Bài 4: Nghĩ về đô thị du lịch

Bài 1: Những dòng chảy lịch sử

Bài 2: Vị thế của Mỹ Tho đại phốBài 3: Cái nôi cải lương Nam Kỳ

(ABO) Trên sài Gòn, dưới Mỹ Tho/ Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho” nằm trong bài thơ “Tức cảnh Mỹ Tho” của nhà thơ Học Lạc (1842 - 1915) với ngụ ý nói trên chỉ có sài Gòn, dưới nữa là Mỹ Tho, hai nơi sung túc và đẹp đẽ của miền Nam.

Điều này cũng lý giải thêm rằng Mỹ Tho một thời không chỉ sung túc về mặt thương mại mà còn có phong cảnh hữu tình thu hút nhiều người đến tham quan thưởng ngoạn.

Cầu Quay qua kinh Bảo Định, được xây dựng khoảng năm 1890. Ảnh: TL.

Cầu Quay qua kinh Bảo Định, được xây dựng khoảng năm 1890. Ảnh: TL.

Một đô thị du lịch dường như đã được định hình từ rất lâu. Điều này có thể được khơi nguồn từ địa thế của Mỹ Tho mang lại. Nghiên cứu của Ths. Lê Ái Siêm cho thấy, với địa thế sông ngòi và cù lao, Mỹ Tho có tiềm năng du lịch từ rất sớm, vào thời Mỹ Tho đại phố. Trong Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cũng đã ghi chép rằng: Long Châu (cù lao Rồng) ở trước trấn làm án gần. Trước kia cửa sông Mỹ Tho rộng, có 7 cửa lưới đáy, phàm thuyền buôn qua lại đều phải dừng đậu ở đấy hóng mát chơi trăng để chờ nước thủy triều thuận theo phía Đông hay phía Tây mà tiến đi. Từ năm Mậu Thân trở đi, cát nổi bồi lên, ngày càng cao lớn, hình thành con rồng nằm. Thế Tổ Cao hoàng đế, cho tên là Long Châu, dài chừng 2 dặm, làm la tinh trấn ngoài thủy khẩu, che giữ trấn sở, chắn át sóng dữ, rõ ràng là một nơi thắng địa, nhà phong thủy nói rằng: “Thủy khẩu lấp, bãi nổi lên thì đất ấy hẳn thịnh”, thế là tốt lắm?”

Khách sạn Mỹ Tho nhìn từ sảnh ga xe lửa Mỹ Tho. Ảnh: TL.

Khách sạn Mỹ Tho nhìn từ sảnh ga xe lửa Mỹ Tho. Ảnh: TL.

Ở vào một vị trí như thế, Mỹ Tho là một thắng địa, một vùng đất quan trọng để phát triển kinh tế và văn hóa. Nhận ra điều này, người Pháp đã xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho đầu tiên của Đông Dương, xây dựng bến tàu Lục Tỉnh, Trường Collège de Mytho - một trường trung học công lập đầu tiên của Nam bộ… với mục đích khai thác tài nguyên và tài lực vùng châu thổ trù phú bậc nhất của Đông Dương.

Tại Hội thảo khoa học “Di sản đô thị Mỹ Tho - Tiềm năng và Phát triển” được TP. Mỹ Tho tổ chức gần đây nhân Kỷ niệm 340 Mỹ Tho đại phố, Bí thư Thành ủy Mỹ Tho Đặng Thanh Liêm cho rằng, với bề dày lịch sử, đô thị Mỹ Tho đã tích lũy những di sản quý giá bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Những giá trị di sản đô thị ấy cần được nhận diện một cách thấu đáo và phát huy đúng mức để tạo động lực phát triển cho thành phố. Đó là giữ gìn sắc thái riêng vốn có của đô thị Mỹ Tho vốn đã được định hình là một đô thị sinh thái với cảnh quan sông nước hiền hòa “Thành phố nằm ở ngã ba sông, trải dài bên dòng sông Tiền lộng gió. Trong thành phố có kinh Bảo Định chia thành phố thành hai khu vực tả ngạn và hữu ngạn. Đặc điểm nổi bật trong cảnh quan là vườn cây ăn trái ở các xã ven tạo thành vành đai xanh, bao bọc khu nội ô, tạo nên địa hình khá đặc biệt. Cảnh quan thành phố càng nên thơ hơn với sự tiếp nối đan xen giữa phố phường, vườn cây, sông rạch.

Tiềm năng phát triển du lịch của Mỹ Tho còn rất lớn. Ảnh: Minh Thành.

Tiềm năng phát triển du lịch của Mỹ Tho còn rất lớn. Ảnh: Minh Thành.

Đồng thời, theo đồng chí Đặng Thanh Liêm, cũng trân trọng giá trị lịch sử của kiến trúc đô thị. Ở Mỹ Tho, vẻ đẹp từ thiên nhiên ban tặng gắn kết hài hòa với vẻ đẹp cổ kính của những công trình kiến trúc độc đáo, như chùa Vĩnh Tràng, đình Điều Hòa, chùa Bửu Lâm, nhà thờ Chánh tòa, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, nhà Bạch Công tử… Vẻ đẹp của Mỹ Tho còn được tôn thêm bởi những công viên rợp bóng cây xanh mát, như công viên Lạc Hồng, công viên Tết Mậu Thân, công viên cầu Rạch Miễu. Đặc biệt trong lòng nội ô Mỹ Tho còn có 2 giếng nước, nguyên là hào thành của thành Gia Định xưa, chất chứa nhiều giá trị về mặt cảnh quan môi trường và sự sống. Đó là “thương hiệu Mỹ Tho” cần được quảng bá để cộng đồng cảm thụ.

Theo dòng chảy lịch sử, những giá trị công trình mang tính cổ kính, những tiềm năng hiện hữu cho phép nhiều người nghĩ đến một đô thị du lịch xứng tầm khu vực. Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, những năm qua Mỹ Tho đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Và trong tương lai nơi đây sẽ là đô thị du lịch hấp vẫn đối với du khách.

TT

(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202412/my-tho-345-nam-va-nhung-khat-vong-bai-4-nghi-ve-do-thi-du-lich-1030674/