Bài cuối: 'Uống nước nhớ nguồn'

Trong cuộc chiến đấu vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, máu đào của các cán bộ, chiến sĩ CAND vẫn phải đổ xuống. Sự hy sinh cao quý của các anh đã để lại niềm tiếc thương xen lẫn sự biết ơn, cảm phục vô hạn đối với đồng chí, đồng đội, với người thân và nhân dân.

Trong những năm qua, Bộ Công an đã luôn chăm lo công tác “đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện các hoạt động tri ân, tôn vinh những hy sinh cao cả của các cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND).

Những hy sinh thầm lặng

Chỉ tính từ năm 1986 đến tháng 7 năm 2018, đã có 306 cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh (liệt sĩ), 1.226 cán bộ, chiến sỹ Công an bị thương (thương binh), một số cán bộ, chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV trong công tác, chiến đấu; không ít cán bộ chiến sĩ Công an đã và đang ngày đêm thầm lặng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình trên các địa bàn, lĩnh vực công tác đầy khó khăn, gian khổ. Nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh để lại vợ dại, con thơ, cha mẹ già yếu gây niềm tiếc thương, xót xa cho những người ở lại.

Có thể kể đến như trường hợp của Thượng tá Hứa Văn Tấn, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Lạng Sơn hy sinh trong khi truy bắt tội phạm ma túy vào tháng 9-2010. Có lẽ, nếu không có sự hy sinh mất mát này, ít ai có thể biết được hoàn cảnh gia đình Thượng tá Hứa Văn Tấn rất khó khăn. Anh xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Tiếp, vốn là công nhân nhà máy thuốc lá.

Sau khi nhà máy giải thể, chị Tiếp về buôn bán nhỏ phụ với lương của chồng nuôi 2 con ăn học. Thượng tá Tấn hy sinh đã để lại khoảng trống vô cùng lớn lao trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con chị Tiếp.

Hay như Thiếu úy Bùi Minh Quý, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Gia Lai. Tháng 3-2018, anh hy sinh khi đang cứu hộ cứu nạn chiếc xe chở mía bị mắc kẹt tại đập tràn qua Nhà máy Đường An Khê, thị xã An Khê, Gia Lai.

Thiếu úy Bùi Minh Quý là con một trong gia đình bố mẹ già yếu bệnh tật ở quê nhà Hà Nam. Bà Trần Thị Chinh - mẹ của Thiếu úy Bùi Minh Quý sức khỏe yếu thường xuyên phải điều trị căn bệnh tiểu đường. Còn ông Bùi Văn Hoan - bố của Quý bị mắc bệnh tâm thần. Hoàn cảnh gia đình Thiếu úy Bùi Minh Quý rất khó khăn.

Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sĩ Bùi Minh Quý.

Bằng tinh thần trách nhiệm, sau khi Thượng tá Hứa Văn Tấn hy sinh, Bộ Công an, Công an tỉnh Lạng Sơn đã luôn quan tâm và ở bên cạnh gia đình tiếp tục thay anh Tấn lo cho 2 cháu ăn học. Hiện nay, 2 con của anh Tấn đều đã trở thành những cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn, nối gót cha mình tiếp tục công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Còn không lâu sau khi Thiếu úy Bùi Minh Quý hy sinh, tháng 7-2018, Công an tỉnh Gia Lai, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương tỉnh Hà Nam, huyện Thanh Liêm, xã Thanh Hương long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định và trao Bằng “Tổ quốc ghi công” của Thủ tướng Chính phủ truy tặng liệt sỹ Thiếu úy Bùi Minh Quý.

Đây đều là sự tri ân xứng đáng cho những hy sinh xương máu của các cán bộ, chiến sỹ CAND trong công cuộc bảo vệ sự bình yên cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

Chăm lo công tác “đền ơn đáp nghĩa”

Chăm lo công tác “đền ơn đáp nghĩa” là truyền thống tốt đẹp trong các hoạt động của Bộ Công an. Theo Cục Tổ chức, Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an ký công văn đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 2 trường hợp; thẩm định và đề xuất xác nhận thương binh với 15 đồng chí; trợ cấp thương tật một lần đối với 7 đồng chí; xác nhận bệnh binh đối với 3 đồng chí, di chuyển hồ sơ thương binh đối với 35 trường hợp.

Trong những năm qua, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng… tổ chức các hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc và trong CAND nhân kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ hàng năm và các dịp lễ lớn; tiến hành các hoạt động tri ân, gặp mặt người có công với cách mạng và tập thể cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa tại Công an các đơn vị, địa phương.

Thường xuyên thăm hỏi, tặng quà đối với gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa khác trong CAND nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh- Liệt sĩ và các ngày lễ lớn của dân tộc.

Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền Công an các cấp đã luôn nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh liệt sĩ; thường xuyên quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong đó có nhiều thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ CAND; kịp thời xử lý những vấn đề bất hợp lý, khắc phục những khiếm khuyết trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, chế độ.

Khuấy động các phong trào quần chúng rộng khắp đó là phong trào xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, phong trào “Nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, nhận “Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ”; phong trào “Lập và tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa”, quyên góp “Ủng hộ những chiến sĩ có hành động dũng cảm”.

Các quỹ này đều được huy động bằng sự đóng góp tự nguyện của các cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị, địa phương và các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài lực lượng CAND.

Năm 2006, Bộ Công an đã thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo trong lực lượng CAND (nay là Quỹ Nghĩa tình đồng đội CAND).

Đây là Quỹ xã hội-từ thiện hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ các hoạt động nghĩa tình và các hoạt động không vì mục đích lợi nhuận khác trong lực lượng CAND; Quỹ tự tạo kinh phí hoạt động trên cơ sở vận động sự đóng góp tự nguyện của cán bộ, chiến sĩ CAND để thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong và ngoài lực lượng CAND như trợ cấp hàng tháng cho con liệt sỹ, con thương binh nặng; con cán bộ Công an bị di chứng do nhiễm chất độc hóa học; trợ cấp khó khăn đột xuất cho cán bộ, chiến sĩ và thân nhân cán bộ chiến sỹ; thăm hỏi đối với cán bộ, chiến sĩ bị thương hoặc ốm đau tai nạn, gia đình cán bộ, chiến sĩ hi sinh, từ trần; hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa; hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả do thiên tai, hỏa hoạn; đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ, đài tưởng niệm, khu di tích lịch sử, các công trình phúc lợi xã hội…

Bộ Công an cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị làm công tác chính sách thuộc Công an các cấp tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, chính quyền các địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức tìm kiếm, quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ Công an ở các chiến trường trong cả nước và trên đất nước bạn; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận các trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an là liệt sĩ, thương binh, bệnh binh theo quy định của pháp luật.

Thiết thực hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng, Công an các đơn vị, địa phương đã nhận phụng dưỡng suốt đời 344 Mẹ Việt Nam anh hùng; lập 1.816 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng để tặng người có công với cách mạng; tuyển dụng 443 trường hợp là con liệt sỹ, thương binh vào công tác trong CAND…

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2019) trong CAND, Bộ Công an đã và đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm tri ân và tôn vinh những công lao đóng góp to lớn của thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc như phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng… tổ chức hội nghị gặp mặt, tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019; lãnh đạo Bộ Công an dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ an ninh Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam và Khu di tích An ninh Khu V; thăm, tặng quà đối với một số gia đình chính sách tại tỉnh Tây Ninh và tỉnh Quảng Nam; tổ chức thăm hỏi, tặng quà đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đang công tác, học tập trong CAND….

Nguyễn Hương-Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/toan-dan-phong-chong-toi-pham/bai-cuoi-uong-nuoc-nho-nguon-554922/