Bài 2: Cần tạo điều kiện để du lịch tàu biển phát triển

Để phát triển du lịch biển đảo bền vững cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch, đồng thời phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, công tác marketing, quảng bá và xúc tiến du lịch…

Việt Nam có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên đẹp, hấp dẫn mà khó nơi nào có được để phát triển du lịch biển, đảo.

Với lợi thế là đất nước của biển, đảo, sông, hồ, với đường bờ biển dài 3.260km, hơn 4.000 hòn đảo cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích văn hóa lịch sử lâu đời, du lịch tàu biển, du thuyền của Việt Nam luôn có sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Rất nhiều địa phương có thể tạo sản phẩm du lịch biển có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực như: Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)…

Cần đầu tư hạ tầng cho du lịch tàu biển

Trong thời gian gần đây, du lịch tàu biển, du thuyền không chỉ thu hút khách quốc tế mà du khách trong nước đang có xu hướng lựa chọn loại hình này để du lịch. Đặc biệt, từ đầu năm 2023, thị trường tàu biển đã khởi sắc, đưa hàng nghìn du khách quốc tế cập cảng tại Quảng Ninh, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh. Như ngày 22/8/2023 vừa qua, tàu Spectrum of the Seas đã cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa hơn 4.000 khách quốc tế tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch kỳ nghỉ lễ, đánh dấu sự phục hồi của ngành tàu biển quốc tế tại Việt Nam.

Tháng 8/2023, khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển là 59,7 nghìn lượt người; gấp 154,2 lần so với cùng kỳ. Du thuyền trong nước cũng khởi sắc đặc biệt là các du thuyền cao cấp hoạt động thường xuyên cả trong ngày và lưu trú qua đêm. Tuy nhiên để hoạt động tàu biển, du thuyền được phát triển và trở thành loại hình du lịch có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực còn rất nhiều việc phải làm và khắc phục.

Ông Phạm Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lux Group cho biết, hoạt động du thuyền ở Việt Nam rất sôi động và khởi sắc từ đầu năm 2023 khi du lịch Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã phục hồi và ổn định. Tuy nhiên vẫn chưa có những quy định chung chú trọng việc phục vụ khách cho loại hình du lịch này và hiểu sâu sắc hoạt động du lịch trên du thuyền.

Trong đó, việc phát triển hệ thống cảng biển chuyên dụng đón tàu du lịch biển và xây dựng hạ tầng du lịch, sản phẩm tour tuyến phù hợp phục vụ dòng khách này là những yếu tố quan trọng để thu hút du khách tàu biển tại các địa phương thời gian tới. Đặc biệt là có thể thông giữa các vịnh để du khách khi tham quan vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ không phải đi ba hành trình khách nhau, ba du thuyền khác nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát hành trình qua GPS một cách dễ dàng.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Cục Du lịch Việt Nam) cho rằng, để phát triển du lịch biển đảo bền vững cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch, đồng thời phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp.

Việt Nam không thiếu những du thuyền đủ tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ du khách. Ảnh: VGP/DA

"Bắt tay nhau để cạnh tranh với các nước"

Đề cập đến vấn đề cạnh tranh trong phát triển du lịch, bà Thủy Nguyên-CEO CEO Omega Group cho rằng, cạnh tranh để phát triển là tốt nhưng phải cạnh tranh lành mạnh, nếu mang tính cục bộ địa phương thì rất khó để làm. Trong một quần thể du lịch thì cần phải có sự đồng bộ, phối hợp và thống nhất, chung sức để cạnh tranh với các nước.

Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Phương Nhi-Tổng Giám đốc, Chủ đầu tư Du thuyền Indochine Premium cũng đồng nhất quan điểm.

"Chúng ta cần ngồi lại để xây dựng điểm đến chung nhằm thu hút du khách. Làm sao để dịch vụ phải chỉn chu hơn, Vịnh đẹp hơn, sạch hơn, tổ chức quy củ hơn. Khách hàng đến Việt Nam chọn điểm đến là Việt Nam chứ không chỉ chọn riêng Vịnh Hạ Long hay Cát Bà. Chúng ta có tài nguyên du lịch hoàn hảo để khai thác, đủ để thu hút du khách tại sao không thể làm chỉn chu hơn, đồng bộ hơn để khách có thể đến trải nghiệm và chi tiền nhiều nhất", bà Lê Phương Nhi trăn trở.

Cần làm tốt hơn nữa công tác marketing, quảng bá và xúc tiến du lịch. Ảnh: VGP/DA

Bà Lê Phương Nhi cũng cho rằng cần làm tốt hơn nữa công tác quảng bá và xúc tiến du lịch. Bà Nhi dẫn chứng về du lịch Hàn Quốc, đất nước không được ưu đãi nhiều về tài nguyên du lịch như Việt Nam nhưng xây dựng chính sách và mục tiêu cụ thể cho các điểm đến để thu hút du khách. Vì vậy Chính phủ và chính quyền địa phương cần tạo điều kiện hơn nữa để phát triển du lịch, làm sao để du khách đến Việt Nam phải ở lâu hơn, tiêu nhiều tiền hơn và cùng lan tỏa hình ảnh điểm đến Việt Nam với bạn bè, người thân.

Các hoạt động du lịch biển đảo đang chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong thời gian 3 tháng còn lại của năm 2023 (từ tháng 10 đến tháng 12), ngành du lịch sẽ bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế và còn rất nhiều dư địa để vượt xa mục tiêu tăng trưởng trong năm nay cũng như để tiếp tục phát triển du lịch tàu biển trong thời gian tới nếu khắc phục được những khó khăn, hạn chế và gỡ được những rào cản cho du lịch tàu biển phát triển.

Diệp Anh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/bai-2-can-tao-dieu-kien-de-du-lich-tau-bien-phat-trien-102231003184427032.htm