Bài cuối: 'Song kiếm hợp bích'

Người dân Á Đông đều biết: từ xưa, chỉ có Bao Thanh Thiên mới được vua giao cho 'Thượng phương bảo kiếm' để làm việc chính nghĩa, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân. Đó chính là biểu hiện tinh thần thượng tôn pháp luật! Bảo kiếm trao anh hùng. Tương tự, cùng với trao cho chế tài giám sát đủ mạnh phải bảo đảm cơ cấu tổ chức của HĐND những đại biểu đủ năng lực, bản lĩnh và có vị thế chính trị, nhất là những 'đầu tầu' thì mới 'song kiếm hợp bích' được, để thực sự phát huy vai trò giám sát quyền lực, vì niềm tin của cử tri, Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Từ khiêm tốn đến… “xem nhẹ”

Trên thực tế, quy định của Hiến pháp, pháp luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND lớn nhưng những quy định để bảo đảm quyền, nhiệm vụ, vị trí được tôn trọng và thực thi vẫn chưa được hoàn thiện, cơ cấu tổ chức còn bất hợp lý. Mặc dù tỷ lệ đại biểu chuyên trách đã được tăng lên qua các kỳ bầu cử nhưng cơ cấu đại biểu dân cử vẫn nghiêng về kiêm nhiệm. Đặc biệt, đại biểu chuyên trách giữ vị trí trong cấp ủy còn khá khiêm tốn, dẫn đến thực tế có tình trạng “xem nhẹ” vai trò của cơ quan dân cử, nếu như không nói là không tôn trọng, nhất là trong hoạt động giám sát.

Thống kê năm 2022 của Ban Công tác đại biểu cho thấy, số lượng cấp ủy viên giữ chức Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh chuyên trách vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi cơ quan được giám sát, cơ quan chấp hành lại giữ vị trí cấp ủy cao hơn (Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy), lẽ dĩ nhiên sẽ rất khó khăn nếu như Chủ tịch HĐND không được cơ cấu là Bí thư cấp ủy cùng cấp. Vị trí chính trị của đại biểu chuyên trách các ban của HĐND cũng chưa tương xứng so với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan chấp hành. Đối với cơ cấu Ban của HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, điểm đáng mừng là nhiều địa phương, Trưởng các Ban của HĐND đã được bố trí hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, phần lớn Trưởng ban của HĐND không có vị trí trong cấp ủy, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động giám sát.

Đối với HĐND cấp huyện và xã, việc cơ cấu đại biểu HĐND chuyên trách tham gia trong cấp ủy tương xứng cũng chưa thỏa đáng, nhất là ở các ban của HĐND. Ở cấp huyện, hầu hết Trưởng hoặc Phó Trưởng ban chuyên trách không được cơ cấu trong cấp ủy cùng cấp.

Bảo đảm vị thế để những vấn đề qua giám sát được chỉ đạo sát sao

Thực tế trên đặt ra yêu cầu, thực hiện Bí thư cấp ủy làm Chủ tịch HĐND, những nơi không đủ điều kiện thực hiện thì cơ cấu Phó Bí thư Thường trực cấp ủy làm Chủ tịch HĐND. Có như vậy mới bảo đảm vị thế quan trọng của cơ quan dân cử khi người đứng đầu là lãnh đạo cao nhất của cấp ủy Đảng ở địa phương. Đây cũng là đề xuất, kiến nghị của hầu hết các địa phương trong thời gian qua.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực, thực hiện Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao vị thế cũng như hiệu quả hoạt động của HĐND, nhất là những vấn đề HĐND đặt ra qua giám sát được chỉ đạo giải quyết đến nơi, đến chốn. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn: địa phương nào được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, xuyên suốt, có sự động viên, ủng hộ của cấp ủy thì hoạt động của cơ quan dân cử rất nổi trội và hiệu quả, nhất là hoạt động giám sát.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Xuân Hoa

“Một nguyên nhân của việc thiếu tôn trọng, chậm trễ trong giải quyết các kiến nghị sau giám sát của HĐND còn khá “tế nhị”, đó là vị thế chính trị của các ban của HĐND chưa cao. Có rất ít tỉnh, thành, Trưởng Ban HĐND chuyên trách của HĐND là cấp ủy viên. Điều đó cũng phần nào khiến cho hiệu quả của việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát chưa cao, việc đôn đốc giải quyết các kiến nghị sau giám sát chưa gắt gao” - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai Ngô Quyền trăn trở.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực cho rằng: Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách được quan tâm cơ cấu tham gia cấp ủy sẽ có cả vị trí chính trị và chuyên tâm cho hoạt động dân cử. Đây là vấn đề cần chuẩn bị dài hơi cho công tác bầu cử nhiệm kỳ tới. Để bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất cũng như cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương cần có sự chỉ đạo về việc cơ cấu trong cấp ủy của địa phương phải dành tỷ lệ bao nhiêu phần trăm vị trí trong cấp ủy cho HĐND, trong đó có 1-2 Trưởng ban chuyên trách có vị trí trong cấp ủy.

Thực sự tâm huyết, trách nhiệm và bản lĩnh

Cùng với bảo đảm vị trí chính trị tương xứng, vần đề “mấu chốt” nữa là phải lựa chọn được những đại biểu HĐND, nhất là đại biểu cơ cấu trong Thường trực HĐND, các ban của HĐND thực sự tâm huyết, trách nhiệm và bản lĩnh, đặc biệt là người đứng đầu; kết hợp với chế tài giám sát đủ mạnh thì mới “song kiếm hợp bích” được.

Nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh cho rằng: các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo tốt công tác lựa chọn nhân sự để giới thiệu bầu làm đại biểu HĐND các cấp, không quá nặng vào cơ cấu và độ tuổi mà phải lựa chọn được đại biểu có năng lực, trình độ, kỹ năng, bản lĩnh và tâm huyết với hoạt động HĐND. Đặc biệt, cần quan tâm bố trí đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đội ngũ chuyên trách. Có thể mở rộng độ tuổi, thành phần để mời các chuyên gia đầu ngành, công dân ưu tú, có tiếng nói và uy tín tại cộng đồng vào cơ quan dân cử, đại diện cho tiếng nói của cử tri và Nhân dân.

Về lâu dài, công tác chuẩn bị, quy hoạch cho các chức danh chuyên trách của HĐND cần được sự quan tâm hơn từ cấp ủy đến Thường trực HĐND đương nhiệm. HĐND hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm, không có bộ máy theo dõi công tác tổ chức, cán bộ riêng mà chỉ phối hợp với cơ quan tham mưu của Đảng đối với Đảng đoàn HĐND hoặc với cơ quan tham mưu của chính quyền đối với Thường trực HĐND nên thường không chủ động, thường xuyên chăm lo việc tổ chức và bố trí, đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch và sử dụng cán bộ, chưa có cơ chế rõ ràng về luân chuyển cán bộ giữa HĐND, UBND, thu hút cán bộ chuyên trách HĐND. Đây là một bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng, thậm chí có trường hợp bố trí những người sắp nghỉ hưu, hoặc không biết sắp xếp vào đâu, hoặc là những người dĩ hòa vi quý, dễ bảo vào cơ quan chuyên trách của HĐND.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII. Ảnh: Xuân Hoa

Đồng quan điểm, theo nguyên Ủy viên Thường trực kiêm Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng Nguyễn Vân Hậu: Thường trực, Ban của HĐND không phải là nơi chờ… nghỉ hưu, nơi “mai phục” để mà ứng xử “bằng lòng, dĩ hòa vi quý”, nhằm nhắm tới cương vị cao hơn, thậm chí cương vị thấp hơn nhưng “quyền lực” hơn (!).

Cuối cùng, những kiến nghị xuyên nhiệm kỳ ngoài trách nhiệm tiếp thu, giải quyết của cơ quan, đơn vị được giám sát thì cũng phải “tự vấn” trách nhiệm của chính HĐND - cơ quan giám sát, đã thực sự tròn vai hay chưa, bởi thực tiễn có không ít những kết luận giám sát rất khó thực thi. “Tôi rất dị ứng khi đọc một báo cáo hoặc thông báo kết luận giám sát mà cứ xuất hiện dòng chữ “tích cực tuyên truyền”, “tăng cường hơn nữa”; hay là “theo quy định của cấp có thẩm quyền”, “trong thời gian tới, cần phải phát huy”… bởi đơn vị được giám sát không xác định được vai của mình trong đó làm cái gì, thời gian giải quyết khi nào xong và sản phẩm sau giải quyết là gì. Sản phẩm cuối cùng phải chuẩn thì giám sát mới trúng đích, mới hiệu quả.” - Ông Nguyễn Như Mai -nguyên đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An bày tỏ.

Như vậy, để có được những kết luận giám sát “trúng” và được thực thi nghiêm túc, ngoài chế tài đủ mạnh, bài toán về con người, chất lượng, vị thế của đại biểu dân cử mới chính là nhân tố quyết định để những kiến nghị giám sát không còn “vô hồn” trên những trang A4.

Phương Nhung - Hồng Hạnh - Quang Chi - Hữu Hải - Mạnh Tuân - Bách Hợp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/bai-cuoi%C2%A0song-kiem-hop-bich-i352448/