Bạn đọc thắc mắc khi Website nghidinh15.vfa.gov.vn ngừng hoạt động
Website nghidinh15.vfa.gov.vn hiện không thể truy cập, nhiều người tiêu dùng thắc mắc, không biết tra cứu công bố sản phẩm ở đâu?
Ông Nguyễn Văn Thi (Văn Võ, Chương Mỹ, Hà Nội): Không thể tìm thông tin chính thống về sản phẩm
Thời gian trước, khi cần tìm hiểu về giấy phép quảng cáo hoặc bản đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm chức năng, tôi thường truy cập website nghidinh15.vfa.gov.vn để tra cứu thông tin chính thống, thuận tiện và minh bạch. Tuy nhiên, gần đây tôi nhận thấy website này đã đóng, không thể truy cập được nữa.
Điều này khiến tôi và nhiều người tiêu dùng khác băn khoăn: Hiện nay, để kiểm tra giấy phép quảng cáo, giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc bản công bố sản phẩm thực phẩm, người dân phải tra cứu ở đâu? Có cổng thông tin nào thay thế không? Quy trình tra cứu hiện tại ra sao?

Website nghidinh15.vfa.gov.vn đã không còn hoạt động. (Ảnh chụp màn hình)
Chị Phạm Thị Nguyệt (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương): Ứng dụng công nghệ trong việc tra cứu sản phẩm
Sau khi đọc các thông tin liên quan đến vụ việc hàng trăm loại sữa giả bị phát hiện sản xuất tại Hà Nội, tôi đặc biệt chú ý đến một chi tiết: Phần lớn hồ sơ công bố sản phẩm của doanh nghiệp này lại được thực hiện tại tỉnh Hòa Bình. Là người tiêu dùng phổ thông, tôi không khỏi hoang mang.
Tại sao nhà máy đặt tại Hà Nội, nhưng toàn bộ thủ tục công bố lại chuyển về một tỉnh hoàn toàn khác? Nếu tôi hoặc bất kỳ ai muốn tra cứu xem sản phẩm có được công bố hay không, thì phải tìm ở đâu? Hòa Bình, Hà Nội, hay nơi tôi đang mua hàng? Việc công bố sản phẩm không gắn với nơi sản xuất hoặc nơi lưu hành khiến người tiêu dùng như chúng tôi gần như rơi vào mê cung giấy tờ.
Không có hệ thống quản lý liên thông, không có cơ sở dữ liệu tập trung, cũng chẳng có cảnh báo nào được công khai kịp thời. Tôi kiến nghị cơ quan quản lý cần rà soát lại quy định liên quan đến địa điểm công bố sản phẩm. Không thể để tình trạng doanh nghiệp chọn nơi công bố theo kiểu “lách” địa giới hành chính, tạo ra những vùng trắng trong hậu kiểm. Và càng không thể để người tiêu dùng tiếp tục mò kim đáy biển, chỉ để xác minh một hộp sữa mình đang dùng mỗi ngày.
Ông Hoàng Văn Hưng (ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình): Cần có nơi cung cấp thông tin rõ ràng về sản phẩm
Là một người nông dân, tôi không có nhiều hiểu biết chuyên môn, nhưng luôn mong mua được thực phẩm an toàn cho con cháu trong nhà. Vừa rồi nghe tin phát hiện hàng trăm loại sữa giả, tôi mới giật mình nhìn lại: Mấy hộp sữa tôi đang mua ở đại lý có đúng là hàng thật hay không? Tôi thử tìm trên mạng theo hướng dẫn: Vào website Cục An toàn thực phẩm để tra cứu công bố sản phẩm. Nhưng trang web không truy cập được. Tôi hỏi cán bộ ở xã thì cũng không ai biết phải tra ở đâu.
Hóa ra, người dân như tôi - ở vùng quê hoàn toàn không có công cụ nào để kiểm tra sản phẩm mình đang uống mỗi ngày là thật hay giả. Chúng tôi không đòi hỏi công nghệ gì cao siêu. Chỉ cần một nơi chính thống, cập nhật thông tin công khai, rõ ràng. Một nơi mà bất kỳ người dân nào, dù ở Thái Bình, Yên Bái hay Hà Tĩnh cũng có thể lên đó, gõ tên sản phẩm, biết nó đã được công bố chưa, có bị cảnh báo gì không. Chúng tôi có quyền được biết mình đang tiêu dùng cái gì. Đừng để người dân mãi phải mua hàng bằng… niềm tin mù mờ.
Chị Nguyễn Thị Hải (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội): Xây dựng ứng dựng tra cứu đơn giản, dễ sử dụng phục vụ người dân
Sau khi đọc các bài báo về vụ việc hàng trăm loại sữa giả bị phát hiện, tôi thực sự lo lắng cho sức khỏe của con và gia đình. Với tâm lý cảnh giác, tôi đã cố gắng tra cứu thông tin công bố sản phẩm sữa mình đang sử dụng để xác minh nguồn gốc nhưng mọi cánh cửa dường như đều… đóng sập.
Tôi truy cập trang web của Cục An toàn thực phẩm tại địa chỉ nghidinh15.vfa.gov.vn để tra cứu hồ sơ công bố, nhưng hệ thống hoàn toàn không thể truy cập. Tôi tiếp tục tìm kiếm các cổng tra cứu tại địa phương như Hà Nội hay các Chi cục An toàn thực phẩm nhưng mỗi nơi một kiểu, không có thông tin rõ ràng cụ thể.
Vậy bây giờ tôi muốn xác minh một sản phẩm là thật hay giả, tôi phải làm thế nào? Liệu ngoài cơ quan chức năng hoặc những người trong ngành thì ai có thể tra được thông tin ấy? Tôi cho rằng, đã đến lúc cơ quan chức năng phải xây dựng một hệ thống tra cứu tập trung toàn quốc, áp dụng công nghệ đơn giản, dễ dùng, có kiểm duyệt rõ ràng và cập nhật thường xuyên. Nếu việc này không được thực hiện sớm, người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua phải hàng giả và không có cách nào tự bảo vệ mình.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về Phòng Bạn đọc, Công tác xã hội – Báo Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội; đường dây nóng: 0866.59.4498; email: [email protected].