Bản làng đón hàng nghìn du khách - hiệu quả từ du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới được kỳ vọng mang đến cho ngành du lịch Việt Nam một sức sống mới sau đại dịch COVID-19. Tuy vậy, cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút HTX, doanh nghiệp tham gia, đầu tư vào nông nghiệp và phát triển hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện để người dân các địa phương khai thác lợi thế phát triển du lịch.

Với nhiều kiểu dạng địa hình khác nhau trải dài trên mảnh đất hình chữ S, cùng với nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Việt Nam hội tụ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới đang mở ra rất nhiều cơ hội phát triển du lịch tới tận bản làng.

Thu hút hàng nghìn lượt khách về nông thôn

Là thôn nông thôn mới kiểu mẫu, Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) đang đi đúng hướng khi được xây dựng làng du lịch cộng đồng. Chính thức mở cửa từ tháng 6/2022 đến nay, thôn Bình Thành đã đón hàng nghìn lượt du khách. Trung bình cứ 2 ngày lại có 1 đoàn khách đến Bình Thành. Nhiều dịch vụ đang tiếp tục được hoàn thiện, Bình Thành sẽ mở rộng cửa, đón cả khách tham quan ngoài tỉnh.

Phát triển du lịch cộng đồng sẽ là đòn bẩy để hoàn thành các tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Anh Đoàn Phú Việt Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành cho biết, HTX này đầu tư vào vận chuyển, xe đạp, xe ngựa kéo, xe điện, đón khách đi dạo xung quanh thôn Bình Thành. Tiếp đó, đầu tư dịch vụ ăn uống, đầu tư tắm suối nước nóng, ngâm thảo dược, làm các homstay cắm trại qua đêm.

Tương tự, ở Quảng Ngãi, mô hình du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Nơi đây có nhiều nét hoang sơ, kỳ bí để khám phá. Ngôi làng cổ Chăm Pa trong lòng nôi văn hóa Sa Huỳnh. Một không gian sống cổ xưa, với các di tích đền thờ, miếu, giếng cổ, những bức tường đá... hấp dẫn du khách.

Ngoài tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động như đan lưới, nấu ăn, làm nông dân và tham gia các trò chơi dân gian. Nông dân đã học cách làm du lịch, họ biến ngôi nhà của mình thành những homestay nhỏ xinh. Việc mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ chia sẻ: "Làm thế nào để cộng đồng cùng tham gia, cùng bảo tồn thiên nhiên, di sản văn hóa. Chúng tôi tìm ra phương án hoạt động, gắn với lợi ích kinh tế bên cạnh bảo tồn di sản. Điều quan trọng là cần gắn kết hơn nữa nâng cao dịch vụ du lịch và từ đó có thể mang lại nguồn lợi về kinh tế từ du lịch cộng đồng".

Có thể thấy, với lợi thế về cảnh quan tự nhiên, văn hóa truyền thống, các sản phẩm gắn với đặc trưng nông nghiệp vùng miền, khu vực nông thôn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược phát triển của du lịch. Đặc biệt, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới được xem là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép đã và đang được các ngành, địa phương hướng đến. Bởi phát triển du lịch cộng đồng sẽ là đòn bẩy để hoàn thành các tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Ngược lại, kết quả thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới cũng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc phát triển du lịch.

Quy mô còn nhỏ, tự phát

Tại hội thảo Phát triển Nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức ngày 14/9, bà Hoàng Thị Hảo, Giám đốc Điều hành khu nghỉ dưỡng Lolo Heritage Resort Đồng Văn (Hà Giang), nhìn nhận thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch cộng đồng trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản...

Nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới được đưa ra tại hội thảo.

Ở Việt Nam, vai trò của du lịch cộng đồng thể hiện trên các khía cạnh: Góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao; góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); phát huy giá trị văn hóa của các vùng, miền.

Tuy nhiên, bà Hảo nhìn nhận, du lịch cộng đồng chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX cung cấp. Mô hình tổ chức du lịch cộng đồng chủ yếu mang tính chất tự phát, chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch cộng đồng ở cấp quốc gia.

Cùng với đó, công tác quy hoạch hạ tầng cơ sở, hạ tầng nhân lực dành cho phát triển du lịch cộng đồng gần như chưa có. Các cơ chế, chính sách quản lý đối với mô hình du lịch cộng đồng và bảo đảm liên kết chuỗi giá trị du lịch cộng đồng gắn với các công ty lữ hành còn chưa được đảm bảo lợi ích cho cộng đồng.

Chưa kể, phát triển du lịch cộng đồng trong thời đại nông thôn mới không được quản lý tốt sẽ làm ô nhiễm môi trường tự nhiên do khai thác quá tải tài nguyên du lịch tự nhiên, dẫm đạp lên cây cỏ, bẻ hái thực vật quý hiếm, ăn và mua động vật quý hiếm, xả rác và nước thải, gây tiếng ồn, sử dụng quá mức nước sạch, không khí sạch, làm biến động hệ sinh thái, nhất là giảm thiểu tính đa dạng sinh thái khi du lịch phát triển, số lượng du khách tăng lên quá tải…

Tháo gỡ khó khăn về cơ chế

Nhìn nhận tiềm năng này, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 cũng đặt mục tiêu cụ thể là “đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”.

Theo đó, bà Hảo cho rằng, các cấp cơ sở cần cụ thể hóa chương trình mục tiêu quốc gia bằng cách ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, tập trung ưu tiên các nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch, bảo tồn phát huy giá trị di sản, văn hóa làm cơ sở để phát triển du lịch, xây dựng và củng cố hình thành chuỗi liên kết, cung ứng dịch vụ gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành mục tiêu trong xây dựng, triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, nhất là những vùng có tiềm năng;… tập trung ưu tiên nguồn lực đảm bảo hoàn thành việc phát triển du lịch nông thôn mới đăng ký theo chương trình xây dựng “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình OCOP”.

Để gắn kết phát triển du lịch cộng đồng với chương trình xây dựng nông thôn mới cần phải thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử. Phát triển du lịch nông thôn hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành, nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước,…

Đồng thời, phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn.

Còn theo ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn, để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả cần tập trung tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách như đất đai, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, HTX vào du lịch. Địa phương cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, dựa trên điều kiện của từng địa phương như phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường,… lồng ghép các chương trình, dự án cụ thể.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện về tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch cộng đồng từ các vùng nông nghiệp tiêu biểu đang làm dịch vụ du lịch và đề xuất các giải pháp quản lý, hỗ trợ phát triển trong thời gian tới. Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, cùng với những quyết sách và bước đi phù hợp sẽ góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nguyệt Ánh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/ban-lang-don-hang-nghin-du-khach-hieu-qua-tu-du-lich-cong-dong-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-1095339.html