Bảo đảm nguồn nước gieo trồng vụ xuân

Theo kế hoạch vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh gieo trồng 189.000ha cây trồng các loại, để đảm bảo nguồn nước cho người dân gieo trồng đúng khung thời vụ, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi đang tích cực phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp cung cấp nguồn nước cho vụ sản xuất đạt hiệu quả cao.

Cán bộ Công ty TNHH MTV Sông Chu kiểm tra hoạt động của các trạm bơm sẵn sàng cung cấp nước cho sản xuất tại xã Xuân Sinh (Thọ Xuân).

Cán bộ Công ty TNHH MTV Sông Chu kiểm tra hoạt động của các trạm bơm sẵn sàng cung cấp nước cho sản xuất tại xã Xuân Sinh (Thọ Xuân).

Vụ xuân 2025, Chi nhánh Thủy lợi Nông Cống - Công ty TNHH MTV Sông Chu có kế hoạch cung cấp nước cho hơn 6.800ha cây trồng của huyện Nông Cống. Để chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, chi nhánh đã thường xuyên bảo dưỡng các công trình thủy lợi đầu mối, vận hành các trạm bơm; huy động cán bộ, công nhân viên nạo vét hệ thống kênh dẫn các trạm bơm, kênh mương tưới cho các xã, thị trấn để gieo cấy, tưới dưỡng và chống rét cho lúa vụ xuân. Ông Trần Văn Hanh, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Nông Cống, cho biết: Căn cứ vào giống cây trồng và lịch gieo trồng vụ xuân năm 2025 của huyện Nông Cống, chi nhánh xác định lượng nước yêu cầu cho sản xuất vụ xuân khoảng hơn 28 triệu m3. Vì vậy, ngay từ đầu vụ sản xuất chi nhánh đã chủ động phương án tưới và chống hạn cho các thời kỳ sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH MTV Sông Chu điều hành nước tưới trên hệ thống sông Mực và sông Chu một cách hợp lý. Cùng với đó, phân công cán bộ tổ kỹ thuật xuống tận các cụm kết hợp điều hành đến từng vùng, từng xã, giải quyết các ách tắc trên các tuyến kênh dẫn cấp 1, cấp 2. Chi nhánh thực hiện phương án tưới luân phiên để nâng cao đầu nước nhằm dẫn tải nước được nhanh hơn, xa hơn đảm bảo các lịch tưới phủ được hết toàn bộ diện tích phía cuối các kênh tưới.

Theo dự báo của Chi cục Thủy lợi, vụ xuân 2025 lượng dòng chảy trên các sông suối xuống thấp dần ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cũng như cùng kỳ năm 2024 từ 5 - 10%. Trên địa bàn tỉnh còn 42/86 hồ chứa nằm trong danh mục hồ chứa hư hỏng mất an toàn trước mùa mưa lũ năm 2024 chưa bố trí được kinh phí để khắc phục hoặc mới chỉ khắc phục tạm thời để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khó lường, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây thất thiệt sản xuất có thể xảy ra bất kỳ như hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh, ảnh hưởng đến công tác tưới, tiêu vụ xuân. Vùng cửa sông ven biển chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, xâm nhập mặn vùng cửa sông ven biển ở mức trung bình nhiều năm, có khả năng bị ảnh hưởng mặn.

Trên cơ sở thực tế về nguồn nước của các hồ chứa, nhận định xu thế về thời tiết, thủy văn, vụ xuân năm 2025 diện tích nguy cơ bị thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn khoảng từ 13.300ha - 17.200ha. Trong đó, vùng hồ đập lớn với diện tích có khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán từ 6.300 - 7.700ha tập trung chủ yếu ở khu vực đuôi kênh của các hệ thống kênh lấy nước từ hồ Cửa Đạt (hệ thống Bái Thượng, hệ thống Bắc sông Chu - Nam sông Mã), hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ nằm trên địa bàn các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Yên Định, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa,... Vùng đồng bằng ven biển và vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn từ 3.200 - 4.300ha, chủ yếu các huyện, thị xã, thành phố ở khu vực ven biển và TP Thanh Hóa thuộc vùng Nam sông Chu, Bắc sông Mã. Đây là vùng các trạm bơm lấy nước từ hạ lưu sông Mã, sông Lèn, sông Hoạt, kênh De, sông Yên... Vùng tưới trên các triền sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Cầu Chày với diện tích có khả năng ảnh hưởng bởi thiếu nước, hạn hán từ 1.400 - 1.900ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Thạch Thành, Nông Cống, Cẩm Thủy. Vùng tưới bằng các hồ, đập, công trình thủy lợi nhỏ với diện tích có khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán từ 2.400 - 3.300ha, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, các hồ chứa đang thi công và các hồ có mực nước dưới mực nước chết.

Bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, cho biết: Trước thực trạng trên, chi cục thường xuyên phối hợp với các địa phương trong tỉnh, đơn vị khai thác công trình thủy lợi kiểm tra và sửa chữa kịp thời máy móc, thiết bị, các sự cố, hư hỏng công trình để kịp thời, chủ động hỗ trợ tưới phục vụ sản xuất vụ xuân 2025. Cùng với đó, huy động lực lượng nạo vét các cửa lấy nước các trạm bơm, tu sửa máy móc, thiết bị của các trạm bơm tưới, sẵn sàng vật tư để nối dài ống hút có thể khi mực nước xuống thấp, nhất là đối với các trạm bơm tưới trên triền sông. Duy trì các máy bơm dã chiến chống hạn đã được lắp đặt trong các năm trước, có kế hoạch lắp đặt bổ sung máy bơm dã chiến, tận dụng mọi nguồn nước để bơm truyền, bơm tiếp nguồn nước đảm bảo thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng, áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Các công ty khai thác công trình thủy lợi căn cứ tình hình thực tế để quyết định đắp đập tạm giữ nước trên các sông Cầu Chày, Mạo Khê, sông Bưởi và hệ thống kênh tiêu lớn... để tích trữ nước phục vụ tưới cho các xứ đồng.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-dam-nguon-nuoc-gieo-trong-vu-xuan-237207.htm