Bánh chưng, cơm nghĩa tình giữa nước lũ Quảng Bình

Công an đã dùng ca nô mang hàng trăm suất ăn đến trao tận tay cho cho người dân bị lũ cô lập, vận chuyển hàng cứu trợ đến với dân.

Ngày 21-10, ngồi chung cùng ca nô Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) để đi trao hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ. Mọi người tâm sự, không muốn thấy cảnh nhiều hộ dân bị mắc kẹt trong nước lũ này nữa.

Những ngày qua, nước lũ dâng cao dữ dội, họ đi cano đến tận nơi những điểm ngập nặng cứu hộ, tiếp tế lương thực. Có những đêm mất ngủ vì liên tục có tin cầu cứu.

Ca nô phải chui qua dây điện, luồng lách tránh trụ điện để đưa cơm vào từng nhà dân vùng ngập lụt. Ảnh: BÙI TOÀN

Ca nô phải chui qua dây điện, luồng lách tránh trụ điện để đưa cơm vào từng nhà dân vùng ngập lụt. Ảnh: BÙI TOÀN

Khó khăn trong việc di chuyển

Sáng sớm 21-10, lực lượng công an huyện Quảng Ninh túc trực tại bến đò ngã ba Dinh Mười (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) để chuyển những hàng hóa lên chiếc ca nô.

Đồ tiếp tế phần lớn là những phần lương thực, thuốc men do các mạnh thường quân ủng hộ. Nhiệm vụ của họ sẽ chuyển cho hơn 200 hộ dân thôn Hữu Tân (xã Tân Ninh) và xã Duy Ninh. Hàng cứu trợ là những phần bánh chưng, cơm, thuốc men, áo phao...

Có 2 người làm nhiệm vụ hoa tiêu, một lái tàu và hai người hỗ trợ việc phát đồ cho người dân. Để đạt hiệu quả trong việc di chuyển và phát hàng hỗ trợ, ca nô chỉ chở được 6 người.

Việc lái ca nô đi vào vùng ngập lụt cần phải có kỹ năng và thành thạo đường đi vì có rất nhiều dây diện, trụ điện bị chìm trong nước. Nếu không cẩn thận vướng vào, ca nô sẽ lật, rất nguy hiểm.

Người dân bơi xuống ra nhận thực phẩm từ lực lượng công an đi cứu trợ. Ảnh: BÙI TOÀN

Người dân bơi xuống ra nhận thực phẩm từ lực lượng công an đi cứu trợ. Ảnh: BÙI TOÀN

Trung úy Hoàng Quang Vũ, là người lái cano trên dòng nước lũ đưa đoàn đi. Anh không cảm thấy lo lắng vị bản thân sinh ra tại một địa phương gần biển, có kinh nghiệm trong xử lý các tình huống sóng nước.

“Điểm khó nhất trong lái cano là kiểm soát tay lái trong thời điểm nước chảy xiết và gió to. Lúc nước lũ dâng cao, tôi lo nhất việc không biết dưới lớp nước ấy là khu vực nào. Nếu sơ sẩy, có thể chiếc cano sẽ tông phải chướng ngại vật, mọi người trên ghe sẽ nguy hiểm tính mạng”, anh Vũ chia sẻ.

Đến trưa 21-10, mực nước lũ đã có chiều hướng giảm nhưng ở một số khu vực như thôn Hữu Tân (thuộc xã Tân Ninh), lối vào nhỏ, mực nước chưa đủ dày nên cano không thể tiếp cận tận nhà người dân.

Lực lượng công an phải thổi còi, ra hiệu để những người sống gần khu vực chèo ghe đến cano nhận đồ tiếp tế.

Hàng tiếp tế phải đến tận tay người dân

Ông Minh Đức, trú tại thôn Tân Hữu (xã Tân Ninh) cho biết, đã hơn 5 ngày chưa có cơm để ăn, chỉ ăn lương khô và uống nước từ những đoàn viện trợ trước. Khi thấy các đoàn cứu trợ, ngoài ông Đức còn có rất đông người trong địa phương chèo ghe tới xin nhận phần thức ăn của mình.

Các tình nguyện viên chuyển nước uống đã đóng vào bình 5 lít xuống thuyền đưa đến cho người dân. Ảnh: HẢI HIẾU

Các tình nguyện viên chuyển nước uống đã đóng vào bình 5 lít xuống thuyền đưa đến cho người dân. Ảnh: HẢI HIẾU

“Nhà tôi nằm sâu trong thôn, lũ dâng cao nên tôi và vợ đành phải sống trên gian mái của nhà. Khi các đoàn cứu trợ đi qua nhà tôi thì phần lương thực của đoàn đó đã hết sạch, đành phải chờ các đoàn khác tới tiếp tế” - ông Đức cho biết.

Theo trung tá Nguyễn Khánh An, Phó công an huyện Quảng Ninh, huyện Quảng Ninh là một trong những điểm ngập lụt nặng tại tỉnh Quảng Bình, nhiều xã ngập trong nước trong nhiều ngày, người dân lâm vào cảnh mất trắng tài sản. Những ngày vừa qua, nhiều đoàn cứu trợ đến các tỉnh Quảng Bình nhưng nhiều hộ dân vẫn trong tình cảnh thiếu lương thực.

Đến thời điểm hiện tại, chiếc cano vận chuyển đồ tiếp tế vẫn hoạt động liên tục. Mỗi ngày lực lượng công an huyện Quảng Ninh vẫn chở hàng trăm suất ăn, cố gắng đến những điểm ngập sâu nhất để hỗ trợ người dân.

Bữa cơm nuốt vội của một cán bộ ở trạm tiền phương. Ảnh: HẢI HIẾU

Bữa cơm nuốt vội của một cán bộ ở trạm tiền phương. Ảnh: HẢI HIẾU

“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn luôn cố gắng nhắc nhở người dân ở vùng rốn lũ không được tích trữ thức ăn, khi biết có đoàn cứu trợ, cần báo cáo rõ ràng để các đoàn có thể phân phát đầy đủ, phải như vậy thì người dân mới có thể cùng nhau vượt qua hoạn nạn” - Trung tá An nói.

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai huyện Quảng Ninh, trong những ngày tới, các lực lượng tiếp tục nhận hàng cứu trợ của các mạnh thường quân và sẽ phân phát đến tận tay bà con. Công tác khắc phục sau lũ lụt vẫn đang được gấp rút triển khai để người dân ổn định cuộc sống.

BÙI TOÀN - HẢI HIẾU

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/banh-chung-com-nghia-tinh-giua-nuoc-lu-quang-binh-945495.html