Băn khoăn trước tình trạng người dân tìm nhặt xác ve sầu để bán
Gần 2 tháng qua, nhiều người dân tộc Vân Kiều ở các bản Của, Ruộng, Trằm, Xa Re (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) đổ xô vào rừng, nương rẫy cà phê để tìm nhặt xác ve sầu bán cho thương lái với giá cao. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng, địa phương vẫn chưa rõ mục đích của việc thu mua xác ve sầu của thương lái.
Những ngày này dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng có rất nhiều người dân tộc Vân Kiều ở các bản làng của xã Hướng Tân vẫn lặn lội vào rừng hoặc đi khắp nương rẫy trồng cà phê để nhặt xác ve sầu. Từ sáng sớm, từng nhóm người trên tay cầm túi ni lông bắt đầu vào rừng hoặc nương rẫy trồng cà phê ở xã Hướng Tân, Tân Hợp, Hướng Phùng, thị trấn Khe Sanh lùng sục tìm nhặt xác ve sầu.
Đến gần trưa, từng nhóm người đầu trần đội nắng cầm túi ni lông chứa xác ve sầu nhặt được tập trung ở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (đoạn đi qua xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) để ngồi đợi thương lái đến thu mua.
Đang ngồi bên đường để chờ thương lái đến mua xác ve sầu, chị Hồ Thị N. ở bản Xa Re (xã Hướng Tân) cho biết, từ 4 giờ sáng chị đã thức dậy chuẩn bị cơm nước, đèn pin để vào rừng hoặc nương rẫy cà phê nhặt xác ve sầu. Thông thường khi trời tối, ve sầu sẽ chui từ dưới lòng đất lên, rồi từ từ bò lên thân cây và bám vào một chỗ nhất định trên thân cây để bắt đầu quá trình “thoát xác” từ ve nhộng chuyển thành ve già.
Khi ấy, một số người sẽ dùng đèn pin soi lên cây, cứ thấy ve nhộng thì bắt cho vào túi ni lông để đưa về nhà chế biến thành món ăn, còn xác ve sầu để riêng túi ni lông khác để bán cho thương lái. Khoảng thời gian ve sầu “thoát xác”, mọc cánh diễn ra từ 30 - 40 phút, sau đó cánh trở nên cứng thì ve sầu sẽ bay đi.
Còn như chị N. đi vào buổi sáng sớm chủ yếu là để nhặt xác ve sầu bám trên cây rừng hoặc cây cà phê về bán cho thương lái, chứ không bắt ve sầu. Bây giờ đang là tháng 4 (âm lịch), mật độ những cơn mưa giông mùa hè bắt đầu dày hơn, cũng là lúc ve sầu không còn nhiều nên chị N. tranh thủ đi “nhặt vét” xác ve sầu còn bám trên thân cây rừng, cây cà phê hoặc trôi từ trên thân cây xuống đất.
Chị Hồ Thị V. ở bản Trằm (xã Hướng Tân) góp chuyện: mùa ve sầu lột xác thường bắt đầu từ khoảng đầu tháng 4 (âm lịch) kéo dài cho đến tháng 6 (âm lịch). Trước đây, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các huyện miền núi thường đi bắt ve nhộng về chế biến thành nhiều món ăn ưa thích như nấu cháo, chiên giòn, xào hành... nhưng khoái khẩu hơn cả phải kể đến món ve nhộng xào sả, ớt.
Ve nhộng sau khi được bắt về phải nhanh chóng ngâm trong nước muối rồi luộc sơ qua nước sôi để không còn chất độc. Sau khi rửa sạch, ve nhộng được cho ngay vào chảo dầu đã được phi thơm hành, tỏi băm... Đảo đũa chừng 3 phút thì cho thêm sả và ớt trái giã nhuyễn. Nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn và tiếp tục đảo đều tay cho đến khi ve sầu ngả màu vàng, tỏa hương thơm thì tắt bếp, thêm rau thơm, hành ngò, rắc một chút tiêu để món ăn dậy thêm hương vị...
Những năm trước đây, xác ve sầu bám đầy thân cây cà phê cũng như nhiều loài cây khác trong vườn, trên nương rẫy nhưng không có ai ngó ngàng tới. Và rồi khoảng vài năm trở lại đây, thương lái ở thị trấn Khe Sanh cũng như ở một số xã trên địa bàn huyện Hướng Hóa bắt đầu thu mua xác ve sầu với giá cao.
Được biết, xác ve sầu trở nên “sốt” khi vào thời điểm khoảng đầu tháng 4 (âm lịch) năm 2024 đến nay, được thương lái thu mua với giá 1,9 triệu đồng/kg. Hiện tại, giảm xuống còn khoảng 1,8 triệu đồng/kg. Việc xác ve sầu được thương lái thu mua với giá cao, nên nhiều người dân tộc Vân Kiều ở các bản Của, Ruộng, Trằm, Xa Re (xã Hướng Tân) không chỉ tìm nhặt xác ve sầu trên địa bàn xã mà còn chạy xe máy hàng chục cây số vào tận rừng cây, nương rẫy cà phê của xã Hướng Phùng hoặc ngược ra thị trấn Khe Sanh để tìm nhặt xác ve sầu.
Xác ve sầu có đặc điểm nhẹ và chỉ to bằng đầu đũa (rỗng bên trong) nên người đi tìm nhặt xác ve sầu cho dù có cố gắng tìm kiếm cật lực thì cũng chỉ thu được khoảng 0,1 - 0,3 kg xác ve sầu/ngày/ người để bán cho thương lái được từ 200 - 300 nghìn đồng. Và do nhiều người lùng sục tìm kiếm nên xác ve sầu ngày càng khan hiếm nhưng giá mà thương lái thu mua xác ve sầu đang có dấu hiệu giảm dần.
Chủ tịch UBND xã Hướng Tân Nguyễn Văn Thủy cho biết, việc mua bán xác ve sầu đã diễn ra trên địa bàn xã trong khoảng 2 tháng qua. Nhiều người dân ở các bản Của, Ruộng, Trằm, Xa Re... đổ xô đi nhặt xác ve sầu về bán cho thương lái với giá cao. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo xã vẫn chưa rõ mục đích của việc thương lái thu mua xác ve sầu.
Bên cạnh đó, cũng chưa có quy định hay văn bản nào hướng dẫn việc quản lý, xử lý về vấn đề này, nên việc mua bán xác ve sầu được xem là giao dịch mua bán hàng hóa thông thường dựa theo nhu cầu thị trường.
Việc người dân đổ xô vào rừng, nương rẫy cà phê để tìm nhặt xác ve sầu bán cho thương lái với giá cao rất cần các cơ quan chức năng, địa phương nắm được thông tin thương lái trên địa bàn thu mua xác ve sầu cũng như biết được mục đích của thương lái trong việc thu mua xác ve sầu để có hướng dẫn, khuyến cáo người dân; tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết để tránh trường hợp đào bắt ve sầu ảnh hưởng đến sự phân bố, sinh sống của các sinh vật có ích trong môi trường đất, thận trọng với các thông tin thu mua xác ve sầu với giá cao...