'Bản tuyên ngôn' về cái đẹp và tự do thông qua vần thơ

Các nhà thơ có mặt trong đêm thơ 'Bản hòa âm đất nước' - đại diện cho 54 dân tộc anh em - đã mang đến 'bản tuyên ngôn' về cái đẹp và tự do của mỗi cá nhân và dân tộc mình.

Tối 24/2, tức Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn, đêm thơ với chủ đề Bản hòa âm đất nước đã diễn ra trang trọng, ấn tượng, giàu cảm xúc tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam đã làm nên một nền văn hóa lâu đời và kỳ vĩ. Thơ ca chính là một trong những vẻ đẹp huyền diệu góp phần làm nên nền văn hóa ấy. Các nhà thơ có mặt trong đêm thơ Bản hòa âm đất nước - đại diện cho 54 dân tộc anh em - đã mang đến "bản tuyên ngôn" về cái đẹp và tự do của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc mình.

“Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này. Các nhà thơ hãy cùng nhau cất lên 'Bản hòa âm đất nước'. Những người yêu thơ ca hãy bước đến để đón nhận, hưởng thụ bằng vòng tay, trái tim và lương tri của mình vẻ đẹp của dân tộc mà một trong những vẻ đẹp đó là thơ ca”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Đêm thơ mở đầu giàu cảm xúc với bài thơ Rằm tháng Giêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cất cao. Tiếp đó là những phần giới thiệu và trình diễn thơ theo các chủ đề nhằm tôn vinh những di sản quý báu trong kho tàng thi ca 54 dân tộc Việt Nam, những tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc và những tác phẩm viết về thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam.

Nhà thơ 81 tuổi Pờ Sảo Mìn đọc bài thơ "Con trai người Pa Dí".

Cụ thể, phần 1: Thơ và tác giả dân tộc vùng núi phía Bắc gồm trích đoạn trường ca Bách điểu bách hoa (dân tộc Tày), Người Tân Trào (Nông Quốc Chấn), Những người mẹ núi (Đỗ Thị Tấc), Con trai người Pa Dí (Pờ Sảo Mìn), Của Pang (Dương Khâu Luông).

Phần 2: Thơ và tác giả dân tộc miền Bắc gồm trích đoạn truyện thơ Tiễn dặn người yêu (dân tộc Thái), Giấc mơ sông Thương (Nguyễn Phúc Lộc Thành), Khúc hát mùa xuân (Bùi Tuyết Mai), Digan phương Đông (Lý Hữu Lương), Chiều biên giới (Lò Ngân Sủn).

Phần 3: Thơ và tác giả quốc tế giới thiệu tác phẩm của các nhà thơ Hàn Quốc. Phần 4 Thơ và tác giả miền Trung và Nam Trung Bộ đem đến công chúng trích đoạn trường ca Đẻ đất, đẻ nước (dân tộc Mường) và các bài thơ Núi Mường Hung, dòng sông Mã (Cẩm Giang), Hồn du mục (Kiều Mai Ly).

Kết thúc đêm thơ là phần Thơ và tác giả Nam Bộ và Tây Nguyên với các bài thơ đặc sắc: Nhắn người phương ấy ghé chơi (Hồng Thái), Mời bạn về với chúng tôi (Thạch Đờ Ni), Bóng cây Kơ-nia (Ngọc Anh)…

Các tác phẩm thơ được thể hiện với nhiều hình thức như trình diễn, đọc thơ, ngâm thơ, hát ca khúc phổ thơ hấp dẫn, đem đến nhiều trải nghiệm đặc biệt với công chúng.

Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, công chúng được tham quan các không gian Nhà ký ức, Quán thơ, Đường thơ... có thiết kế độc đáo, mới lạ, mang ý nghĩa về Bản hòa âm đất nước theo chủ đề của Ngày thơ năm nay.

Nhà thơ Jeon Min đọc bài thơ “Có một Vịnh Hạ Long trong lòng Hà Nội”:

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ban-tuyen-ngon-ve-cai-dep-va-tu-do-thong-qua-van-tho-2252692.html