Bài 2: Hết lòng chăm lo, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Chu Huy Mân luôn hết lòng, hết sức chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Thấu triệt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng quan tâm trước hết là xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị; lấy chất lượng chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.
Khơi dậy sức mạnh chính trị, tinh thần
Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, gian khổ, Đại tướng Chu Huy Mân thường xuyên sâu sát bộ đội, kiên trì bồi dưỡng lập trường, quan điểm, lý tưởng cách mạng, xây dựng ý chí, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ. Đại tướng cho rằng, ưu thế chính trị tinh thần đã sẵn có trong mỗi cán bộ, chiến sĩ ta. Vấn đề còn lại là làm thế nào để phát huy cho được ưu thế ấy. Từ nhận thức đó, Đại tướng thường xuyên chỉ đạo cơ quan chính trị các cấp tăng cường các hoạt động xây dựng quyết tâm cho bộ đội, nêu cao vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tháng 8-1964, trên cương vị Chính ủy Quân khu 5, đồng chí Chu Huy Mân đến động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 trước khi xuất kích đánh trận Kỳ Sanh. Khi nắm bắt tình hình đơn vị gặp khó khăn trong việc đào công sự, đồng chí cầm cây cọc gỗ vót nhọn cắm trước hàng quân và nhấn mạnh: “Xưa kia Ngô Quyền đã chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng bằng những cây cọc gỗ như thế này. Ngày nay, các đồng chí hãy noi gương cha ông dùng những cọc gỗ để đánh Mỹ-ngụy. Gỗ có thể đâm thủng thuyền giặc thì gỗ cũng có thể dùng để đào công sự chiến đấu”. Hiểu được ý của thủ trưởng, cả đơn vị tỏa vào rừng, mỗi người chặt mấy đoạn cây vót nhọn để thay xẻng. Đêm hôm ấy, với những cọc gỗ vót nhọn, anh em đào công sự chỉ sâu đến thắt lưng nhưng cũng đủ để chiến sĩ ta vững tâm chờ địch.
Tháng 10-1965, đồng chí Chu Huy Mân trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Chiến dịch Plei Me chủ trì cuộc họp bàn về cách đánh Mỹ khi địch đổ bộ lên chiến trường Tây Nguyên. Các cán bộ tham gia chiến dịch nhớ lại, ngay từ khi nhận được tin Mỹ vào chiến trường này, mọi thắc mắc đều xoay quanh một câu hỏi “Đánh Mỹ như thế nào?”. Câu giải thích giản dị của Chính ủy Chu Huy Mân: “Ta chưa có kinh nghiệm chiến đấu với quân Mỹ thì quyết tâm của ta vừa đánh vừa rút kinh nghiệm. Đánh đi rồi sẽ biết” đã được bộ đội ta ở Tây Nguyên tiếp nhận dễ dàng. Lời nói chân thành của đồng chí Chu Huy Mân vừa như chỉ dạy, vừa thôi thúc, khơi dậy tinh thần dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ ở Mặt trận Tây Nguyên để góp phần làm nên chiến thắng Plei Me nổi tiếng cả chiến trường miền Nam.
Cũng trong Chiến dịch Plei Me, do bộ đội hành quân dài ngày, đến nơi là bước vào chiến đấu ngay, liên tục và ác liệt, thương vong của ta tương đối nhiều. Hầu hết các đơn vị đều nảy sinh hiện tượng sinh hoạt rời rạc, kỷ luật nội bộ lỏng lẻo, kỷ luật dân vận sút kém. Trước tình hình trên, đồng chí Chu Huy Mân lúc đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận, đề ra chủ trương củng cố bộ đội toàn diện. Trước hết tập trung nâng cao ý chí chiến đấu, phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ.
Đảng ủy mặt trận mở lớp chỉnh huấn chính trị đối với cán bộ trung, cao cấp, phát động tư tưởng cho cán bộ nói hết vướng mắc của mình, qua đó trao đổi, cùng nhau giải quyết. Mỗi người đề cao tự phê bình và phê bình; đồng thời làm hai bản kiểm điểm, một bản nêu rõ ưu điểm và một bản nêu những suy nghĩ, hành động trái với truyền thống, bản chất cách mạng của Đảng và Quân đội. Một cuộc sinh hoạt chính trị nghiêm túc và sâu sắc, cuộc đấu tranh không khoan nhượng trên lĩnh vực tư tưởng giữa một bên là cách mạng tiến công, quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi cuối cùng với bên còn lại là tư tưởng ngại gian khổ, hy sinh, dao động, giảm sút ý chí chiến đấu. Càng về cuối đợt học tập, tinh thần phấn khởi, lạc quan càng được nâng lên.
Ngày kết thúc chỉnh huấn chính trị, đồng chí Chu Huy Mân cầm hai tập giấy khá dày và tuyên bố, đây là những bản kiểm điểm của các đồng chí. Phần ưu điểm thì mọi người giữ lấy để phát huy trong hoạt động chiến đấu lâu dài. Những bản nêu khuyết điểm, với tinh thần tự phê bình rất nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm chính trị trước Đảng và đều có phương hướng phấn đấu cụ thể nên không cần phải giữ lại mà “đốt tất cả những bản về khuyết điểm”. Đợi cho những tờ giấy cuối cùng cháy hết, đồng chí Chu Huy Mân mời chính ủy các Trung đoàn 33, 66, 320 lên rồi trao cho mỗi đồng chí một sợi dây thừng để trói tù binh Mỹ trong tiếng vỗ tay vang dậy cả một cánh rừng và thực sự đã có tác dụng nâng cao khí thế chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên và trong toàn Quân khu 5.
Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1977-1986), Đại tướng Chu Huy Mân vẫn dành nhiều thời gian đến thăm và làm việc với hầu hết các quân khu, quân đoàn, các quân, binh chủng; thường xuyên tiếp xúc với các đơn vị cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và khơi gợi, động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Trong giai đoạn 1977-1986, các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thường xuyên được đi công tác xuống các đơn vị cùng với Đại tướng Chu Huy Mân đã nhận xét, Đại tướng vẫn giữ nguyên phong cách làm việc và sinh hoạt của vị Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 5 thời chống Mỹ, khẩn trương, sâu sát, thiết thực, cụ thể, không hình thức. Nghe đơn vị báo cáo, đồng chí phát hiện vấn đề rất nhanh, nêu vấn đề để cùng suy nghĩ, đánh giá đúng tình hình, dự đoán những khả năng và tình huống có thể xảy ra. Chính với những suy nghĩ và việc làm ấy của đồng chí đã có sức lan tỏa tới mọi người, hâm nóng lòng nhiệt tình cách mạng và ý chí vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên.
Lấy thực tiễn để rèn luyện cán bộ
Đại tướng Chu Huy Mân hết sức quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Đội ngũ cán bộ trưởng thành về chính trị là cơ sở để học tập, nắm vững và không ngừng sáng tạo nghệ thuật quân sự. Đoàn kết thống nhất trong nội bộ là cơ sở để xây dựng niềm tin trong nhân dân. Đặc biệt, đồng chí luôn lấy hoạt động thực tiễn làm môi trường, làm trường học lớn nhất, là phương pháp đào tạo, bồi dưỡng có giá trị và hiệu quả cao nhất để nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, rèn luyện tư duy cho đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội.
Đối với cán bộ tốt nhưng chưa có kinh nghiệm, đồng chí hết sức tạo điều kiện để nhanh chóng thích ứng với chiến trường. Câu chuyện về sự va vấp của Trung đoàn 88, một đơn vị chủ công, nhưng lại không hoàn thành nhiệm vụ trong trận đầu trên chiến trường Tây Nguyên minh chứng cho điều này.
Đó là vào mùa thu năm 1966, Trung đoàn 88 từ miền Bắc vào chiến trường Tây Nguyên. Do chưa kịp thích ứng với chiến trường, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, nhất là đối tượng tác chiến nên trong trận đánh vào cụm tiểu đoàn Nam Triều Tiên, khi đi nghiên cứu chiến trường đã lộ dấu vết, để quân địch phát hiện và tăng cường phòng vệ. Mặc dù bộ đội ta chiến đấu rất dũng cảm nhưng đã vấp phải sự cố thủ quyết liệt tại khu trung tâm nên quân ta bị thương vong lớn, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi nghe xong báo cáo, đồng chí Chu Huy Mân suy nghĩ với nét mặt suy tư, chậm rãi hỏi: “Không hoàn thành nhiệm vụ, để bộ đội thương vong là trách nhiệm lớn của người chỉ huy đối với xương máu của anh em; nếu trận nào cũng như thế này thì làm sao chúng ta thắng được Mỹ?”.
Trong khi mọi người chờ quyết định cuối cùng, dù với mức độ thế nào, mỗi người đều sẵn sàng chấp nhận, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục nói: “Các đồng chí là cán bộ được rèn luyện, dày dạn, được cấp trên tin cậy, nhưng để ra sự việc như thế này là một tội lớn. Tin các đồng chí, bộ tư lệnh mở cho các đồng chí một con đường để vươn lên lập công chuộc tội và tôi tin các đồng chí sẽ làm được”. Việc làm này đã để lại cho những cán bộ kế tiếp bài học phải biết nuôi dưỡng, bồi dưỡng đội ngũ cấp dưới của mình. Trước sai lầm, khuyết điểm của cán bộ cấp dưới, là cấp trên cần phải suy xét kỹ ngọn nguồn trước khi đưa ra quyết định, nếu không có thể lại làm mất đi một cán bộ đã được tôi luyện; phải biết mở con đường cho cán bộ vấp ngã có điều kiện để đứng dậy. Đáp lại niềm tin ấy, trong Chiến dịch Sa Thầy mùa khô 1966-1967, Trung đoàn 88 đã có trận đánh xuất sắc cùng với đơn vị bạn tiêu diệt một tiểu đoàn Mỹ tại điểm cao Cl-Tây Pleiku.
Trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Chu Huy Mân rất quan tâm đến việc bồi dưỡng nguồn lực, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ. Đại tướng luôn ân cần dặn dò cán bộ cấp dưới phải động viên đội ngũ cán bộ chăm lo xây dựng Quân đội ta tinh nhuệ, phải bằng chính trị, tinh thần là chủ yếu, then chốt nhất là phải có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có phẩm chất đạo đức, năng lực... Bởi theo Đại tướng, xây dựng được cán bộ giỏi, thì trước hết phải đánh giá đúng phẩm chất, năng lực cán bộ... Phải chú trọng bồi dưỡng cán bộ về mọi mặt.
Là người bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn chiến lược sâu sắc, Đại tướng luôn suy nghĩ và trăn trở những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với vai trò lãnh đạo của Đảng trong Quân đội. Cũng từ thực tiễn, Đại tướng đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần có một cơ chế mới về lãnh đạo, chỉ huy trong Quân đội để đạt hiệu quả hơn. Ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 51-NQ/TW về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây chính là tâm huyết của Đại tướng trong công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trong Quân đội.
(còn nữa)