Ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035
Để phòng chống lãng phí, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sẽ tập trung thực hiện từ nay đến năm 2035…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đi kiểm tra một số dự án tại Quảng Ninh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 806/QĐ-TTg ngày 22/4/2025 ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035.
Chiến lược đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong công tác này.
Cụ thể bao gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật; Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiệu lực, hiệu quả; Quản lý, sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực, tài lực hiệu quả; Đẩy mạnh cải cách hành chính; Tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài;
Cùng đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ việc lãng phí; Phát huy vai trò và trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân trong phòng, chống lãng phí; Tăng cường năng lực cho các cán bộ thực hiện công tác phòng, chống lãng phí.
Trong đó, về tinh gọn bộ máy, Chiến lược nhấn mạnh đến việc cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; rà soát, đánh giá lại việc giao, quản lý biên chế.
Ngoài ra, Chiến lược cũng lưu ý đến việc chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa; thu hồi triệt để tiền, tài sản nhà nước và kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…
Chiến lược quốc gia phòng, chống lãng phí đến năm 2035 được thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất (từ năm 2025 đến năm 2030), Giai đoạn thứ 2 (từ năm 2031 đến năm 2035). Tổng kết việc thực hiện Chiến lược vào năm 2036.