Bài cuối: Ứng dụng công nghệ - hướng đi tất yếu
Tương lai của ngành xuất bản phụ thuộc vào khả năng thích ứng và tận dụng hiệu quả tiến bộ công nghệ số, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, từ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến bảo vệ bản quyền và tiếp cận độc giả.
Đẩy nhanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ
Trong thời đại tri thức, công nghệ phát triển với tốc độ vũ bão, xuất bản đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy tinh thần tự học suốt đời. Sách không chỉ là nguồn tri thức mà còn là công cụ thiết yếu để mỗi cá nhân trang bị, nâng cao trình độ và kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Thế nhưng, Chủ tịch Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình băn khoăn: Các công ty xuất bản tại Việt Nam doanh thu chỉ khoảng 100 - 200 tỷ đồng, rất nhỏ bé, làm sao để đóng góp vào sự phát triển tri thức của đất nước?

Ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu để phát triển xuất bản. Ảnh: Ng. Phương
Ông Nguyễn Cảnh Bình phân tích, các sản phẩm nghệ thuật nổi tiếng của các quốc gia đều dựa trên chiều sâu lịch sử, văn hóa, tri thức… Để thực hiện được điều đó, cần đưa tri thức, kho tàng của các tập đoàn xuất bản vào, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giới thiệu kho tàng tri thức, biến chúng thành các sản phẩm dễ tiếp cận, bởi sách giấy thì không đủ nhanh và không đủ ngân sách để phục vụ mọi người. “Cần tiến tới tri thức, kỹ năng về AI được phổ cập như chúng ta sử dụng các phần mềm Word, Excel thì mới có thể thay đổi”.
Ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu của ngành xuất bản Việt Nam. Ông Nguyễn Cảnh Bình cho biết: “Tháng 4 tới, Alpha Books sẽ công bố Trung tâm ứng dụng AI trong ngành xuất bản. Một kỷ nguyên số, xã hội văn minh nhất định phải có sự tham gia của một nền xuất bản phát triển”.
Ứng dụng công nghệ giúp các nhà xuất bản tạo ra nhiều sản phẩm hơn, nhanh hơn và chất lượng hơn. Bởi vậy, các nhà xuất bản cần đầu tư vào nội dung số, đa dạng hóa định dạng và tận dụng tối đa các tính năng của thiết bị điện tử để tạo ra trải nghiệm đọc sách hấp dẫn. Tuy nhiên, để thích ứng với thời đại số, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là cấp thiết. Theo TS. Vũ Thùy Dương, Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hướng tới công nghiệp xuất bản đòi hỏi đào tạo đội ngũ cán bộ cần có sự thay đổi, để thúc đẩy sự phát triển của ngành. Cơ sở đào tạo đã và đang nghiên cứu để điều chỉnh nội dung chương trình cho phù hợp với nhu cầu nhân lực…
Với vấn nạn sao chép lậu đang gây thiệt hại lớn cho ngành xuất bản, TS. Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông nhận định: cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mở ra rất nhiều công cụ mới trong việc chống vi phạm bản quyền. Các đơn vị xuất bản của Việt Nam cần đẩy nhanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các xuất bản phẩm của mình, tạo ra môi trường sáng tạo lành mạnh. Chuyển đổi số không chỉ giúp ngành xuất bản bảo vệ bản quyền một cách hiệu quả mà còn tạo ra điều kiện thuận lợi để quản lý, theo dõi và nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.
Nên có chỉ thị mới định hướng xuất bản
Cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và sự ra đời của các phương tiện truyền thông thông minh, internet đã tạo ra xu hướng xuất bản điện tử ở hầu hết quốc gia và trở thành phương thức chủ yếu, tạo ra các giá trị cộng hưởng nội dung xuất bản phẩm. Trong bối cảnh đó, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định: cần ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, chuyển đổi số cho hoạt động xuất bản. Gắn chặt nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm với ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Từng được giao xây dựng dự thảo Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25.8.2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cơ bản nhận thức về xuất bản. Đây là một lĩnh vực quan trọng về tư tưởng văn hóa, một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời là một ngành kinh tế công nghệ.
20 năm trước, Chỉ thị số 42-CT/TW đã đặt vấn đề “hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ xuất bản” và “xuất bản điện tử” và hiện nay đang theo hướng này… Tuy nhiên, trong tình hình mới, đứng trước những cơ hội rất lớn và đồng thời khó khăn không nhỏ với xuất bản, theo GS.TS. Đinh Xuân Dũng, cần nghiên cứu để có chỉ thị mới định hướng xuất bản, nếu không chúng ta sẽ dừng lại, tụt hậu so với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, nghiên cứu, khảo sát nhằm tạo cơ chế, chính sách mới cho ngành.
Để xuất bản Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời đại số, việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và chính sách là vô cùng quan trọng. Theo đó, cần có các chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi số; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường hợp tác quốc tế để giúp ngành xuất bản Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, nhanh chóng bắt kịp xu hướng và hội nhập thế giới.