Bài 2: Định vị Việt Nam là điểm đến của du lịch MICE
Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, tạo sức lan tỏa về điểm đến, song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự bài bản, tính kết nối, chọn lọc điểm đến, sản phẩm trải nghiệm… để hướng đến phát triển du lịch MICE chuyên nghiệp, bền vững.
Nhu cầu du lịch MICE của du khách đã có sự thay đổi sau dịch COVID-19, với yêu cầu đa dạng hơn về loại hình dịch vụ, chất lượng được tối ưu, hướng đến khai thác tối đa giá trị và tiện ích của hoạt động sự kiện, hội nghị trong các chương trình tour.
Tạo điều kiện để du lịch MICE "cất cánh"
Đề cập đến vấn đề này, TS. Trịnh Lê Anh-Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ quan điểm rằng hiện nay, khá nhiều người chưa phân biệt giữa du lịch thông thường và du lịch MICE. Thực tế, hầu hết các đoàn khách, các đoàn có tính tổ chức đều có các hoạt động du lịch MICE. Ví dụ như họ tham quan ở một điểm đến, là một nhóm đông và có liên kết với nhau thì họ cũng sẽ tham gia vào những hoạt động như Gala Dinner, tiệc và sự kiện tại điểm đến. Vậy nên, tính chất MICE "nhuốm" vào trong hầu như mọi đoàn khách có tính tổ chức. Chúng ta phải quan niệm rằng làm du lịch MICE ở mọi nơi, mọi lúc và điểm đến Việt Nam đang thực sự là một cơ hội cho ngành du lịch của Việt Nam nói riêng và cũng trở thành một điểm đến tiềm năng trong khu vực và quốc tế.
Theo TS. Trịnh Lê Anh, trước đây Việt Nam là điểm đến của một phận khách du lịch MICE Âu Mỹ. Gần đây, một số lượng khách du lịch MICE cao cấp ở Trung Quốc đã chọn Việt Nam, đấy là một tín hiệu đáng mừng. Sau dịch COVID-19, các thị trường khách truyền thống đã trở lại và đem đến cho chúng ta một lượng khách MICE Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore.
Trước khi xảy ra dịch COVID-19, lượng khách xa xỉ của Ấn Độ đến Việt Nam là một điểm nhấn và gần đây chúng ta vẫn thu hút được khách từ thị trường này. Đối với những đất nước đông dân, họ có văn hóa riêng, làm sao để có sự thống nhất giữa hai bên để phục vụ khách tốt nhất.
Theo TS. Trịnh Lê Anh, đoàn khách MICE là những đoàn khách có những yêu cầu rất đặc biệt, thậm chí rất khó để đáp ứng nhưng giá lại không phải rất cao.
Để phát triển du lịch MICE chuyên nghiệp, bền vững, TS. Trịnh Lê Anh cho rằng, đây là cơ hội cho cả cộng đồng chứ không chỉ riêng của ngành du lịch. Vì thế, trước mắt cần "khai phóng" về mặt chính sách, tạo điều kiện cho du lịch MICE ở Việt Nam cất cánh.
Ví dụ các địa điểm MICE nổi tiếng như Hàn Quốc, Thái Lan, chính phủ những nước này có những chính sách ưu đãi chuyên biệt cho đoàn khách nước ngoài 100-500 người, trên 500 người, để du lịch MICE không phải đau đầu với bài toán về giá. "Tôi nghĩ chính sách riêng biệt cho MICE ở Việt Nam rất cần được bàn thảo sớm để có thể ban hành, trong đó có những ưu đãi về visa, những vấn đề về thông quan, mua sắm, lưu trú, đi lại và đặc biệt là ưu đãi về giá để khách MICE có cảm nhận là luôn được chào đón đến Việt Nam", TS. Trịnh Lê Anh nói.
Theo ông Phạm Hà-Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Lux Group, đã đến lúc chúng ta đặt loại hình, sản phẩm du lịch MICE phải là một định hướng kinh doanh cho du lịch Việt Nam để đạt được mục tiêu lớn. Bởi vì chúng ta có đầy đủ những tiềm năng, thế mạnh nhưng chưa biết khai thác hết. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể khắc phục được những khó khăn đang tồn tại hiện nay bởi đây không phải là vấn đề trước mắt mà cả quá trình lâu dài. Cần định vị Việt Nam là điểm đến của du lịch MICE.
Ông Phạm Hà cũng đưa ra ví dụ Thái Lan làm rất tốt việc phát triển du lịch MICE và tạo dấu ấn với quốc tế khi được Chính phủ hỗ trợ, có kế hoạch phát triển chuyên nghiệp, bài bản; truyền thông đúng đối tượng.
"Với tiềm năng của Việt Nam, chúng ta có đủ điều kiện để phát triển MICE, tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa định vị được điểm đến, không có kế hoạch truyền thông, xúc tiến điểm đến…", ông Phạm Hà nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Hà, cần phải tạo ra những diễn đàn chia sẻ, kết nối với nhau. Nhận thấy nhu cầu này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ du lịch MICE Việt Nam (VMC).
Từ năm 2020 đến nay, VMC đã tập hợp các doanh nghiệp có tham gia loại hình này để có một diễn đàn để kết nối và chia sẻ thông tin, trao đổi xu hướng, định hướng nhằm đẩy mạnh kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Đức Anh – Chủ tịch VMC, MICE chú trọng đến chất lượng sản phẩm và yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa. Do đó, một trong số thách thức Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng, vì khách MICE chủ yếu là khách hạng sang, nên đòi hỏi hạ tầng phải đồng bộ, chất lượng cao.
Không chỉ vậy, những hoạt động quảng bá còn nhỏ lẻ và chưa xứng tầm với tiềm năng. Đầu tư cho quảng bá, xúc tiến cho du lịch MICE còn quá ít nên ngành du lịch MICE Việt Nam rất khó cạnh tranh với các nước bạn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, liên kết giữa ngành du lịch với chính quyền địa phương nhằm xây dựng thương hiệu phù hợp với nhiều yếu tố, từ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan đến các chương trình du lịch thu hút khách trong và ngoài nước.
Cần đào tạo nhân sự chuyên sâu cho du lịch MICE
Một điều quan trọng cần có cho sự "cất cánh" của ngành du lịch MICE Việt Nam trong thời gian tới là vấn đề nhân sự. Theo TS. Trịnh Lê Anh, nhân sự trong lĩnh vực này cần phải chuyên nghiệp và chuyên môn hóa. Hiện nay, nhìn vào mặt bằng đào tạo ở Việt Nam, thấy rằng nhân sự chuyên nghiệp cho MICE rất yếu và thiếu chuyên môn, hầu như không có trường đào tạo. Không có một trường đại học nào ở Việt Nam đào tạo về du lịch có đào tạo chuyên sâu về MICE hay sự kiện (Event).
TS. Trịnh Lê Anh cho biết, hiện nay, MICE và Event là một lĩnh vực khá mới và đang bị lẫn lộn ở nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau như là sự kiện văn hóa,... Như thế nên sự kiện chuyên cho du lịch MICE cũng là một hướng đề xuất để các trường cũng như các cơ sở đào tạo có sự quan tâm và đưa ra một nhánh đào tạo phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay.
Bên cạnh đó, chúng ta còn mong muốn có cơ hội để trao đổi học thuật hay đào tạo ở khu vực, quốc tế để học hỏi từ các nước. Việc đào tạo ở Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện với đa lựa chọn và không chỉ đào tạo quốc dân mà còn đào tạo tư nhân, đào tạo cá nhân. Trong đó, cần nhấn mạnh về yêu cầu ngoại ngữ, những ngoại ngữ không phổ biến, với những thị trường trong 3-5 năm tới sẽ là những thị trường chủ lực của MICE Việt Nam, như thị trường Ấn Độ là tiếng Hindi, cũng như tiếng Trung Quốc hiện nay đang được phổ biến rộng rãi hơn nhưng vẫn còn thiếu nhân lực trong ngành MICE.
Ông Nguyễn Đức Anh – Chủ tịch VMC cũng cho rằng, hiện nay chưa có đơn nào vị đào tạo chuyên nghiệp về MICE. Từ góc độ những người thực hành trong lĩnh vực này đều mong muốn có nhân lực tốt đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng cách thức và cơ hội đào tạo phải đến từ chính sách, từ MICE, do đó VMC sẽ tập trung quan tâm về công tác đào tạo để có những định hướng cho toàn ngành du lịch MICE.
Theo các chuyên gia du lịch, bên cạnh đó cần bảo đảm đầu ra cho người học đạt tiêu chuẩn theo đúng khung tiêu chuẩn nghề quốc tế. Đồng thời, cũng có thể tổ chức thêm các khóa đào tạo ngắn hạn để cải thiện cũng như nâng cao chuyên môn của đội ngũ nhân viên làm việc trong lĩnh vực này.
Để làm tốt công việc này thì cần phải thường xuyên tổ chức cho cán bộ, nhân viên học tập thực tế về du lịch MICE ở những nước dẫn đầu về công nghiệp MICE như: Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản, Thái Lan…
Để phát triển du lịch MICE chuyên nghiệp, bền vững, ngành du lịch cần có chương trình phát triển du lịch MICE bài bản, xây dựng các sản phẩm đặc thù, đẩy mạnh xúc tiến quốc tế; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu và có sự chung tay của nhiều cơ quan, ban, ngành và doanh nghiệp.