Báo chí trong 'cuộc chơi' trí tuệ nhân tạo

Công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) trong thế giới thông tin hiện đại đang buộc các tòa soạn, người làm báo phải thay đổi tư duy và có giải pháp ứng xử hợp lý với AI.

Thách thức lớn

Ngành báo chí đã và đang chứng kiến sự biến đổi to lớn do ảnh hưởng của công nghệ và môi trường truyền thông mới.

Các tòa soạn báo đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi độc giả dần chuyển sang việc đọc tin trực tuyến trên các thiết bị di động.

Sự bùng nổ của mạng xã hội và những người có ảnh hưởng đang dần thay thế truyền thông, báo chí truyền thống.

Theo báo cáo Toàn cảnh báo chí truyền thông Việt Nam 2023 - 2024 do Global PR Hub thực hiện, người Việt dành trung bình mỗi ngày hơn 6 giờ để truy cập mạng internet, trong khi đó, họ chỉ dành 2 giờ 40 phút xem tivi và ít hơn 1 giờ cho báo, tạp chí.

Số lượng thuê bao di động cũng như tổng người dùng internet năm 2023 đã tăng cao hơn khá nhiều so với 2022.

Đặc biệt, sử dụng mạng xã hội đã dần được bộ phận lớn người tiêu dùng xem là một trong những mục đích chính khi truy cập vào internet và không ít người đã sử dụng nhiều hơn một tài khoản mạng xã hội.

Thống kê này cho thấy, trong kỷ nguyên số, nhu cầu sử dụng internet và các mạng xã hội của công chúng luôn có xu hướng tăng mạnh, tác động đáng kể đến mức độ hiệu quả của kênh truyền hình, đài phát thanh hay các sản phẩm in ấn.

Chính điều này đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với lượng độc giả cũng như doanh thu của các tòa soạn.

Theo bà Lê Mai Anh, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Global PR Hub, đại dịch Covid -19 đang làm lộ rõ và trầm trọng thêm những khó khăn và áp lực về kinh tế báo chí.

Điều này được thể hiện rõ qua doanh thu quảng cáo, từ chỗ luôn chiếm trên 60% thậm chí lên tới 90% tại một số cơ quan báo chí, thì giờ đây đã sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in.

Bà Lê Mai Anh, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Global PR Hub.

Bà Lê Mai Anh, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Global PR Hub.

Một khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương với số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí) nêu rõ, tổng doanh thu khối báo năm 2021 đạt khoảng 1.925 tỷ đồng, giảm 30,6% so với năm 2020 mức đạt 2.855 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổng doanh thu khối tạp chí cũng giảm dần từ 307 tỷ đồng năm 2019 xuống còn 259 tỷ đồng năm 2020 và giảm mạnh chỉ còn 170 tỷ đồng năm 2021.

Bà Mai Anh cho rằng, cách công chúng tiếp nhận và xử lý thông tin đang ngày càng thay đổi. Bối cảnh báo chí truyền thông của Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy này khi phải đối mặt với những thách thức như chuyển đổi kỹ thuật số, cạnh tranh thông tin. Do đó, báo chí Việt Nam cần đổi mới, đa dạng hóa để thích ứng, thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Mạng xã hội là một kênh truyền thông hiệu quả khi vừa có thể tạo được sự tương tác trực tiếp với công chúng, vừa tăng uy tín và nhận thức về tin tức. Điều này đòi hỏi người làm truyền thông phải cập nhật liên tục nội dung để đáp ứng nhu cầu và sở thích của người dùng.

AI sẽ là chìa khóa của các tòa soạn năm 2024

Bên cạnh sự bùng nổ của mạng xã hội, sự thiếu hụt nhân sự và tài nguyên, duy trì sự minh bạch như một nguồn tin tức đáng tin cậy cũng là những thách thức rất lớn đặt ra với các tòa soạn báo.

Trong xu thế đó, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp đơn giản hóa hoạt động truyền thông, báo chí và mang lại cho các độc giả những trải nghiệm mới mẻ.

Để thích nghi và tiếp tục phát triển, ngành báo chí cần tìm hiểu và áp dụng các công nghệ mới như AI, đồng thời tìm cách kết nối với độc giả một cách hiệu quả hơn.

Theo ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, AI sẽ là chìa khóa của các tòa soạn năm 2024.

Ông Minh cho biết, AI đang phát triển đến một giai đoạn mới, không còn như hình dung trước đây. Hiện AI có thể tự động phân tích để nắm bắt người dùng, theo dõi người dùng. Công nghệ ngày nay là một đồng minh rất quan trọng để tạo ra báo chí chất lượng cao. Các cơ quan báo chí sẽ được lợi rất nhiều từ sự phát triển của công nghệ và AI.

"Năm 2017, tại một số hội nghị, khi tôi đề cập đến trí tuệ nhân tạo, rất nhiều người nói rằng nó là chuyện xa vời, sẽ còn lâu mới xảy đến với Việt Nam. Từ năm 2018, Thông Tấn Xã Việt Nam và báo Vietnamplus đã ứng dụng chatbot và nhiều công nghệ hỗ trợ khác. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng ở rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống", ông Minh chia sẻ.

Báo cáo của Global PR Hub chỉ ra rằng, AI có thể giúp các tòa soạn tinh giản quá trình khám phá khách hàng, độc giả và sản phẩm. AI giúp phân tích, soạn thảo, cập nhật chỉnh sửa nội dung.

Ngoài ra, AI còn có tiềm năng tham gia vào phần sáng tạo của quy trình tiếp thị – từ viết nội dung cho nhiều kênh đến tạo ra hình ảnh, âm thanh và bài đăng trên mạng xã hội. AI có thể cải thiện khả năng tiếp cận, lưu giữ và thu thập của phương tiện truyền thông tin tức.

Tại hội thảo chuyên đề "Tương lai của báo chí và trí tuệ nhân tạo", bà Võ Huyền Trang Nữ, phụ trách phát triển nhà xuất bản tại MGID Việt Nam cho rằng, hiện nhiều tòa soạn đã sử dụng AI trong việc tóm tắt, viết lại bài biết, đề xuất nội dung phù hợp, phân tích, tổng hợp dữ liệu một cách nhanh chóng.

Mặt khác, công nghệ còn giúp thay đổi trải nghiệm của độc giả, mang đến những ấn tượng tốt hơn cho người đọc. Công cụ này cũng giúp theo dõi hiệu quả các nội dung, xu hướng của độc giả để xây dựng chiến lược phát triển nội dung của tòa soạn một cách tối ưu.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại VietnamPlus, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó tổng biên tập VietnamPlus cho biết, hiện tòa soạn đã sử dụng AI để thực hiện hiệu quả rất nhiều công việc mà trước đó các phóng viên, nhân sự gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử như đối với việc sử dụng ảnh, biểu đồ cho các bài viết, nếu như trước đây, tòa soạn phải sử dụng nguồn ảnh từ nước ngoài hoặc mua ảnh, thì hiện nay, các phóng viên hoàn toàn có thể thiết kế ảnh bằng AI.

Hay như việc xử lý các băng phỏng vấn, soát lỗi chính tả, với việc ứng dụng AI, các bài viết của phóng viên, biên tập viên có thể sửa lỗi chính tả một cách nhanh chóng.

Không nên quá kỳ vọng vào AI

Mặc dù khẳng định AI sẽ là chìa khóa của các tòa soạn trong năm 2024, song ông Minh cho rằng, việc sử dụng AI cũng gặp rất nhiều rủi ro, đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề, đặc biệt là tính nhân văn và đạo đức.

Theo ông Minh, phần lớn các tòa soạn báo hiện nay đang tỏ ra lo lắng về việc sử dụng AI có thể gây ra rủi ro, tổn thất danh tiếng cho tòa soạn khi sử dụng để sáng tạo nội dung, thu thập tin tức...

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Bên cạnh đó, AI sẽ có tác động tiêu cực đến niềm tin của độc giả vào tin tức. AI làm giảm và hạ thấp niềm tin của công chúng vào tin tức mà báo chí đưa ra, tính xác thực của thông tin mà AI cung cấp.

Nguyên nhân được ông Minh đưa ra là không phải lúc nào AI cũng cung cấp những thông tin chính xác. Dù AI đã hỗ trợ rất nhiều trong lĩnh vực sáng tạo nội dung và thu thập tin tức, nhưng cũng mang lại rất nhiều rủi ro mà nhiều khi độc giả không thể phát hiện.

Ví dụ trong việc tạo ra nội dung, một trang thông tin chuyên về công nghệ trên thế giới đã âm thầm sử dụng AI để tạo ra nội dung, song người dùng đã phát hiện ra rằng, có đến 40% nội dung là không đúng sự thật.

Chính vì vậy, ông Minh cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực của AI, các tòa soạn cần tìm ra những cách tiếp cận đúng đắn, đảm bảo rằng công nghệ được áp dụng một cách đáng tin cậy và có lợi cho tòa soạn, độc giả và toàn xã hội.

AI cần được sử dụng một cách thận trọng do có thể gặp khó khăn về chất lượng thông tin và bảo mật dữ liệu.

"Báo chí hiện nay nên quay trở lại với bản chất ban đầu là xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, gắn bó với họ, hiểu họ để đưa ra những nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng. Với báo in, những gì có thể tìm thấy được ở trên internet thì không nên đưa lên báo in nữa, có như vậy mới có thể thu hút được người dùng", ông Minh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nhật cũng cho rằng, vai trò quan trọng của công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng trong thế giới thông tin hiện đại là điều không thể phủ nhận, song các tòa soạn và người làm báo không nên quá kỳ vọng vào sức mạnh ghê gớm của công cụ này.

"AI có thể là công cụ hỗ trợ đắc lực, tuy nhiên, để đòi hỏi AI có thể viết hay hơn, thay thế hoàn toàn vai trò của phóng viên, biên tập viên trong một tòa soạn báo là điều không thể", ông Nhật khẳng định.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho công nghệ, AI là rất lớn. Chính vì vậy, vị lãnh đạo cơ quan báo chí này cho rằng, bên cạnh việc sử dụng AI để nâng cao hiệu quả, chất lượng báo chí, những giá trị cốt lõi của báo chí như tính xác thực thông tin, tính nhân văn và bản sắc của một tòa soạn báo vẫn cần giữ vững.

Hành động trước khi quá muộn

Mặt khác, theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những quy định về mặt pháp lý để bảo vệ bản quyền của báo chí đang sử dụng và phân tích bởi AI.

Báo chí hiện nay đang mắc một sai lầm rất lớn là đưa nội dung miễn phí lên internet để AI học hỏi và sử dụng. Hiện nay, một số cơ quan, tổ chức trên thế giới như Getty Images đã cấm AI không được sử dụng kho hình ảnh của họ. Bởi việc AI lấy từ hàng triệu hình ảnh họ để tạo ra một cái hình ảnh mới là điều họ không thể kiểm soát và lường trước hết những rủi ro, ông Minh cho biết.

Trước thực tế này, ngày càng có nhiều sức ép từ các cơ quan báo chí yêu cầu các công ty AI bồi hoàn, trả tiền cho họ khi sử dụng các dữ liệu để huấn luyện AI.

Hiện có đến khoảng 50% các cơ quan báo chí hàng đầu tại 10 quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Đan Mạch... đã chặn không cho AI truy cập vào các trang tin của họ. Ba Lan, Mexico, tỷ lệ chặn ít hơn ở mức từ 20% 27%.

Cũng theo ông Minh, hiện liên minh truyền thông, tin tức đại diện cho 2.000 cơ quan báo trí trên toàn thế giới đang xây dựng các bộ nguyên tắc, yêu cầu việc sử dụng, phát triển AI phải có các quy định để bảo vệ các cơ quan báo chí.

Phương Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bao-chi-trong-cuoc-choi-tri-tue-nhan-tao-1710316254804.htm