'Bán thực phẩm chức năng, mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử mà chưa được công bố là vi phạm'

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hiện nay có tình trạng các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán tại các cửa hàng, hoặc bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử...

Tham gia chất vấn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, tình trạng thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn được quảng cáo, rao bán công khai trên mạng xã hội.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá sự vào cuộc, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong thời gian qua của Bộ Y tế có hạn chế như nào và chỉ ra giải pháp trong thời gian tới để quản lý tốt hơn tình trạng này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đối với những sản phẩm liên quan đến Bộ Y tế quản lý, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành liên quan (Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông) để xử lý các vụ việc liên quan đến hàng giả, kém chất lượng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội vẫn còn gặp khó khăn.

Cũng liên quan đến nội dung này, trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông), Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực phẩm chức năng xách tay là từ được sử dụng bởi người tiêu dùng, chỉ các sản phẩm nhập khẩu do người đi nước ngoài mang về. Trong các văn bản pháp quy hiện không có khái niệm này.

Khi các thực phẩm chức năng mang từ nước ngoài về, sử dụng cho cá nhân thì không trong diện quản lý. Nhưng nếu các thực phẩm đó được mang ra buôn bán, thì điều kiện để kinh doanh thực phẩm chức năng là phải được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm, sản phẩm đó phải được dán nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán tại các cửa hàng, hoặc bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, nếu đã bán hàng thì phải đáp ứng được đầy đủ các quy định liên quan tới đăng ký, công bố sản phẩm. Bán hàng với các sản phẩm không có công bố này là vi phạm pháp luật.

Đối với các sản phẩm quảng cáo, theo quy định của pháp luật về quảng cáo, sản phẩm quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Việc bán hàng online không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đáp ứng đầy đủ các quy định thì đều là vi phạm.

Phân tích nguyên nhân của hiện trạng này, Bộ trưởng cho rằng do mức lợi nhuận khiến một số người bất chấp các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có nhu cầu dùng hàng xách tay, cho rằng hàng xách tay tốt hơn hàng nhập khẩu. Khi điều kiện kinh tế xã hội tăng lên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao hơn cũng khiến con người có nhu cầu sử dụng loại mặt hàng này. Một nguyên nhân khác là do việc kiểm soát buôn bán hàng trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Trả lời thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo Khoản 2 Điều 10 của Luật Dược 2016 sửa đổi bổ sung 2018 và Luật Hóa chất, Bộ Công Thương được giao trách nhiệm liên quan đến công nghiệp hóa chất ở khâu sản xuất nguyên liệu làm thuốc và phối hợp với các bộ ngành trong quản lý thương mại điện tử.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các bộ ngành, các địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm dược, mỹ phẩm trên môi trường thương mại điện tử. Cụ thể, chỉ đạo quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng hóa nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và các loại thuốc y học cổ truyền.

Đồng thời, Bộ giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom và tăng giá hàng hóa bất hợp lý. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá; tập trung đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025...

Đối với quản lý hoạt động kinh doanh, quảng cáo sai quy định các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm và các hàng hóa, dịch vụ khác trên môi trường thương mại điện tử, thời gian qua, Bộ đã yêu cầu các chủ sàn thương mại điện tử chịu trách nghiệm khi các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn. Bộ cũng chủ động phát hiện hoặc khi nhận được thông tin từ Bộ Y tế về các hành vi vi phạm, Bộ cũng yêu cầu các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ thông tin sai phạm...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương để tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng trong phân biệt hàng thật - giả; phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân nhằm hạn chế sai phạm; tăng cường kiểm tra, xác minh chứng từ; rà soát, kiểm tra các kho bãi nhập lậu, điểm tập kết chuyển phát nhanh... tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước; giám sát kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp, sử dụng mạng xã hội để kinh doanh thực phẩm chức năng, dược phẩm...

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng bày tỏ, để làm tốt công tác quản lý trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho phép nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật Thương mại điện tử để có công cụ quản lý đủ mạnh và đồng bộ. Đề nghị Quốc hội sớm thông qua sửa đổi Luật Dược tại kỳ họp này và Luật Hóa chất vào đầu kỳ họp tới hoặc kỳ họp gần nhất để có cơ sở quản lý tốt hơn trong kinh doanh dược mỹ phẩm và thương mại điện tử.

Thái Bình - Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ban-thuc-pham-chuc-nang-my-pham-tren-san-thuong-mai-dien-tu-ma-chua-duoc-cong-bo-la-vi-pham-169241112072718522.htm