Bảo đảm an toàn trong trường học đã thực hiện nghiêm?

Học sinh bị điện giật tử vong tại trường, thầy giáo hút thuốc làm nổ bóng bay khiến 10 học sinh nhập viện, nam sinh đuối nước vì thầy giáo mải bấm điện thoại - những sự việc xảy ra gần đây đã khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng và đau lòng. Cùng với đó là câu hỏi về quy trình đảm bảo an toàn trong trường học đã được xây dựng và thực hiện nghiêm túc?

Liên tiếp tai nạn đối với học sinh:

Một trong những học sinh trong vụ nổ bóng bay ở trường Tiểu học Yên Phú (Thanh Hóa) đang điểu trị tại bệnh viện. Ảnh: Lê Dương

Những vụ việc đau lòng

Tại lễ khai giảng ở Trường Tiểu học Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, nhà trường đã chuẩn bị 2 chùm bóng bay để 2 bên cánh gà. Cuối buổi lễ, học sinh đi về lớp để học, một số em và phụ huynh lên khán đài lấy bóng bay chơi, cùng lúc đó thầy L.H.C (giáo viên nhà trường) đi qua, trên tay cầm thuốc lá, không may đụng phải khiến bóng bay phát nổ.

Vụ nổ đã làm 10 học sinh bị bỏng ở mặt và tay. Sau khi sự việc xảy ra, Ban giám hiệu nhà trường cùng các thầy giáo cô giáo đã đưa học sinh đến Trạm Y tế xã Yên Phú sơ cứu. Sau đó 10 học sinh bị thương được đưa lên BVĐK huyện Yên Định tiếp tục điều trị.

Một vụ việc hết sức đau lòng khác, chỉ mới sau lễ khai giảng, học sinh lớp 10 trong lúc chơi thể thao, chạy tới lấy nước uống tại máy lọc nước nóng - lạnh trong khu nội trú Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (TP Hồ Chí Minh) thì bị điện giật tử vong. Vị hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thời Nhiệm cho biết, nam sinh ở tỉnh khác đến trường học và ở lại khu nội trú. Vào ngày nam sinh bị nạn, nhà trường vừa làm lễ khai giảng buổi sáng, đến buổi chiều thì xảy ra vụ việc.

2 vụ việc nữa khiến cha mẹ, phụ huynh bàng hoàng, lo lắng, ngày 22/8, một học sinh lớp 9 trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (quận Hà Đông, Hà Nội) tử vong trong giờ học bơi. Giáo viên dạy bơi Nguyễn Lâm Thắng (SN 1999) thừa nhận đã không phổ biến, hướng dẫn học sinh mà để cho các em tự do xuống bể bơi. Còn bản thân giáo viên ngồi trên bờ sử dụng điện thoại trong suốt tiết học. Khi học sinh vùng vẫy rồi bị chìm xuống đáy bể bơi, giáo viên này vẫn ngồi vị trí cũ sử dụng điện thoại di động, hoàn toàn không hay biết về sự việc. Sau khi xảy ra sự việc, thầy giáo dạy bơi này bị cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án cũng đã được khởi tố. Ngày 23/8, một nam sinh ở Nghệ An cũng tử vong khi đi bơi ở bể trong trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh.

2 vụ chết đuối xảy ra liên tiếp trong trường học dấy lên cảnh báo về đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh trong nhà trường... Những vụ tai nạn thương tâm, đau lòng xảy ra cho học sinh các cấp ngay trong nhà trường khiến không ít người, các bậc phụ huynh, cha mẹ hoang mang, lo lắng vì yếu tố an toàn tại môi trường giáo dục, tại các trường học đã thực sự đảm bảo.

Quy trình lỏng lẻo hay sự bất cẩn?

Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thì đầu tiên trường học cần là nơi đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho các em học sinh. Muốn đảm bảo tiêu chí môi trường học tập hạnh phúc, an toàn cần phải được quan tâm đúng mức bằng các tiêu chí, yếu tố đảm bảo an toàn. Đúng là cuộc sống luôn có những tai nạn không thể lường trước.

Nhưng nhiều vụ việc, nếu cứ quy cho “tai nạn” thì chúng ta rất khó nhìn thẳng rằng trường học có thể đang tồn tại nhiều vấn đề chưa đảm bảo an toàn cho học sinh vì phía sau đó có thể là quy trình lỏng lẻo hoặc là sự bất cẩn. Học trò tử vong trong khi thầy dạy bơi mải “bấm điện thoại” thì cần phải xem xét lại quy trình các trường tổ chức dạy bơi cho học sinh như thế nào, các yếu tố nào đảm bảo cho các em, điều kiện về cứu hộ ra sao, cơ chế giám sát công tác giảng dạy những bộ môn có nguy cơ mất an toàn thế nào…

Học sinh tử vong do điện giật ở khu nội trú trường học thì rõ ràng hệ thống điện ở trường không đảm bảo an toàn, có kẽ hở trong việc kiểm tra đảm bảo an toàn toàn điện. Những người đang làm giáo dục, những nhà quản lý nên cùng nhìn lại, kiểm tra lại quy trình, quy chuẩn an toàn trường học, chú tâm, quan tâm, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.

Nguy hiểm có thể ập đến với trẻ khi một quy trình vận hành, quản lý lỏng lẻo hay đến từ sự thiếu trách nhiệm, cẩu thả, vô tổ chức trong thực hiện nội quy trường học. Bởi tính mạng của học trò không có chỗ để chúng ta được phép sơ sẩy, cẩu thả.

Dự thảo về hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên vừa được Bộ GD&ĐT kết thúc lấy ý kiến góp ý vào tháng 8 vừa qua.

Theo dự thảo, tiêu chí trường học an toàn được quy định như sau: Phòng học: Chắc chắn, thoáng mát, sạch sẽ, đủ ánh sáng. Bàn, ghế của người học bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định. Hệ thống cửa chắc chắn, có móc và được cố định khi cửa mở; cửa sổ có chấn song chắc chắn, an toàn. Hệ thống điện, các thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập trong phòng học và các thiết bị khác (quạt điện, máy chiếu, tivi, amply, điều hòa...) được lắp đặt ở vị trí phù hợp, an toàn.

Nhà bếp, nhà ăn, căng tin (nếu có): Độc lập với khối phòng chức năng, phòng học và có thiết bị chữa cháy bảo đảm hoạt động tốt. Bảo đảm theo quy trình bếp một chiều, lưu thông không khí. Đủ ánh sáng, thoáng và khô ráo (không bị ẩm thấp, ứ đọng nước), có tủ lưu giữ mẫu thức ăn theo quy định. Có nội quy khu bếp, có bảng công khai tài chính và thực đơn hàng ngày được gắn ở vị trí dễ thấy.

Nhà vệ sinh: Nhà vệ sinh cho người học, cán bộ, giáo viên, nhân viên được thiết kế thông thoáng và bố trí riêng biệt cho nam và nữ; nền nhà vệ sinh khô ráo, sạch sẽ, chống trơn trượt, có hệ thống cấp thoát nước hoạt động liên tục.

Về phòng, chống đuối nước; tai nạn giao thông và các loại hình tai nạn thương tích khác: Có tổ chức dạy bơi, kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường nước cho người học trong nhà trường hoặc phối hợp tổ chức dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước ở ngoài nhà trường. Phối hợp với gia đình, địa phương kí cam kết không để xảy ra tình trạng người học vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở trong và ngoài nhà trường…

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bao-dam-an-toan-trong-truong-hoc-da-thuc-hien-nghiem-352006.html