Bàn giải pháp chống gian lận thương mại đường nhập lậu

Tại hội thảo Giải pháp chống gian lận thương mại đường nhập lậu do Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa tổ chức tại TP Tuy Hòa mới đây, các đại biểu đưa ra nhiều nhận định về tình trạng đường nhập lậu và các giải pháp, cách làm hay để ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Khâu đóng gói đường thành phẩm tại Công ty CP Mía đường Tuy Hòa

Khâu đóng gói đường thành phẩm tại Công ty CP Mía đường Tuy Hòa

Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến tại hội thảo liên quan đến nội dung trên.

ĐỒNG CHÍ LÊ TẤN HỔ, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH: Đề xuất giải pháp hữu hiệu và thực hiện đồng bộ

Mía đường là một trong những ngành góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của Phú Yên. Toàn tỉnh có diện tích trồng mía gần 27.000ha và có các nhà máy sản xuất đường quy mô lớn với tổng công suất chế biến 15.700 tấn mía/ngày. Hoạt động chế biến mía đường của các nhà máy đã góp phần chuyển đổi căn bản cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, hằng năm giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, giúp tăng thu nhập, ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi và đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Thời gian qua, hoạt động gian lận thương mại trong ngành Mía đường, nhất là đường nhập lậu có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại cho chuỗi liên kết sản xuất mía đường. Từ năm 2022 đến tháng 4/2024, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra 18 vụ, xử lý 16 vụ có hành vi buôn lậu, xử phạt với số tiền 142 triệu đồng, tịch thu trên 195 tấn đường các loại.

Dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát thị trường nhưng hoạt động buôn lậu, tiêu thụ đường nhập lậu vẫn tiếp diễn. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống gian lận thương mại đường nhập lậu, minh bạch thị trường đối với ngành Mía đường, Phú Yên đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tổng cục Quản lý thị trường có những đề xuất của ngành chức năng, doanh nghiệp để trình các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương những giải pháp hữu hiệu để thực hiện đồng bộ trên toàn quốc.

ÔNG NGUYỄN VĂN LỘC, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI MÍA ĐƯỜNG VIỆT NAM: Quản lý thuế, xuất xứ để có cơ sở đối chiếu, xử lý

Với thực trạng đường nhập lậu qua các khu vực biên giới như hiện nay, các ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa để quản lý, ngăn chặn, kiểm soát gian lận, chống thất thu thuế cho ngân sách. Theo đó, các đơn vị cần quản lý nộp thuế nhập khẩu, quản lý xuất xứ đối với đường tịch thu đấu giá; phối hợp trong việc thông tin các vụ vận chuyển đường nhập lậu, chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy đường nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ… Đồng thời thực hiện các giải pháp mạnh đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, hay công tác xử phạt đối tượng vi phạm của ngành chức năng các địa phương.

Hiện nay, Hiệp hội Mía đường Việt Nam có đủ khả năng, cơ sở để tham gia góp ý, hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị trong điều tra, xử lý vi phạm về gian lận sản xuất, kinh doanh, vận chuyển đường nhập lậu… Ngoài ra, các quy định, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đã ban hành cũng là cơ sở pháp lý, căn cứ để các lực lượng chức năng, địa phương đối chiếu, xử lý vi phạm.

ÔNG NGUYỄN THANH BÌNH, PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG: Xử lý qua các tuyến vận chuyển, kể cả thương mại điện tử

Đường cát được các lực lượng quản lý thị trường xác định là một trong số mặt hàng trọng tâm của công tác đấu tranh với hàng nhập lậu. Lâu nay, việc đấu tranh, ngăn chặn đường nhập lậu được Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo, triển khai trong toàn ngành thông qua nhiều biện pháp, giải pháp, theo đặc thù của từng địa phương... Không chỉ kiểm soát ở các tuyến biên giới, cửa khẩu, lực lượng quản lý thị trường còn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến vận chuyển, lưu thông, kể cả trên môi trường thương mại điện tử.

Tổng cục tiếp tục chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trường địa phương rà soát, tổng hợp, nắm chắc tình hình để báo cáo, kiến nghị trong việc xử lý vi phạm; đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam tăng cường phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng đường. Đồng thời thông tin để các lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời những dấu hiệu, hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển đường nhập lậu.

ÔNG NGUYỄN THÁI VINH, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG PHÚ YÊN: Triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp

Xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã ban hành các văn bản chỉ đạo toàn lực lượng triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp.

Với những cách thức, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, đơn vị đẩy mạnh đấu tranh, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành lực lượng chức năng của tỉnh để chia sẻ, trao đổi thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán vận chuyển mặt hàng đường, từ đó tổ chức thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả. Đồng thời xây dựng, củng cố, mở rộng, cài cắm cơ sở nhân mối, báo tin; kết hợp tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức phối hợp, tố giác của người dân, doanh nghiệp.

BÀ NGUYỄN THỊ THANH LOAN, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BÌNH PHƯỚC: Biểu dương điển hình, nêu gương người tốt việc tốt

Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Long An, Tây Ninh rồi đưa ra thị trường tiêu thụ hoặc quay lại tỉnh Bình Phước để tiêu thụ. Các đối tượng thực hiện hình thức chia nhỏ khối lượng đường, rồi đóng gói không nhãn mác hoặc dán nhãn do Việt Nam sản xuất, bày bán công khai.

Giải pháp mà Cục Quản lý thị trường Bình Phước triển khai là theo dõi, xác định đối tượng, tuyến,

địa bàn, hàng hóa trọng điểm; kiểm soát khu vực cửa khẩu đường bộ, đường mòn, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, chợ đầu mối. Xử lý nghiêm, công khai hành vi, đối tượng vi phạm; làm rõ trách nhiệm của những đối tượng bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu. Cùng với đó là biểu dương điển hình, nêu gương người tốt việc tốt.

ÔNG ĐẶNG PHÚ QUÝ, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP ĐƯỜNG QUẢNG NGÃI: Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Công tác đấu tranh chống gian lận thương mại đường nhập lậu của các ngành chức năng được xem là “cứu cánh” rất lớn cho ngành sản xuất thương mại đường, góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đường trong nước.

Khó khăn hiện nay là công tác đấu giá, tiêu hủy đường nhập lậu; tình trạng lợi dụng thương hiệu để san chiết, đóng gói đường bán ra thị trường… của các tổ chức, cá nhân. Thêm vào đó, giá đường trong nước đang phải chịu cạnh tranh. Doanh nghiệp đã thay đổi thiết bị, đầu tư công nghệ hiện đại nên hoạt động sản xuất cũng như chất lượng đường trong nước không thua đường nước ngoài. Tuy nhiên, giá đường trong nước cao vì doanh nghiệp phải chịu thuế, thực hiện đúng quy định Nhà nước, còn đường nhập lậu thì trốn thuế… nên giá thành rẻ, đó là cạnh tranh không lành mạnh.

Chúng tôi đã xây dựng giải pháp lâu dài, bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng, về giá với đường do nước ngoài sản xuất... Song công tác đấu tranh, ngăn chặn đường nhập lậu cần tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn nữa, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống gian lận thương mại đường nhập lậu, minh bạch thị trường đối với ngành Mía đường, Phú Yên đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tổng cục Quản lý thị trường có những đề xuất của ngành chức năng, doanh nghiệp để trình các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương những giải pháp hữu hiệu để thực hiện đồng bộ trên toàn quốc.

VÕ PHÊ (ghi)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/316620/ban-giai-phap-chong-gian-lan-thuong-mai-duong-nhap-lau.html