó không ít trường hợp là học sinh THCS, THPT; thường mọi việc chỉ được phát hiện khi thấy các cháu bỏ học.

Trên thực tế, tình trạng học sinh tảo hôn có thể còn cao hơn, vì khi xảy ra sự việc, gia đình học sinh thường giấu giếm, chính quyền địa phương không biết. Về thực trạng này, được thầy giáo Nguyễn Thái Hà, Hiệu trưởng Trường THPT huyện Quỳnh Nhai cho biết thêm: Năm học 2015-2016, có tám trường hợp học sinh bỏ học do có thai ngoài ý muốn. Nhà trường đã quan tâm vấn đề giáo dục giới tính, phối hợp gia đình nhắc nhở thường xuyên. Vào năm học mới, các học sinh, nhất là học sinh cuối cấp luôn được giám sát, nhắc nhở.

Tuy nhiên, những trường hợp học sinh mang thai thường rơi vào các em xa nhà, ở trọ bên ngoài, nhà trường và gia đình khó có điều kiện giám sát. Cùng trong cấp học THPT thì Trường THPT Dân tộc nội trú huyện nhiều năm nay không xảy ra trường hợp nào. Điều đó cho thấy, nguyên nhân chính của tình trạng mang thai sớm, ngoài ý muốn trong học sinh độ tuổi vị thành niên ở huyện Quỳnh Nhai là do công tác quản lý, giám sát, giáo dục chưa tốt.

Theo số liệu báo cáo, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có nhiều nơi làm tốt công tác quản lý, giáo dục, không để xảy ra trường hợp tảo hôn như các xã Mường Sại, Mường Chiên. Trong khi đó, nhiều nơi chưa coi trọng công tác DS - KHHGĐ đã để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa tốt. Tình trạng tảo hôn xảy ra nhiều tại các xã Chiềng Khoang, Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, Cà Nàng, Mường Giôn… và xảy ra chủ yếu ở đồng bào dân tộc Thái đen.

Ba bản Mông Trắng ở xã Chiềng Khoang làm tốt công tác DS - KHHGĐ, còn năm bản Mông Hoa ở khu vực Lả Giôn, xã Mường Giôn lại xảy ra tình trạng tảo hôn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết sở dĩ xã Mường Sại không xảy ra tình trạng tảo hôn là do cấp ủy, chính quyền xã, bản và cộng đồng các dòng họ ở đây làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính, cam kết giữ nếp sống lành mạnh, nêu cao truyền thống gia đình. Các cháu trong độ tuổi vị thành niên được quan tâm giáo dục, có sự giám sát, uốn nắn, nhắc nhở.

Chúng tôi đến xã Chiềng Khoang, một địa bàn nổi cộm vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chị Lò Thị Liên, cán bộ DS - KHHGĐ của xã cho biết: Xã Chiềng Khoang có 19 bản, 1.633 hộ, gồm ba dân tộc Thái, Mông, Kinh chung sống, trong đó hơn 80% số dân là đồng bào dân tộc Thái. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chủ yếu xảy ra trong cộng đồng đồng bào dân tộc Thái. Năm 2017, xã Chiềng Khoang có tám cặp tảo hôn, chủ yếu là học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 17. Cán bộ tư pháp xã cho biết, tháng 2 vừa qua, UBND xã đã làm thủ tục kết hôn cho anh Lò Văn Thắng, 18 tuổi và chị Bạc Thị Tuyết, 20 tuổi ở bản Hán B khi hai người đã có hai con.

Trường hợp vợ chồng Lò Văn Thắm và Ngần Thị Đổng, ở bản Nà Hoi thì vừa tảo hôn, vừa sinh nhiều con. Cặp đôi này năm nay chưa đến 25 tuổi mà đã có 5 con gái, khi cán bộ xã đến vận động KHHGĐ, họ bảo khi nào có con trai mới thôi! Trước đây, nguyên nhân tảo hôn chủ yếu là do hủ tục muốn con có gia đình sớm, muốn có con trai, tăng nhân lực lao động…

Gần đây, công tác DS - KHHGĐ được đẩy mạnh, tình trạng cho con lấy chồng, lấy vợ sớm đã giảm, nhưng lại xảy ra tình trạng các cháu học sinh trong xã trọ học ở huyện quan hệ tình dục sớm, có thai ngoài ý muốn. Có nhiều trường hợp các cháu bỏ học về nhà sinh con, một thời gian sau chính quyền xã, bản mới biết. Khi sự việc xảy ra, hai bên gia đình mang chai rượu, con gà sang làm lý, lấy con trai về ở rể; nếu bị phát hiện thì chỉ bị bản phạt thóc hoặc ít tiền là xong. Chờ khi đủ tuổi, họ mới ra UBND xã đăng ký kết hôn.

Tình trạng tảo hôn ở huyện Quỳnh Nhai không chỉ là chuyện xảy ra trong phạm vi gia đình mà còn tác động xấu đến xã hội. Các cháu học sinh là người gánh chịu hậu quả khi phải bỏ học, sức khỏe và giống nòi bị ảnh hưởng. Thêm nữa, còn ảnh hưởng đến tương lai của các cháu. Do đó, để ngăn chặn, ngoài trách nhiệm chính của gia đình, rất cần sự phối hợp, chung tay của nhà trường, đoàn thể xã hội nhằm giáo dục, quản lý chặt chẽ, kiên quyết. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chưa có trường hợp cán bộ, đảng viên nào bị xem xét, xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng tảo hôn.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36376002-bao-dong-tinh-trang-tao-hon-o-quynh-nhai.html