Bàn giải pháp nâng cao hoạt động chất vấn của Quốc hội
Sáng 22-7, tại Đà Nẵng, Văn phòng Quốc hội phối hợp Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khai mạc hội thảo 'Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn của Quốc hội gắn với triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013'.
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 60 đại biểu đại diện cho các hội đồng, ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội… nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đồng chí: Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì hội thảo.
Các đại biểu cùng đánh giá, thảo luận ba chủ đề chính, gồm: Thực trạng hoạt động chất vấn hiện nay; Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và tổ chức hoạt động chất vấn phù hợp với Hiến pháp; Những vấn đề cần quan tâm khi sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội để bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và phù hợp với những quy định của Hiến pháp.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đánh giá cao việc tổ chức hội thảo này và những kết quả đạt được của công tác chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội trong thời gian qua. Đồng chí cũng nên rõ: Hoạt động chất vấn cũng còn những hạn chế nhất định. Việc hỏi và trả lời có lúc còn chưa đúng trọng tâm, một câu hỏi nhưng lại có quá nhiều ý, trong khi có những nội dung trả lời lại chung chung, không rõ trách nhiệm; thời gian chất vấn trực tiếp ở hội trường ít, nhưng có người trả lời chất vấn lại trình bày báo cáo dài; chất vấn chưa đi đến cùng của vấn đề chất vấn; việc xây dựng nghị quyết sau chất vấn còn chưa có sự đổi mới, còn dài, trách nhiệm chưa cụ thể. Hoạt động chất vấn cần phải đổi mới hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và cử tri. Câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội có thể kết hợp với việc trình chiếu hình ảnh, đoạn clip do đại biểu Quốc hội hoặc phóng viên ghi hình cung cấp. Đây là vấn đề mà HĐND một số tỉnh, thành phố đã làm nhưng Quốc hội chưa làm được. Để đi đến cùng của vấn đề, đại biểu cần có lập luận chặt chẽ, đi thẳng vào nội dung không đồng tình, có thể chất vấn nhiều lần một vấn đề, cho đến khi vấn đề đó được xử lý mới chấm dứt.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đưa ra kiến nghị với Ban soạn thảo Luật Giám sát của Quốc hội, trong đó đề xuất cần nâng cao hiệu quả của các phiên chất vấn, tăng cường sự phối hợp giữa các ủy ban Quốc hội, củng cố quy trình thủ tục hướng dẫn hoạt động giám sát và cải thiện chất lượng cũng như hiệu quả giám sát của Quốc hội. Có ý kiến đề xuất, cần đổi mới hình thức trả lời chất vấn, đi thẳng vào vấn đề đại biểu chất vấn thay vì đọc báo cáo trước khi trả lời chất vấn vì quá dài, chiếm hết thời gian như hiện nay.
Theo PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, hoạt động chất vấn là hình thức cơ bản của giám sát. Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả về hoạt động chất vấn khi tổ chức thực hiện hoạt động chất vấn theo Hiến pháp năm 2013 thì cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động chất vấn tại kỳ họp; Đổi mới về thủ tục, trình tự chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cương bồi dưỡng kỹ năng chất vấn cho đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội.
Cùng đưa ra những đánh giá cụ thể về kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp Quốc hội, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần quy định bắt buộc Quốc hội ra nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn thay vì khi xét thấy cần thiết như hiện nay. Nghiên cứu hình thức để minh bạch hơn nữa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng chất vấn cho đại biểu Quốc hội vì đây là nhân tố quan trọng tạo nên sức nóng và thành công của phiên chất vấn.
Hội thảo kéo dài đến hết trưa 23-7.