Bài 1: Giấc mộng đổi đời

Mất cảnh giác, nhẹ dạ tin vào lời mời gọi 'có cánh', nhiều người dân tộc thiểu số Gia Lai đã bán hết tài sản, bất chấp vượt biên trái phép với tham vọng đổi đời, làm giàu ở 'miền đất hứa'.

LTS: Nuôi ảo vọng về cuộc sống sung sướng, giàu sang không phải lao động ở “miền đất hứa”, nhiều người đồng bào bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bất chấp vượt biên trái phép sang Thái Lan. Thế nhưng khi đặt chân đến “miền đất hứa”, họ mới vỡ mộng nhận ra tất cả chỉ là lời lừa phỉnh, dối trá của kẻ xấu.

Trên thực tế dù đi theo con đường nào, hợp pháp hay bất hợp pháp, những người đi tìm “miền đất hứa” ở nước ngoài đều phải tìm kiếm công việc, cạnh tranh với người bản địa và những người di dân khác để có thu nhập trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt, trả nợ... Đặc biệt đối với những người vượt biên trái phép, không có giấy tờ hợp pháp, họ sẽ không được pháp luật bảo vệ và có thu nhập ổn định. Thay vào đó, họ phải làm các công việc nặng nhọc, bất hợp pháp, có thể bị chủ sử dụng lao động bóc lột, trả công một cách rẻ mạt và có thể bị trục xuất, bắt giữ bất cứ lúc nào.

Cạn nước mắt ngóng chồng

Với bản tính tò mò cùng khát vọng đổi đời, nhiều người dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã tin tưởng tuyệt đối bởi những lời dụ dỗ, lôi kéo xuất cảnh để làm giàu. Để lại cha mẹ già cùng đàn con nheo nhóc, những người đàn ông trụ cột gia đình lần lượt trốn đi trong đêm tối, vượt biên trái phép sang Thái Lan, Campuchia.

Trở về xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê (Gia Lai) vào những ngày nắng nóng, chúng tôi càng xót xa hơn bởi hoàn cảnh của gia đình anh Dap (SN 1983, trú tại làng Thoong Nha, xã Bờ Ngoong). Đầu tháng 1/2023, bỏ lại vợ trẻ con thơ, Dap lẳng lặng cùng những người đàn ông trong làng bắt xe xuống Miền Tây để sang Thái Lan với khát vọng đổi đời. Thế nhưng, không ngờ chuyến đi ấy lại khiến số phận của họ và gia đình trở nên nghiệt ngã.

Từ ngày chồng đi xa, mọi công việc của gia đình đổ dồn lên đôi vài gầy guộc của chị H’BYơm. Hàng ngày chị phải bươn chải làm thuê khắp nơi để lo từng bữa ăn cho 2 cậu con trai nhỏ chỉ mới 13 tuổi và 7 tuổi. Nơi trú ngụ của 3 mẹ con là căn nhà tạm được quây bằng những tấm tôn cũ kỹ, thủng lổm chổm, trong nhà hoàn toàn không có lấy một thứ gì giá trị.

 Căn nhà tạm được quây bằng những tấm tôn cũ là nơi trú ngụ chị H’BYơm và hai con nhỏ

Căn nhà tạm được quây bằng những tấm tôn cũ là nơi trú ngụ chị H’BYơm và hai con nhỏ

Gạt giọt nước mắt lăn dài trên gò má, chị H’BYơm nhớ lại: “Vì cuộc sống gia đình khó khăn, lại không nương rẫy, ruộng vườn nên thường ngày 2 vợ chồng đi chặt chuối cho người ta hay ai thuê gì làm nấy. Thấy vợ vất vả anh nhiều lần nói sẽ xuống Sài Gòn làm thuê, tuy nhiên tôi cứ ngỡ anh đùa bởi từ trước đến nay anh chưa đi đâu xa. Thế rồi, vào một ngày đầu năm 2023, như thường lệ tôi cũng đi làm công nhưng không đi cùng anh, tuy nhiên đến tối vẫn không thấy chồng. Vài ngày sau đó mới biết anh đã sang Thái Lan cùng vài người trong làng”.

Bỗng dưng trở thành trụ cột của gia đình, chị H’BYơm quần quật làm lụng khắp nơi để có tiền lo ăn uống, học hành cho 2 con nhỏ. Ngỡ rằng chồng đi xa sẽ có tiền gửi về nuôi con cái ăn học, thế nhưng không những không có đồng nào gửi về anh chồng còn gọi về thông báo vợ gửi tiền sang.

Tuy nhiên, gia cảnh nghèo khó cùng những đồng bạc lẻ chị kiếm được từ công việc chặt chuối thuê thuê chưa lo nổi tiền ăn cho 2 con nhỏ thì lấy đâu ra vài chục triệu “chuộc chồng”. Thương 2 đứa con ngày đêm trông ngóng cha trở về, chị H’BYơm tất tả chạy ngược xuôi vay mượn tiền, cứu chồng nhưng không thể. Hàng đêm chị chỉ biết ôm con khóc, ngóng chờ chồng trong vô vọng.

 Từ ngày anh Dap sang Thái Lan, Đinh Gươn và Đinh Sinh ngày càng ít nói, buồn rầu vì nhớ cha

Từ ngày anh Dap sang Thái Lan, Đinh Gươn và Đinh Sinh ngày càng ít nói, buồn rầu vì nhớ cha

Tương tự người phụ nữ khắc khổ này là bà Ngun (59 tuổi, trú cùng làng). Ở tuổi xế chiều đáng ra bà Ngun được sum vầy bên chồng và con cháu thì nay lại phải chịu cảnh già cô quạnh. Từ ngày chồng bị lừa sang Thái Lan làm việc, bà Ngun không đêm nào ngủ được, ngày nào cũng khóc vì nhớ, thương chồng. Bên căn nhà ọp ẹp, bà Ngun luôn nhìn ra hướng cửa, ngày đêm trông ngóng bóng hình chồng.

Theo bà Ngun, chồng bà là Klông (63 tuổi) cũng bị lừa sang Thái Lan vào tháng 1/2023, đi theo đợt của Dap. “Ông ấy lẳng lặng đi trong đêm, tôi và các con không ai biết cả cũng không ai liên lạc được. Mãi nhiều ngày sau đó, khi ông Klông điện về cho người cháu qua mạng thì gia đình mới biết ông ấy đang ở Thái. Ông ấy nói: “Tôi bị lừa rồi, bên này khổ lắm, tôi muốn về” rồi tắt ngang …”, bà Ngun nói trong nước mắt.

Thương chồng vất vả một đời vì các con, đến tuổi xế chiều lại phải chịu khổ nơi đất khách, bà Ngun tất tả ngược xuôi tìm cách “chuộc chồng” về. Tuy nhiên, khi các con đã vay mượn, dành dụm đủ tiền thì cả gia đình bà lại không biết chuyển đi đâu để “chuộc chồng, chuộc cha” trở về. Thêm vào đó sợ lại bị lừa phỉnh thêm lần nữa nên gia đình bà Ngun đã viết đơn cầu cứu chính quyền địa phương.

 Ở tuổi xế chiều bà Ngun phải chịu cô đơn trong chính căn nhà của mình

Ở tuổi xế chiều bà Ngun phải chịu cô đơn trong chính căn nhà của mình

Theo ông Lê Quang Chức – Thôn trưởng làng Thoong Nha, đây là ngôi làng có nhiều người trốn đi Thái Lan nhất. Những người này đều là người đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin. Ngay khi vừa mới sang Thái họ đã tìm cách liên lạc với gia đình báo tin mình đã bị lừa và muốn được chính quyền can thiệp, giúp đỡ trở về quê nhà.

Bán cả gia tài để tìm về “miền đất hứa”

Cũng bởi vì tin vào lời mời gọi “có cánh” một viễn cảnh việc nhẹ, lương cao nhanh chóng làm giàu ở nước ngoài, anh Siu Phương (SN 1992, trú tại làng Hra, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, Gia Lai đã quyết định bán hết gia tài đưa cả gia đình gồm vợ và 2 con nhỏ cùng vượt biên. Theo đó, để có tiền vượt biên anh Siu Phương đã bán hết đàn bò của mình được hơn 40 triệu đồng cùng khoản tiền tiết kiệm 38 triệu đồng đưa cho Siu H’Bẽo để được dẫn đường vượt biên qua Thái Lan.

Cũng tin lời Siu H’Bẽo, chị Siu H’Puh (trú tại làng Kênh Mek, xã Ia Le) đã bán 40 con dê được 50 triệu đồng và vay mượn thêm 30 triệu đồng chuyển cho các đối tượng để được dẫn đường vượt biên. Vì nhẹ dạ cả tin bán hết tài sản tìm về “miền đất hứa”, giờ đây cuộc sống của chị H’Puh và 2 người con gái rơi vào cảnh khó khăn túng thiếu cùng khoản nợ không biết khi nào có thể trả.

 Vì nhẹ dạ cả tin, chị Siu H’Puh (bên phải) đã bán hết tài sản để tìm về "miền đất hứa"

Vì nhẹ dạ cả tin, chị Siu H’Puh (bên phải) đã bán hết tài sản để tìm về "miền đất hứa"

Trao đổi với PV, ông Bùi Mạnh Tuấn - Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh cho biết: “Thực trạng nhóm người dân tộc thiểu số bị lừa vượt biên trái phép nổi lên vào khoảng cuối năm 2022 (thời điểm Tết). Bởi trước đây, người dân trên địa bàn huyện thường vào Sài Gòn, Bình Dương để làm nhưng sau thời điểm Covid-19 các doanh nghiệp bắt đầu giảm lượng công nhân. Cũng vì vậy số lượng người thất nghiệp trở về địa phương tương đối lớn nên ngay khi nghe những lời dụ dỗ vượt biên làm giàu họ đã tin theo”.

“Cụ thể, một số đối tượng ở Thái Lan vượt biên trước đó, theo sự chỉ đạo của đám Fulro bên ngoài đã tác động, lôi kéo những người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trốn với luận điệu sang bên đấy sẽ được hỗ trợ thuê nhà, lượng thực thực phẩm, đặc biệt sẽ có việc làm và kiếm được rất nhiều tiền. Từ những lời mời gọi “có cánh”, nhiều hộ dân đã bán đất, tài sản có giá trị để có tiền sang Thái Lan”.

 Chẳng biết từ bao giờ, nước mắt của bà Ngun đã cạn vì nhớ thương chồng. Ngày ngày bà luôn dán mắt ra cửa ngóng chờ bóng hình chồng

Chẳng biết từ bao giờ, nước mắt của bà Ngun đã cạn vì nhớ thương chồng. Ngày ngày bà luôn dán mắt ra cửa ngóng chờ bóng hình chồng

Theo ông Tuấn, trong 18 trường hợp vượt biên trái phép được Công an kịp thời ngăn chặn, đưa về quê nhà vào tháng 2/2023 hầu hết đều có bán tài sản. Trong đó có trường hợp hộ gia đình Rơ Mah Blanh (xã Ia Le) đã bán nhà, đất lấy 160 triệu đưa cả gia đình gồm: Hai vợ chồng, 2 người con, mẹ vợ và cháu vượt biên trái phép. Hiện tại cuộc sống của gia đình rất khó khăn, vất vả.

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn có hơn 100 người dân tộc thiểu số xuất cảnh trái phép sang Thái Lan. Những hộ gia đình này đều có hoàn cảnh khó khăn là hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc vay nợ ngân hàng, xã hội.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Bài 2: Bi kịch sau giấc mộng đổi đời

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-1-giac-mong-doi-doi-post250511.html