'Bàn làm, không bàn lùi' để ĐBSCL kết nối, lan tỏa

Với quyết tâm, quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ ngành và sự nỗ lực của các địa phương và Ban Quản lý các dự án, nhà thầu đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, từng phút với các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL, giúp cho vùng thoát nghèo.

Trong phần đầu của loạt bài “ĐBSCL nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông để vươn mình” nhóm PV VOV đã nêu rõ sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các dự cao tốc tại vùng ĐBSCL. Cùng với đó là tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cũng như việc triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ để rút ngắn thời gian gia tải, rút ngắn thời gian thi công đã giúp các dự án hoàn đạt mục tiêu.

Trong những ngày đầu của tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã họp bàn để triển khai các dự án cao tốc ở ĐBSCL, khi đó vẫn chưa rõ việc bố trí nguồn vốn để thực hiện. Thế nhưng đến nay vùng châu thổ Cửu Long đã định hình hệ thống giao thông cả trục dọc lẫn trục ngang, khi các dự án hoàn thành sẽ kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Trong phần hai của loạt bài chúng tôi làm rõ sự quyết liệt, quyết tâm với tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ" để ĐBSCL giải tỏa cơn “khát” cao tốc, vươn mình phát triển, hội nhập.

Phấn đấu đến năm 2026 khu vực ĐBSCL có khoảng 600 km đường cao tốc

Phấn đấu đến năm 2026 khu vực ĐBSCL có khoảng 600 km đường cao tốc

Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ", "làm việc nào dứt việc đó", vướng mắc ở khâu nào thì tháo gỡ ở khâu đó, khó khăn thì cùng nhau đoàn kết vượt qua. Vùng ĐBSCL từ vùng trũng về hạ tầng giao thông đến nay đã thành hình hài, tuyến trục dọc đã hoàn thành 121 km (gồm Bến Lức - Trung Lương - Mỹ Thuận chiều dài 91 km, cầu Mỹ Thuận 2 chiều dài 7km, Mỹ Thuận - Cần Thơ chiều dài 23 km).

Cùng với đó, các địa phương đang hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua 500 ngày đêm nhằm mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trên cả nước (đến năm 2026 khu vực ĐBSCL có khoảng 600 km đường cao tốc) để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng dự án thành phần 1 qua địa bàn tỉnh An Giang có chiều dài hơn 57km sẽ được hoàn thành trước 30/6/2026 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện nay, một số đoạn đã ứng dụng khoa học công nghệ như hút chân không và gia tải bằng đá và An Giang cũng đã kiểm tra sát sao trong quá trình triển khai và phấn đấu hoàn thành dự án theo tiến độ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với nguồn cung vật liệu san lấp, tỉnh An Giang đang nỗ lực để thực hiện, hỗ trợ các địa phương đảm bảo nguồn để các dự án đảm bảo theo kế hoạch.

Đến nay vùng châu thổ Cửu Long đã định hình hệ thống giao thông cả trục dọc lẫn trục ngang

Đến nay vùng châu thổ Cửu Long đã định hình hệ thống giao thông cả trục dọc lẫn trục ngang

Cùng với các dự án cao tốc đang triển khai quyết liệt, đồng bộ khu vực ĐBSCL, tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Hậu Giang đang đạt khối lượng khoảng 39% giá trị hợp đồng. Để đảm bảo hoàn thành dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào tháng 7/2026 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần tăng công suất khai thác và điều chuyển một số mỏ cát từ trục dọc sang trục ngang để tăng nguồn cung cấp vật liệu.

Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nay giải pháp thi công đắp gia tải và các giải pháp mới như hút chân không hoặc gia cố xi măng để xử lý nền đất yếu nhằm rút ngắn thời gian thi công và đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, các nhà thầu phải tăng cường nhân lực, làm việc cả ngày nghỉ để đảm bảo hoàn thành đắp gia tải vào tháng 8/2025 và toàn bộ dự án vào tháng 7/2026 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tăng công suất khai thác và điều chuyển nguồn cát

Tăng công suất khai thác và điều chuyển nguồn cát

Theo ông Tân: "Cần phải thay đổi các giải pháp thiết kế để xử lý nền đất yếu, cụ thể như là biện pháp hút chân không hoặc là các giải pháp cập tắt gia cố xi măng mới rút ngắn được thời gian, đẩy nhanh tiến độ dở tải đối với các đoạn đắp cao. Ngoài ra, đối với tiến độ thi công, theo ý kiến chỉ đạo tháng 7/2026, Hậu Giang sẽ chỉ đạo nhà thầu quyết liệt, tăng ca, tăng kíp để đảm bảo theo thời gian chỉ đạo của Thủ tướng".

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, hiện nay địa phương đang cung cấp vật liệu cát cho các dự án trọng điểm triển khai ở ĐBSCL. Về tình hình thực hiện các dự án sử dụng vật liệu cát, Tiền Giang đã hoàn thành các thủ tục cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát. Dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh được thực hiện theo cơ chế đặc thù, đã hoàn thành các thủ tục.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trước đây địa phương áp dụng cơ chế thương mại để cấp phép khai thác cát, dẫn đến một số doanh nghiệp vi phạm quy định. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Trung ương, Tiền Giang đã thực hiện lại các thủ tục cấp phép theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay Bộ NN&MT). Hiện nay, Tiền Giang đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để xác định cơ chế giá cát phù hợp, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

"Tiền Giang xây dựng hai đề án và có hai Ban chỉ đạo, một Ban chỉ đạo về khai thác cát do tôi chỉ đạo trực tiếp; còn Ban chỉ đạo để kiểm tra, xử lý vi phạm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp điều hành.

Đồng thời, trước đây khi chưa triển khai việc khai thác cát thì cát lậu rất nhiều, nhưng bây giờ giao rồi và đã giảm rất nhiều. Cuối cùng, Tiền Giang cam kết là với tất cả các địa phương, nếu như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là cung cấp cát thì chúng tôi cũng sẵn sàng" - ông Trọng nhấn mạnh.

Triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm của vùng, đảm bảo tiến độ và chất lượng

Triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm của vùng, đảm bảo tiến độ và chất lượng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Vĩnh Long đang cung cấp vật liệu cho san lấp cho cao tốc trục dọc và đường vành đai 3. Trong quá trình triển khai Vĩnh Long đã phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án và các nhà thầu để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cung cấp đủ vật liệu cho các nhà thầu.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, việc điều chuyển nguồn cát cho các dự án cũng khiến cho địa phương gặp khó trong triển khai, thực hiện các dự án của địa phương. Nếu thực hiện thêm các dự án trọng điểm của Trung ương, nguồn vật liệu san lấp sẽ gặp khó khăn nên cần có quy hoạch và định hướng tốt.

Vì vậy, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đề xuất Bộ Xây dựng và các ban quản lý dự án cần định hướng quy hoạch các dự án cao tốc như: Hồng Ngự - Trà Vinh, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Trung Lương, Mỹ Thuận, Cần Thơ theo hướng sử dụng nguồn vật liệu địa phương có sẵn. Đồng thời, Vĩnh Long cũng sẽ sẵn sàng cung cấp các mỏ cát đủ điều kiện để nhà thầu và các ban quản lý dự án chủ động khai thác để các công trình, dự án không bị khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ các công trình.

Trước bối cảnh khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc ở ĐBSCL, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng nên kết hợp làm cầu cạn, tức là cao tốc trên cao như TP.HCM – Trung Lương hay đoạn Bình Chánh – Bến Lức đã chứng minh tính hiệu quả qua thời gian khai thác.

Vì vậy, trước những khó khăn, thách thức về nguồn vật liệu san lấp của các dự án giao thông đang triển khai ở vùng ĐBSCL và những công trình, dự án sẽ được Trung ương đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030 thì cần phải tính toán tới những phương án cao tốc trên cao. Điều này sẽ phù hợp trong bối cảnh khan hiếm nguồn vật liệu, giảm tác động tới môi trường ở khu vực, khi vùng ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng chịu tổn thương nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển và hạn mặn bủa vây.

Ứng dụng khoa học công nghệ để rút ngắn thời gian gia tải, rút ngắn thời gian thi công đã giúp các dự án hoàn đạt mục tiêu

Ứng dụng khoa học công nghệ để rút ngắn thời gian gia tải, rút ngắn thời gian thi công đã giúp các dự án hoàn đạt mục tiêu

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: "Tôi cho rằng nếu mình có điều kiện làm cao tốc trên cao thì sẽ có rất nhiều lợi thế. Thứ nhất là giảm rất nhiều đền bù đất đai của người dân, thậm chí mình có thể lợi dụng phần đất ở phía dưới những cột để làm đường giao thông hay vẫn duy trì canh tác ở dưới và việc đền bù đất sẽ ít hơn. Tuy nhiên, làm đường trên cao chi phí móng lại cao.

Tôi cho rằng mình làm đường trên cao khi nào đi qua những vùng nhạy cảm về mặt môi trường, cũng có lúc mình chạy dưới, cũng có lúc mình phải lên hoặc những đoạn vượt sông phải làm cầu rồi có thể kết hợp làm đường trên cao".

Với quyết tâm, quyết liệt từ Chính phủ, các bộ ngành và sự nỗ lực của các địa phương và Ban quản lý các dự án, nhà thầu đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, từng phút với các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó đã “phác họa” bức tranh tổng thể về hạ tầng giao thông cho ĐBSCL và khi hoàn thiện sẽ sẽ giúp cho vùng thoát nghèo.

Bài 1: Đẩy nhanh tiến độ trên công trường cao tốc miền Tây

Phạm Hải-Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ban-lam-khong-ban-lui-de-dbscl-ket-noi-lan-toa-post1202322.vov