Bài học về quản lý đàn chó nuôi

Một ngày đầu tháng 3/2024, tại Trường THCS Dực Yên (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quang Ninh), một con chó không đeo rọ mõm chạy vào trường trong giờ tan học và tấn công làm 13 học sinh và một giáo viên bị thương tích. Con chó này đã bị bắt và tiêu hủy, sau khi xét nghiệm chó dương tính với virus dại.

Sau khi bị chó tấn công, các nạn nhân được cán bộ y tế tư vấn, xử trí vết thương và tiêm vắc xin, kháng huyết thanh phòng bệnh dại. Đây là vụ việc khá nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, liên quan đến tình trạng quản lý đàn chó nuôi.

Dại là bệnh truyền nhiễm do chó mèo bị dại, truyền virus dại qua người thông qua vết cắn. Khi đã mắc bệnh dại, 100% bệnh nhân tử vong. Vì vậy phòng chống bệnh dại phải làm tốt 3 khâu: Quản lý vật nuôi (chủ yếu là chó), không để chó cắn và tiêm phòng dại khi bị chó cắn.

Hiện nay, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm chạy lung tung khắp nơi, kể cả nơi vui chơi công cộng... khá phổ biến trong cả nước, tại TP Tuy Hòa cũng vậy. Các chủ chó ôm chó, chở chó cưng của mình đến công viên đi dạo mà không hề đeo rọ mõm, và chó cứ ung dung chạy hết chỗ này đến chỗ khác. Ai dám chắc những con chó này không tấn công người nếu họ vô tình đi gần nó?

Thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ chó vào nhà tấn công người, hay đang đi dạo thì bỗng dưng chó ở đâu lao đến cắn... Một số trường hợp bị thương tích trầm trọng, thậm chí tử vong do vết thương quá nặng. Hàng chục trường hợp bị chó cắn nhưng do chủ quan hay thiếu hiểu biết, không tiêm phòng, đến khi bị dại mới biết thì đã quá muộn!

Chính phủ đã ban hành Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn xử phạt nhưng việc thực thi chưa nghiêm, nên tai nạn do chó gây ra vẫn còn nhiều.

Trong thời gian tới, cần thực hiện tốt hơn nữa việc quản lý đàn chó nuôi. Cụ thể:

Nắm chính xác số lượng chó nuôi trong cộng đồng để có kế hoạch giám sát, dự trù vắc xin, triển khai tiêm chủng cho đàn chó. Người nuôi chó cần khai báo đàn chó của mình, biến động của đàn chó như sinh, chết, mới mua, bán...; người đứng đầu cộng đồng dân cư như trưởng thôn, khu phố, buôn... thông báo kịp thời cho cán bộ thú y cấp xã.

Đảm bảo tiêm chủng đầy đủ vắc xin cho đàn chó, mèo nuôi. Theo mục tiêu của Chương trình phòng chống bệnh dại quốc gia, giai đoạn 2020-2025, tỉ lệ tiêm chủng phòng bệnh dại cần đạt 70%; trong giai đoạn 2026-2030, cần tiêm chủng 80% đàn chó mèo nuôi.

Không để chó làm mất an toàn cho cộng đồng. Chủ nuôi cần tuân thủ nguyên tắc nuôi vật cưng, ngoài tiêm chủng đầy đủ còn phải thực hiện nghiêm các quy định như không thả rông chó; khi đưa chó ra ngoài cần đeo rọ mõm, có dây dắt chó và chú ý không dắt chó gần người khác, nhất là trẻ em...

Thành lập tổ quản lý chó chạy rông tại cộng đồng. Khi gặp chó chạy rông, người dân báo cho tổ để họ triển khai bắt thu gom chó và thông báo chủ đến nhận, nếu không có chủ thì tiêu hủy. TP Hồ Chí Minh và một số địa phương đã thành lập các tổ thu gom chó chạy rông.

Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Các trường hợp người nuôi chó vi phạm quy định cần phải được xử lý nghiêm minh, không có bất kỳ ngoại lệ nào. Tăng cường quyền hạn cho lãnh đạo cộng đồng để tăng hiệu lực thực thi theo quy định trong lĩnh vực thú y.

Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh dại. Công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh nói chung, bệnh dại nói riêng cần làm thường xuyên, liên tục để người dân biết mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh tốt hơn, biết xử lý ban đầu khi bị chó cắn...

BS NGUYN VINH QUANG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/314112/bai-hoc-ve-quan-ly-dan-cho-nuoi.html