Bài học còn mãi từ tác phẩm 'Sửa đổi lối làm việc' của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn sách 'Sửa đổi lối làm việc' nhằm xây dựng cách lãnh đạo và lề lối làm việc, làm cẩm nang cho cán bộ, đảng viên. Gần 1 thế kỷ đã đi qua nhưng bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trong cuốn 'cẩm nang' dành riêng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn nguyên giá trị; nhất là trong giai đoạn Đảng ta đang kiên trì và thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Cán bộ tốt thì việc gì cũng xong
Ngày nay, các thế hệ cán bộ của chúng ta tuy được đào tạo cơ bản, đầy đủ, chính quy với số lượng đông đảo thường xuyên. Tuy vậy, trong quá trình thực tế, vẫn còn đó tình trạng cán bộ chưa thực sự đáp ứng chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thậm chí, không ít cán bộ lãnh đạo sa vào tham nhũng, lãng phí, quan liêu khiến nhân dân bất bình, giảm lòng tin. Nên từ khi chính quyền Cách mạng nhân dân được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng việc đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ phải thật: cần - kiệm - liêm chính - chí công vô tư. Xác định sứ mệnh phục vụ nhân dân, người cán bộ là người làm công bộc cho dân, kêu gọi các ngành các cấp và địa phương tìm và tiến cử nhân tài để kiến quốc. Người cán bộ là cái gốc của mọi công việc.
Một trong những nội dung quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền tải trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” chính là cách làm việc, áp dụng và thi hành chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực tiễn. Có thực trạng, những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành hoàn toàn đúng nhưng xuống đến các địa phương thì bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, thậm chí là “đánh trống bỏ dùi”. Căn nguyên của sự việc đến từ chính chúng ta, những người cán bộ chịu trách nhiệm thi hành chính sách, không đủ trách nhiệm và năng lực. Cũng vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”.
Trong tiến trình phát triển của Cách mạng nước ta, trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng, chúng ta đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và sản xuất; phát huy nhiều sáng kiến và khích lệ tinh thần hăng hái cống hiến của quân và dân ta. Muốn phát huy được sáng kiến và lòng hăng hái thì phải đầu tư phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần. Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ rằng: chính cách lãnh đạo không được dân chủ và công tác tư tưởng không được tích cực là nguyên nhân cản trở sáng kiến và làm nguội nhiệt tình. Hiện tượng này được biểu hiện qua những hành động cụ thể như: đối với lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình nên vô tình tạo nên sự cách biệt nhau, làm lãnh đạo lầm tưởng cái gì cũng tốt đẹp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Để giải quyết triệt để hiện tượng này thì người lãnh đạo phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”.
Bài học giá trị cho Tuổi trẻ Công an TPHCM
Thực hiện Hướng dẫn số 39-HD/BTGTU, ngày 17/12/2021 của Ban Tuyên giáo Thành ủy về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; Đảng ủy Công an TPHCM (CATP) đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch học tập theo chuyên đề toàn khóa và hằng năm (Kế hoạch 74-KH/ĐUCA ngày 12/11/2021 thực hiện năm 2022; Kế hoạch 175-KH/ĐUCA ngày 01/12/2022 thực hiện năm 2023; Kế hoạch 275-KH/ĐUCA ngày 26/02/2024 thực hiện năm 2024) nhằm triển khai cho cán bộ chiến sĩ (CBCS) thực hiện kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đăng ký mô hình tiêu biểu, phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ công tác; tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Quá trình triển khai thực hiện, đến nay tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng, thành niềm tự hào, thành ứng xử văn hóa đời thường của CBCS trong CATP. Kết quả đã khẳng định mục đích, ý nghĩa, tác dụng to lớn của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM và nâng cao hình ảnh đẹp, sự tận tụy của người cán bộ, chiến sĩ lực lượng CATP trong lòng Nhân dân.
Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp cán bộ, chiến sĩ CATP càng hiểu rõ trách nhiệm của mình, ra sức rèn luyện và phấn đấu để: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức Cách mạng. Thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.