Bài 5: Cú 'đâm' Hà Bá và hậu quả nhãn tiền nơi đất Chín Rồng
Khai thác cát vô trách nhiệm, những công trình thủy điện vùng thượng nguồn, gây ô nhiễm môi trường… được vi như là cú 'đâm' Hà Bá nơi vùng đất Chín Rồng.
Hà Bá trong tín ngưỡng dân gian là vị thần cai quản sông, giống như Thổ Địa là vị thần cai quản đất đai. Người Việt có câu “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá” là vậy. Bên cạnh đó còn có câu: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá” mang nhiều ý nghĩa, trong đó người xưa muốn răn dạy rằng đừng phá núi, phá sông mà mang họa vào thân…
Như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, việc khai thác cát tràn lan, vô trách nhiệm trên các dòng sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là cú "đâm" vào Hà Bá gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về môi trường. Những dòng sông đang bị tổn thương, oằn mình vì “cát thổ phỉ”. Sạt lở nghiêm trọng đã liên tục xảy ra trên những dòng sông, và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Hầu hết các tỉnh ở ĐBSCL đã ban bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề này.
Thông tin từ nhóm nghiên cứu Dự án Quản lý Cát bền vững ở ĐBSCL do WWF-Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Phòng, Chống Thiên tai (Bộ NN-PTNT), các bộ ban ngành liên quan cho biết: Trung bình mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 500ha đất, trong 3 năm (2018 – 2020) thiệt hại hơn 200 tỷ đồng do sạt lở tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau. Việc khai thác cát quá mức cũng làm gia tăng độ sâu lòng sông. Theo đó, giai đoạn 1998-2008, độ sâu của lòng sông Tiền và sông Hậu tăng thêm 1,5m, giai đoạn 2009-2016 độ sâu của lòng sông Tiền, sông Hậu tăng thêm 5-10m và kéo theo 66% đường bờ biển của ĐBSCL bị xói mòn, toàn vùng có 621 điểm sạt lở kéo dài 610km.
Ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại ĐBSCL, cho biết: Kết quả khảo sát từ mùa khô năm 2022 cho thấy, lượng cát ghi nhận tại Tân Châu – An Giang là khu vực có lượng cát đổ về lớn nhất khu vực ĐBSCL chỉ còn khoảng 30m3/năm/m ngang sông. Như vậy, lượng cát đổ về chỉ còn khoảng 15-20% so với lượng cát đổ về ĐBSCL cách đây 30 năm về trước.
Ngoài tác động do “cát thổ phỉ” trong nước gây ra, thì hàng loạt các công trình thủy điện vùng thượng nguồn sông Mekong cũng đã tác động mạnh mẽ đến ĐBSCL.
Theo số liệu của Ủy hội Mekong quốc tế, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Công đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm (so sánh giữa các năm 1992 và 2014). Nếu có thêm 11 đập thủy điện trên dòng chính ở Lào và Campuchia, tải lượng phù sa mịn sẽ giảm còn 42 triệu tấn/năm; đồng thời 100% cát sẽ bị chặn lại không về ĐBSCL.
Chia sẻ với báo chí về sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 ngày 5/4/2023, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết: Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ cam kết của Việt Nam đối với Hiệp định Mekong năm 1995, kêu gọi các nước tuân thủ đầy đủ Hiệp định này cũng như bộ quy tắc đã được xây dựng liên quan việc sử dụng nguồn nước sông Mekong.
Thủ tướng nhấn mạnh, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam kêu gọi các nước đối tác, nhất là quốc gia thượng nguồn cùng hợp tác, chia sẻ dữ liệu, tăng cường hỗ trợ về tri thức, kinh nghiệm, tài chính và nguồn lực để Ủy hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tốt nhất sự phát triển bền vững của dòng sông và lưu vực sông Mekong.
Tại hội nghị này, số liệu dự báo đáng báo động của các chuyên gia đã được đề cập tới, theo đó đến năm 2040 lượng phù sa về ĐBSCL sẽ giảm hơn 9 lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm. Việc giảm một lượng phù sa lớn, đột ngột, sẽ làm gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông, làm suy giảm khả năng làm sạch của dòng sông. Về thủy sản, chỉ tính riêng tổn thất cá mỗi năm ĐBSCL sẽ thiệt hại từ 500 triệu đến 1 tỷ USD và sẽ có khoảng 14 triệu nông dân bị ảnh hưởng gián tiếp do có thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Và ô nhiễm môi trường cũng đang làm "trọng thương" Hà Bá nơi đất Chín Rồng. Môi trường tại ĐBSCL đang bị ô nhiễm nặng bởi chất thải từ các khu, cụm công nghiệp; từ lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; từ rác thải sinh hoạt, rác thải y tế…
Ở các nhà máy, khu công nghiệp ngành những năm gần đây rác thải, chất thải và các chất hóa học đã được giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên hàng triệu dân ở vùng sông nước này vẫn đang “vô tư” trong việc bảo vệ môi trường. Hầu hết rác thải, nước thải, kể cả những thứ từ trong cơ thể người cũng đổ thẳng ra sông, rạch. Heo, gà, vịt, chó, mèo chết cũng quăng ào xuống sông…
Chưa hết, vùng đất “tôm cá đầy ghe” như trong lời ca về một vùng đất đầy sản vật không còn nữa. Với hình thức đánh bắt tận diệt như chích điện, ghe cào mắt lưới nhỏ… đã tiêu diệt cá từ trong trứng nước. Ngay cả khi mùa cá sinh sản cũng rủ nhau đánh bắt.
Những cú “đâm” Hà Bá kể trên đã làm cho những con sông ở ĐBSCL đang "hấp hối". Sạt lở, xâm nhập mặt, ô nhiễm môi trường, nguồn lợi thủy sản đân cạn kiệt… không còn là cảnh báo nữa mà đang là hiện thực nơi vùng đất Chín Rồng. Oái oăm thay! Trong khi những dòng sông nơi đây đang oằn mình với bao "thương tích" thì việc thực hiện các giải pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả... thực hiện một cách yếu ớt, thiếu quyết liệt. Và, khi Hà Bá còn tiếp tục bị "đâm” thì hậu họa khôn lường sẽ tiếp tục xảy ra ...
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-5-cu-dam-ha-ba-va-hau-qua-nhan-tien-noi-dat-chin-rong.html