Bảo đảm tính linh hoạt của hợp đồng dầu khí
Nhằm bảo đảm tính linh hoạt, hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tham gia hoạt động dầu khí, đồng thời giải quyết một số tồn tại, bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động dầu khí, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã có nhiều quy định mới liên quan đến hợp đồng dầu khí như kéo dài thời gian hợp đồng; bổ sung quy định diện tích đối với hợp đồng dầu khí, có thể gồm nhiều lô dầu khí phù hợp với tình hình thực tế… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh nội dung quan trọng này.
Đa dạng về hình thức
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) quy định chung về hình thức hợp đồng là “hợp đồng chia sản phẩm dầu khí và các hình thức khác” nhưng không có nguyên tắc về việc sẽ bổ sung mẫu các loại hợp đồng dầu khí khác một cách tương ứng. Việc chỉ có quy định về mẫu hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) không đáp ứng được yêu cầu tăng cường hoạt động dầu khí để khai thác hiệu quả tiềm năng về năng lượng không tái tạo ở Việt Nam hiện nay, khi mà hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí không còn phù hợp đối với trường hợp mỏ tận thu, mỏ nhỏ, mỏ cận biên… Quy định như tại dự thảo Luật sẽ hạn chế việc đa dạng hóa hình thức hợp đồng.
Nguồn: ITN
Mặt khác, theo quy định tại Dự thảo Luật, trong trường hợp hợp đồng dầu khí ngay từ đầu chỉ có sự tham gia của tổ chức, cá nhân Việt Nam thì hợp đồng dầu khí sẽ được ký kết bằng Tiếng Việt. Việc quy định hợp đồng sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt chỉ phù hợp với những lĩnh vực kinh doanh thông thường nhưng không phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực hoạt động dầu khí mang tính quốc tế cao.
Thực tế, các đối tác Việt Nam cũng mong muốn có sự tham gia của các đối tác nước ngoài trong quá trình triển khai hoạt động để có thể học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật của các công ty dầu khí lớn trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, dù vào thời điểm ký kết hợp đồng không có sự tham gia của các đối tác nước ngoài nhưng hợp đồng dầu khí vẫn nên được ký bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài, tương tự như quy định tại Điều 22 của Luật Dầu khí hiện hành.
Bên cạnh đó, trên cơ sở tham khảo có chọn lọc các hình thức hợp đồng mà các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… đã áp dụng có hiệu quả và phù hợp với điều kiện Việt Nam, cần bổ sung quy định về một số loại hợp đồng dầu khí (ngoài PSC) (bao gồm nhưng không giới hạn hợp đồng đầu tư/kinh doanh rủi ro; hợp đồng dịch vụ; hợp đồng quản lý, vận hành thuê cho Chính phủ; hợp đồng khai thác tận thu dầu khí) nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thông lệ dầu khí thế giới nói chung, góp phần tạo ra một môi trường pháp lý cạnh tranh, minh bạch, rõ ràng, cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút các nhà thầu dầu khí, tổ chức, cá nhân đầu tư trong các hoạt động dầu khí.
Rõ ràng về thời hạn hợp đồng
Xác định thời hạn hợp đồng là một trong những vấn đề quan trọng của hợp đồng dầu khí, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã có quy định kéo dài thời gian hợp đồng dầu khí thêm 5 năm so với quy định hiện hành và thống nhất đối với việc khai thác dầu và khai thác khí.
Theo đó, thời hạn của hợp đồng dầu khí là 30 năm (đối với lô, mỏ, dự án dầu khí thông thường) và 35 năm (đối với các lô, mỏ, dự án ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí). Trong đó, thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí 5 năm (lô, mỏ, dự án dầu khí thông thường) và 10 năm (lô, mỏ, dự án ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí); thời hạn hợp đồng dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm; thời hạn của giai đoạn tìm kiếm, thăm dò dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm.
Xung quanh nội dung này, nhiều chuyên gia cho rằng, đối với các dự án khai thác khí, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời gian gia hạn thời hạn hợp đồng dầu khí phù hợp với thời gian cam kết cung cấp khí trong hợp đồng mua bán khí. Bởi đây là một nguyên tắc rất cần thiết, là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến giá khí. Việc quy định mang tính nguyên tắc nhằm giảm bớt thủ tục phê duyệt gia hạn của cấp có thẩm quyền và phù hợp với thực tế quản lý các hợp đồng dầu khí có phát hiện khí.
Đối với quy định về thời gian giữ lại diện tích phát hiện khí, nên bổ sung điều kiện được giữ lại diện tích đối với các phát hiện khí thương mại hoặc chưa khẳng định được tính thương mại do chưa có thị trường tiêu thụ, chưa có các điều kiện về đường ống, phương tiện xử lý thích hợp hoặc chưa đạt được thỏa thuận về giá khí. Đồng thời, đề xuất tăng thời gian giữ lại diện tích phát hiện khí (7 năm thay cho 5 năm)và trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ có thể cho kéo dài thêm (không hạn chế thời gian thay vì quy định kéo dài thêm 3 năm như dự thảo hiện nay).Việc bổ sung các trường hợp được giữ lại diện tích phát hiện khí và kéo dài thời hạn được giữ lại diện tích phát hiện khí sẽ cải thiện khả năng khai thác tận thu đối với các phát hiện khí có quy mô nhỏ.
Quy định nguyên tắc trong luật cùng với cách thức thực hiện rõ ràng, minh bạch trong Nghị định hướng dẫn sẽ giúp cho tiến độ phát triển các mỏ nhỏ, mỏ cận biên được cải thiện, không bị bỏ lỡ cơ hội thu hút vốn đầu tư của các nhà thầu nước ngoài.