Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về phân cấp quản lý KT-XH và thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Ngày 27/8, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị BTV Tỉnh ủy cho ý kiến về thực hiện phân cấp quản lý KT-XH trên địa bàn tỉnh; thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững (GNBV) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và một số nội dung quan trọng khác. Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng và một số sở, ngành.

Your browser does not support the audio element.

Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận hội nghị.

Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tình hình phân cấp quản lý KT-XH trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành 9 quyết định phân cấp về quản lý đầu tư công, đầu tư tư nhân, quản lý ngân sách và quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công; ban hành 33 quyết định, văn bản phân cấp các lĩnh vực giao thông - thủy lợi, đô thị - xây dựng, tài nguyên - môi trường, lao động - việc làm…

Việc thực hiện phân cấp quản lý KT-XH đã tạo điều kiện phát huy quyền tự chủ, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của các cấp chính quyền; giảm tải cho bộ máy cấp tỉnh, nâng cao năng lực cấp huyện, xã, góp phần huy động nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ KT-XH. Nguồn lực đầu tư ngày càng đa dạng, góp phần phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn. Các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin, chiếu sáng công cộng, thoát nước, vệ sinh môi trường, nước sạch chuyển biến… Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực như sử dụng vốn đầu tư công, quản lý đê điều, quản lý rừng, y tế, quản lý sau đầu tư; các nội dung đã phân cấp chưa đồng bộ với phân quyền, còn phân tán, manh mún và nhiều văn bản riêng lẻ, chưa sát với thực tế, nguồn lực, năng lực của các cơ quan, đơn vị. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn yếu, thiếu đồng bộ. Hạ tầng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu dịch vụ cơ bản, đặc biệt các thiết thế văn hóa, thể thao

Các đại biểu thống nhất, tỉnh đã huy động các mục tiêu GNBV và đạt được kết quả quan trọng, đó là: Giai đoạn 2016-2020, hộ nghèo giảm bình quân 3,16%/năm, dự kiến năm 2020, hộ nghèo còn 8,56%, vượt mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh. Cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn được đầu tư. Đời sống người dân được cải thiện. Bên cạnh đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo chưa bền vững, việc lồng ghép các nguồn vốn giảm nghèo còn khó khăn. Năng lực cán bộ, nhất là ở cơ sở còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện mục tiêu GNBV.

Phát biểu kết luận hội nghị, nhấn mạnh tầm quan trọng việc phân cấp quản lý KT-XH, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện các nội dung phân cấp. Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc, đó là phù hợp với quy định hiện hành; gắn trách nhiệm, quyền lợi vào thực hiện phân cấp, tăng tính chủ động, tạo động lực cho chính quyền, các cấp, ngành, đơn vị; cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân; xây dựng danh mục, lộ trình cụ thể phân cấp quản lý đất đai, tài nguyên, quản lý tài sản, nhiệm vụ thu chi ngân sách tạo động lực phát triển.

Đối với mục tiêu GNBV theo Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị vào cuộc đánh giá kết quả thực hiện chính sách GNBV, để có giải pháp lồng ghép các nguồn lực thực hiện đầu tư hạ tầng KT-XH, phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân; gắn trách nhiệm người đứng đầu chỉ đạo thực hiện chính sách GNBV, nâng cao ý thức vươn lên tự thoát nghèo của người dân.

L.C

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/50/144862/ban-thuong-vu-tinh-uy-cho-y-kien-ve-phan-cap-quan-ly-kt-xh-va-thuc-hien-chuong-trinh-giam-ngheo-ben-vung.htm