Bài học thích đáng cho người chồng ưa dùng bạo lực

Pháp luật luôn có sự khoan hồng cho mọi người; mức án được tuyên dựa vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của người đó ảnh hưởng như thế nào đối với gia đình, xã hội..

Ngày 25-5, tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nhà trường phối hợp với Chi đoàn VP TAND TP.HCM, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM và Quận đoàn, Phòng VH-TT, UBND phường 1, quận Tân Bình tổ chức buổi truyền thông với chủ đề "Phòng chống bạo lực gia đình".

Chương trình nhằm phổ biến pháp luật, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình và giáo dục kiến thức tiền hôn nhân cho thanh niên trên địa bàn quận Tân Bình. Chương trình có tiết mục diễn phiên tòa giả định xét xử hành vi bạo lực trong gia đình.

 Phiên tòa giả định xét xử vụ án cố ý gây thương tích xuất phát từ hành vi bạo lực gia đình. Ảnh: TRẦN LINH

Phiên tòa giả định xét xử vụ án cố ý gây thương tích xuất phát từ hành vi bạo lực gia đình. Ảnh: TRẦN LINH

Cụ thể: Ông Nguyễn Văn A nhiều lần chửi mắng, đánh đập vợ trong suốt thời gian dài. Một tối đi nhậu về, ông A la mắng và đánh vợ khiến bà bị gãy răng, dập lá lách, tỉ lệ thương tích 35%.

Sự việc được người vợ trình báo với cơ quan chức năng để nhờ hỗ trợ giải quyết theo quy định pháp luật. Ông A bị truy tố ra trước TAND quận Tân Bình về tội cố ý gây thương tích.

Tại tòa, trả lời HĐXX, bị cáo cho biết vì là lao động chính trong nhà, nên mỗi khi gặp vấn đề ức chế trong công việc, hay chỉ đơn giản là không hài lòng với vợ là ông ta sẽ to tiếng chửi bới và thậm chí hành hung vợ.

 Chương trình được tổ chức tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH

Chương trình được tổ chức tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH

Tại tòa, bị cáo đã ăn năn hối cải về hành vi của mình, đồng thời gửi lời xin lỗi đến vợ.

Vị chủ tọa giải thích rằng hành vi bạo lực với vợ không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn sai trái về đạo lý, nghĩa vợ chồng. HĐXX tuyên phạt bị cáo 2 năm tù giam.

Trong phần giao lưu, nhiều sinh viên thắc mắc rằng người chồng cũng đã rất ăn năn và biết thương xót vợ, người vợ cũng tha lỗi, bỏ qua cho bị cáo thì tòa có thể "du di" miễn tội được hay không.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (đóng vai thẩm phán chủ tọa phiên tòa) trả lời: Pháp luật luôn có sự khoan hồng cho mọi người; mức án được tuyên dựa vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của người đó ảnh hưởng như thế nào đối với gia đình, xã hội...

Mức hình phạt phải đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Trong vụ án này, người chồng đã bạo hành thường xuyên với vợ; đỉnh điểm lần phạm tội này khiến cho vợ bị tổn thương cơ thể với tỉ lệ 35%, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người vợ và mang tính lâu dài.

 Chương trình có triển lãm tranh ảnh tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: TRẦN LINH

Chương trình có triển lãm tranh ảnh tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: TRẦN LINH

Chương trình bổ ích, thiết thực

Nhà trường luôn có những chương trình để định hướng cho sinh viên về học tập cũng như kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, giáo viên luôn quan tâm để nắm bắt những thay đổi bất thường của sinh viên, từ đó kết hợp với gia đình để có giải pháp kịp thời.

Phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan, sinh động. Các em sinh viên, cũng như thầy cô tham dự cũng nắm bắt tình tiết dễ hơn, hiểu cụ thể được các quy định pháp luật.

ThS VŨ KHÁNH TƯỜNG VÂN, giảng viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

TRẦN LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bai-hoc-thich-dang-cho-nguoi-chong-ua-dung-bao-luc-post792444.html