Bài toán an dân
Trong cơn biến động COVID-19 đang diễn ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động lớn nhất. Gần như việc làm đầu tiên khi doanh nghiệp sa sút là cắt giảm lao động. Đó có thể là cô thợ may, anh thợ giày da trong một nhà xưởng nào đó bị nghỉ việc do đơn hàng xuất khẩu bị hủy. Ngay cả việc hàng quán, phố xá vắng lạnh cũng tác động không nhỏ tới nhiều phận người bé nhỏ khác. Cuộc mưu sinh từ ông chủ nhỏ tới nhân công trở nên nhọc nhằn hơn.
Năm ngoái thống kê, cả nước có 760 nghìn doanh nghiệp hoạt động, trong đó chiếm 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm nay, những con số này chắc chắn giảm nhiều; tỷ lệ thuận với người lao động mất việc làm. Lừng lẫy như Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) và Vietjet cũng liêu xiêu. Việc cấp trưởng ban trở lên của VNA nhận lương 0 đồng đã diễn ra nhiều tháng nay. Các doanh nghiệp liên quan hàng không khác như an ninh, điều hành bay… nhân viên thay nhau nghỉ việc cách nhật vì không đủ chi phí vận hành. Hình ảnh sân bay vắng như Chùa bà Đanh là có thật. Như vậy còn may, trên thế giới nhiều hãng hàng không lớn bị phá sản trong chớp mắt. Ngành du lịch, vận tải đường bộ gần như tê liệt. Kinh tế các nước ASEAN, ngoại trừ Việt Nam, còn lại đều tăng trưởng âm.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ vừa quyết định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cách đây mấy ngày, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh các loại lãi suất điều hành. Việc này gián tiếp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Chắc chắn, cùng với diễn tiến của tình hình kinh tế, Chính phủ sẽ có những chính sách điều hành tiếp theo phù hợp với hoàn cảnh để vực các doanh nghiệp. Bởi vì, nếu doanh nghiệp làm ăn không có lãi (thực tế, nhiều đơn vị lay lắt sống chờ qua dịch bệnh), lấy đâu ra tiền nộp thuế (để được giảm 30%).
Thường trong lúc khó khăn này, đầu tư công sẽ được ưu tiên thúc đẩy, nhất là phát triển hạ tầng. Không phải ngẫu nhiên, Thủ tướng phê bình nhiều địa phương chậm giải ngân; Bộ GTVT vừa cấp tốc khởi công nhiều đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam sau một thời gian ì ạch. Tăng cường đầu tư công sẽ góp khơi thông nguồn tiền tệ đang bị tắc do COVID-19; chuẩn bị hạ tầng phục vụ lưu thông nền kinh tế và cụ thể tạo ra công ăn việc làm. Cùng với đó, Chính phủ cần thiết xây dựng các “gói” tổng thể, như ưu đãi, kích cầu, an sinh… để thúc đẩy sản xuất. Nói như Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, các chính sách vừa qua của Chính phủ tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể và đúng đối tượng. Thế nhưng, một số chính sách đã hết hạn hoặc chưa phát huy tác dụng. Nguyên nhân của việc này do chưa được triển khai kịp thời, quyết liệt và điều kiện, thủ tục rườm rà, phức tạp.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/bai-toan-an-dan-1731227.tpo