Bài học từ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Bài học từ nhận diện đúng, hành động đúng, tuyên truyền và giải pháp đúng cho chúng ta càng tin tưởng vào công cuộc chống đại dịch Covid-19 sẽ thắng lợi hoàn toàn.
Trong những tháng qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, nhanh chóng lan rộng hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trên 2,5 triệu người bị lây nhiễm với hơn 178.000 người thiệt mạng. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện, nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội toàn cầu. Từ thực tế của việc ứng phó với dịch Covid-19 cho thấy nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế hùng hậu, điều kiện dịch vụ y tế cao nhưng số lượng người lây nhiễm, tử vong tăng nhanh. Còn với Việt Nam, chúng ta là 1 trong 3 quốc gia có hơn 200 người mắc bệnh nhưng không có trường hợp nào tử vong cho đến nay. Qua giai đoạn đầu của cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta có thể rút ra một số bài học sau:
Một là, nhận diện rõ nguy cơ, bản chất của dịch Covid-19 là cực kỳ nguy hiểm, diễn biến phức tạp, khó lường nên ngay từ Tết Nguyên đán, trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Đảng, Nhà nước đã chủ động ứng phó. Cả nước chống dịch với tinh thần “coi sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết”, “coi đó là kẻ thù vô hình”, “chống dịch như chống giặc”, “cả nước là một chiến trường”. Bước vào giai đoạn dịch bùng phát, ngày 31.3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 16 thực hiện giãn cách xã hội, khai báo y tế toàn dân, kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc.
Hai là, chỉ đạo, hành động phòng chống dịch Covid-19 một cách quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc ngay từ đầu, từ Trung ương đến địa phương. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với sự tham mưu của ngành y tế, quân đội, công an, giao thông, hải quan; ở địa phương do cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể cùng tham gia. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với không khí cả nước chung một ý chí, muôn người như một, hành động quyết liệt, triệt để tạo nên sức mạnh to lớn, lực lượng hùng hậu nhưng tự giác, trật tự, góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Ba là, tuyên truyền sâu rộng, minh bạch, bình đẳng, kịp thời về tình hình dịch Covid-19 cho mọi người dân biết để phòng tránh. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến cơ sở hằng ngày, hằng giờ thường xuyên cập nhập tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng tránh theo chỉ dẫn của ngành y tế.
Bốn là, triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, nghiêm ngặt, cụ thể trong kiểm soát phòng chống dịch Covid-19; xác định tập thể - cộng đồng là trên hết nên ngay từ đầu chiến dịch, chủ trương phát hiện một người nhiễm (F0) cũng phải xác định danh tính tất cả những người tiếp xúc, rồi cách ly, xét nghiệm. Tiếp đó là bước sang giai đoạn 2 thực hiện giãn cách xã hội; việc đổi mới cơ chế hội họp theo hình thức trực tuyến, lớp học trực tuyến, bán hàng online; duy trì các chốt kiểm soát dịch bệnh thường trực 24/24 giờ... Hiệu quả của cách làm trên đúng như lời Đại sứ Pháp tại Việt Nam đánh giá: “Biện pháp này nó hiệu quả ở một nước gần 100 triệu dân, đơn giản nó được mọi người đồng tình thực hiện”.
Từ diễn biến cuộc chiến chống Covid-19 cho chúng ta bài học mới với một “kẻ thù giấu mặt” nguy hiểm và khó lường, nhưng chúng ta đã biết cách chiến thắng, bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của toàn dân tộc, sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị - xã hội đặt lợi ích sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết. Bài học từ nhận diện đúng, hành động đúng, tuyên truyền và giải pháp đúng cho chúng ta càng tin tưởng vào công cuộc chống đại dịch Covid-19 sẽ thắng lợi hoàn toàn.
LÊ XUÂN HUY(Trường Chính trị tỉnh)