Báo chí là lực lượng tiên phong trong công tác thông tin đối ngoại
Trao đổi với Mekong ASEAN nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), bà Phạm Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định các cơ quan báo chí Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là những người cùng chia sẻ, gánh vác với ngành ngoại giao trong rất nhiều sự kiện đối ngoại trong và ngoài nước.
Bà Phạm Thu Hằng: Trong những năm qua, Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Những đóng góp của Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đó là kết quả của việc phát huy trí tuệ, bản lĩnh, sự linh hoạt, sáng tạo của toàn bộ hệ thống chính trị, qua đó góp phần giúp bạn bè quốc tế hiểu và yêu mến, ủng hộ Việt Nam.
Với khối lượng công việc lớn, yêu cầu tốc độ nhanh, độ chính xác cao, đồng thời phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, vai trò của các cơ quan báo chí Việt Nam rất quan trọng, là những người cùng chia sẻ, gánh vác với chúng tôi trong rất nhiều sự kiện đối ngoại trong và ngoài nước.
Dù ở bất kỳ đâu và bất kể thời gian nào, các hoạt động đối ngoại của đất nước đều được các cơ quan báo chí Việt Nam truyền tải đầy đủ, chính xác, kịp thời, sáng tạo. Thông điệp và hình ảnh trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, vị thế và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, dưới ngòi bút, góc máy của các phóng viên, biên tập viên báo chí đã được truyền tải mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế.
Quan điểm, lập trường của Việt Nam trong các vấn đề cũng được báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời, qua đó góp phần khẳng định các chủ trương, chính sách đúng đắn của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như kịp thời đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái.
Bà Phạm Thu Hằng: Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ truyền thông đang dần thay đổi mạnh mẽ khả năng và cách tiếp cận thông tin cũng như nhận thức của công chúng. Chúng ta đã quen thuộc với truyền thông đa phương tiện trước đây, hay truyền thông mạng xã hội và gần đây nhất là truyền thông trí tuệ nhân tạo…
Và trong nhiều cách thức truyền tải thông tin hiện nay, mạng xã hội đang có ảnh hưởng lớn đến công chúng, là kênh cung cấp, phổ biến thông tin với nội dung và hình thức hết sức đa dạng và phong phú, tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến từng cá nhân và đồng thời tác động đến cách thức và nội dung truyền tải thông tin của các phương tiện báo chí truyền thống.
Trên môi trường mạng xã hội, có thể nói, giữa các cơ quan báo chí và công chúng không còn những khoảng cách mà có sự tương tác trực tiếp với nhau, chủ động hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, chính điều này đặt ra cho các cơ quan báo chí những nhiệm vụ thay đổi về cách thức sáng tạo, phương thức sản xuất thông tin cũng như đổi mới chiến lược tổ chức, vận hành, quản lý theo các mô thức mới đa nền tảng, tăng tương tác để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của công chúng, nhất là trên môi trường mạng xã hội.
Đơn cử hiện nay, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã và đang sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông hữu hiệu để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng như kịp thời đưa những nguồn thông tin chính thống dưới nhiều hình thức phong phú như infographic, clip, hình ảnh để đến với đa dạng công chúng. Đây là một phương thức truyền thông hiệu quả để chúng ta từng bước ngăn chặn, đẩy lùi nguồn thông tin xấu độc.
Nếu như cách đây 10, 15 năm chúng ta đã từng nói về “thế hệ ngón tay cái” thì ngày nay thế hệ này đang dần nhường chỗ cho những thế hệ “công dân đám mây”. Hơn bao giờ hết, các cơ quan báo chí, truyền thông cần phải có những định hướng lớn để nắm bắt xu thế thay đổi, sớm thích nghi và đề ra những nhiệm vụ cụ thể phù hợp với thời đại.
Bà Phạm Thu Hằng: Không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, công tác thông tin đối ngoại của đất nước, của Bộ Ngoại giao cũng đang trải qua quá trình chuyển biến một cách nhanh chóng từ việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để đổi mới cách thức truyền tải thông tin, những cải cách trong tư duy, cơ cấu, tổ chức, nhân sự của bộ máy làm công tác thông tin đối ngoại đến những thay đổi, cách tân về nội dung cũng như phương thức truyền thông theo hướng ứng dụng công nghệ số.
Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, việc thúc đẩy, ứng dụng truyền thông mạng xã hội, ngoại giao kỹ thuật số vào các hoạt động ngoại giao, đặc biệt là hoạt động thông tin đối ngoại đã trở thành một kênh thông tin và giao tiếp quan trọng giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với công chúng cả trong nước và quốc tế, góp phần hỗ trợ cho việc triển khai chính sách đối ngoại của đất nước.
Ở trong nước, nhiều đơn vị của Bộ Ngoại giao đã khởi tạo và sử dụng các tài khoản mạng xã hội trên các nền tảng phổ biến như Facebook, X với các ngôn ngữ phù hợp nhằm hướng tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.
Ở các địa bàn ngoài nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Đại sứ cũng đã chủ động sử dụng mạng xã hội để kể những câu chuyện truyền thông, lồng ghép những thông điệp chính sách của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đang sử dụng tài khoản trên nền tảng X như một kênh truyền thông để truyền tải những thông tin về các hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước, của Bộ Ngoại giao, qua đó truyền tải các thông điệp, chính sách đối ngoại của đất nước. Nhiều bài đăng thu hút sự quan tâm cao của công chúng trong nước và quốc tế.
Cùng với các hoạt động thông tin đối ngoại lồng ghép với các phương thức đặc thù của ngành ngoại giao (tiếp xúc đối ngoại, gặp gỡ, vận động...), chúng tôi đang nỗ lực hết sức mình đổi mới hơn nữa các hình thức, phương thức triển khai thông tin đối ngoại phù hợp với bối cảnh tình hình mới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đối ngoại của đất nước, của Bộ Ngoại giao, qua đó lan tỏa tích cực về vai trò, vị thế, hình ảnh của Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.
Bà Phạm Thu Hằng: Với phương châm “lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm” mà Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 đã đặt ra, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế luôn được Bộ Ngoại giao đặt ưu tiên cao.
Để những chủ trương, chính sách được hiện thực hóa, chúng tôi hiểu rằng không thể thiếu đi được vai trò “cầu nối” của các cơ quan báo chí Việt Nam.
Báo chí đã phản ánh đầy đủ, rõ nét công tác ngoại giao kinh tế, qua đó góp phần quảng bá rộng rãi tiềm năng của các địa phương trên cả nước với đối tác nước ngoài. Đồng thời, những nguồn thông tin đa dạng trên báo chí, nhu cầu kinh doanh, đầu tư của các đối tác nước ngoài vào Việt Nam cũng là những tư liệu quý giá để từ đó mỗi địa phương có thể kịp thời nắm bắt và chủ động đẩy mạnh xúc tiến hợp tác đầu tư.
Bà Phạm Thu Hằng: Cùng với sự phát triển khoa học công nghệ, bùng nổ thông tin, có thể nói giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số đang là một xu thế tất yếu. Đảng và Nhà nước chủ trương coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặt ra nhiệm vụ cấp bách đẩy nhanh quá trình này trên mọi lĩnh vực, mọi cấp độ.
Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Tổng biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh tại diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn” cho rằng “chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy; không phải số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số”. Tôi cho rằng đây chính là vấn đề cốt lõi đối với các phóng viên, nhà báo và các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay.
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), xin gửi tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Mekong – ASEAN lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Thực hiện: Đỗ Thảo - Thiết kế: Hà Anh