Bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, ngày 20/6, Quốc hội thảo luận tại tổ và Hội trường; biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự, Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Xây dựng cơ sở phường, xã là những pháo đài về an ninh trật tự
Sáng 20/6, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với 466/472 phiếu tán thành (tương đương 94,33% tổng số đại biểu Quốc hội). Tiếp đó, các đại biểu biểu quyết thông qua thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, với 471/472 phiếu tán thành (tương đương 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội).
Các đại biểu cũng biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự, với 469/475 phiếu tán thành (tương đương 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội).
Cũng trong phiên họp sáng 20/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các đại biểu cho rằng, để bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đạt hiệu quả tốt, cần có luật thống nhất các quy định về xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, luật cần quy định rõ, cụ thể vấn đề biên chế, ngân sách cũng như vị trí, chức năng, địa vị pháp lý đối với lực lượng này. Từ đó làm căn cứ cho việc xác định chức năng, nhiệm vụ tổ chức, bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bày tỏ băn khoăn về ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, có đại biểu đề nghị Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động; Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý về xây dựng, tuyển chọn, bố trí lực lượng, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng này.
Phát biểu tại tổ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ mục tiêu xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, mọi người dân đều phải được hưởng niềm hạnh phúc, an toàn, không ai bị đe dọa. Do đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự không chỉ quan tâm đến an ninh, an toàn của quốc gia, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, sự bền vững của chế độ mà còn đặc biệt quan tâm đến an ninh, an toàn của từng con người.
Trên cơ sở quy định cụ thể nhiệm vụ của Trung ương, cấp tỉnh, huyện và xã, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, mục tiêu quan trọng nhất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cấp xã là bám vào cơ sở, quan tâm đến từng gia đình, người dân. "Bộ Công an xây dựng cơ sở phường/xã là những pháo đài về an ninh trật tự. Lực lượng Công an chính quy tăng cường về xã được phân công nhiều nhiệm vụ, một phần vận động quần chúng nhân dân, một phần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân ngay tại chỗ", Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định.
Thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Chiều cùng ngày, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với 466/472 phiếu tán thành, tương đương 93,72% đại biểu biểu quyết.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 Chương, 80 Điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Nhiều quy định mới đã được tiếp thu trong Luật sửa đổi lần này nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh có nhiều thay đổi hiện nay.
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Tham gia thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật lần này cần xác định xây dựng chính sách thật sự phù hợp để công tác quản lý tài nguyên nước thật sự hiệu quả. Đại biểu cho rằng, việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước, đặc biệt là trong trường hợp hạn hán, thiếu nước rất quan trọng để góp phần đảm bảo nhu cầu sản xuất và các nhu cầu thiết yếu của người dân vùng hạn. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 36 và Điều 37 dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tuy nhiên, muốn thực hiện được hiệu quả trên thực tế, ngoài việc phải quy định về nguyên tắc, cách thức điều hòa, phân phối tài nguyên nước như dự thảo luật, cần phải quan tâm, đảm bảo nguồn lực để thực hiện các quy định này.
Góp ý về dự thảo Luật Tài nguyên nước tại nghị trường, đại biểu nêu ra nhiều vấn đề then chốt; đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích từ ngữ để người dân, doanh nghiệp dễ hiểu, thực hiện. Theo đại biểu, vai trò của chính quyền các địa phương trong quản lý, phục hồi nguồn nước, giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước cần được bổ sung làm rõ.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Cơ quan soạn thảo “sẽ tiếp thu một cách tối đa nhất, đảm bảo luật chúng ta có được tốt nhất để trình Quốc hội trong tháng 10 của kỳ họp sau”.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) phải đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước và đặc biệt là đảm bảo về an ninh nguồn nước. Trong dự thảo luật sẽ rà soát để có giải pháp về tiết kiệm nước, sử dụng nước và sử dụng khoa học cách quản trị về tuần hoàn nước.