Bài 1: Tạo đột phá giảm nghèo bền vững
Giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, đang có một ĐaKrông đổi thay. Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, bà con nơi đây đã, đang chủ động phát triển sản xuất, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở miền Tây Quảng Trị… Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; đưa Đakrông thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn vào năm 2030... đòi hỏi sự quyết liệt, nỗ lực hơn nữa của chính quyền, người dân.
Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50% trong diện được thụ hưởng chính sách 30a của Chính phủ, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện ĐaKrông, Quảng Trị luôn sâu sát, hỗ trợ nhiều mặt nhằm góp phần giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ thiết yếu cơ bản…
Chú trọng đồng bộ các chương trình, chính sách
Như nhiều địa phương khác của huyện Đakrông, nhắc đến A Bung hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến sự cách trở, nghèo túng. Nhưng A Bung giờ đây là một trong những xã đi đầu trong công tác giảm nghèo của huyện. Với phương châm tạo đột phá giảm nghèo bền vững, xã đã xây dựng nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó khuyến khích bà con phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt… Chị Hồ Thị Lan cho biết, nhờ Chương trình 135 hỗ trợ nuôi dê sinh sản nên sau một năm đàn dê của gia đình đã tăng từ 10 lên 20 con. Mô hình nuôi dê đã giúp gia đình chị thoát nghèo. “Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi lợn nhưng hiệu quả mang lại không cao, công chăm sóc lại nhiều. Nuôi dê thì hiệu quả kinh tế cao hơn, chăm sóc lại dễ hơn”, chị Lan chia sẻ.
Hay như với hộ anh Hồ Văn Tang (xã Tà Long), nhờ nguồn vốn vay ưu đãi qua kênh của Đoàn thanh niên, năm 2016, anh Tang xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, gồm: chăn nuôi 20 con dê, 5 con bò, ao cá 500m2, trồng 3 sào lúa nước, 2ha rừng tràm. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng nên gia đình anh thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm… “Từ hiệu quả của mô hình, tôi đã xây dựng được nhà ở kiên cố, có điều kiện nuôi 2 con học hành. Tôi sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ bà con cách đầu tư làm ăn để xóa đói giảm nghèo bền vững”, anh Tang chia sẻ.
Cũng như hộ gia đình anh Tang, nhờ được sự quan tâm của các cấp và học hỏi từ các mô hình làm ăn hiệu quả, anh Hồ Văn Sỹ (xã Ba Lòng) mạnh dạn vay vốn ưu đãi xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, chuồng trại chăn nuôi 3 lợn nái, 30 - 40 con lợn thịt/lứa, 4 con bò; trồng 2ha tràm. Trong 2 năm qua, thu nhập của gia đình anh Sỹ từ mô hình này đạt hơn 120 triệu đồng/năm.
Hay như tại xã Mò Ó, nếu như trước đây người dân sống nhờ vào nương rẫy “tự cung, tự cấp”… thì nay nhiều hộ đã chủ động khai hoang đất, làm ruộng nước 2 vụ, áp dụng thâm canh, tăng năng suất, trồng rừng; phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, bà con không còn phải sống trong cảnh “ăn bữa hôm, lo bữa mai”, có không ít hộ đã thoát nghèo… Đơn cử như với hộ ông Hồ Cum, trung bình gia đình ông có khoảng 10 con lợn bản vừa để bán, vừa phát triển lấy giống; thu nhập từ nuôi lợn khoảng 70 triệu đồng/năm.
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Huyện ủy huyện Đakrông Nguyễn Trí Tuân cho biết, trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: trồng lúa nếp than, chuối, ngô, lạc, sâm bố chính; chăn nuôi lợn, dê, bò, hươu sao… Đặc biệt, nhiều hộ có việc làm và thu nhập từ các mô hình bảo vệ, phát triển rừng. “Các chương trình, chính sách, dự án thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững đã được các cấp, ngành quan tâm tổ chức triển khai hiệu quả, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống”, ông Tuân cho biết.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,49%/năm
Được thành lập tháng 1.1997 trên cơ sở chia tách từ huyện Hướng Hóa, ĐaKrông có hơn 80% dân số là đồng bào Pa Kô và Vân Kiều, hộ nghèo chiếm hơn 70%. Những năm gần đây, huyện đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Các cấp, ngành đã bám sát nội dung các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Nghị quyết của Huyện ủy, Kế hoạch của UBND huyện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, huyện đẩy mạnh tuyên truyền người dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; lồng ghép nhiều chương trình, dự án (134, 135, 30a) giúp người dân định hướng phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao... Tính riêng giai đoạn 2016 - 2021, nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình là 370.354 triệu đồng.
Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng đồng bộ các chương trình, chính sách như: vay vốn ưu đãi; hỗ trợ y tế, giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề, nhà ở, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… Với những bước đi cụ thể đó, đến nay 100% địa phương đã có đường ô tô đến trung tâm xã; có điện lưới quốc gia để sinh hoạt, phục vụ sản xuất… Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 5,49%/năm.
Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trí Tuân, công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình giảm nghèo bền vững được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện, từ xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát. Việc phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở đã phát huy vai trò tham gia, giám sát của cộng đồng, người dân. Chương trình giảm nghèo bền vững được thực hiện công khai, minh bạch từ xác định đối tượng hỗ trợ, đến việc phân bổ vốn và kiểm tra giám sát của các địa phương, cộng đồng, người dân…
Một trong những nội dung huyện Đakrông hết sức quan tâm là tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, bởi đây chính là điều kiện tiên quyết thúc đẩy kinh tế phát triển cũng như tạo cơ hội cho người dân vươn lên. “Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn miền núi. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao; người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ thiết yếu cơ bản của xã hội…”, ông Tuân chia sẻ.