Bài 1: Chưa mang tính đột phá
Một điều dễ nhận thấy trong các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của các bộ, ngành đều hướng tới mục tiêu cắt giảm, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng các chính sách đang soạn thảo và dự kiến ban hành hoặc đã ban hành lại có tình trạng gia tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đã giảm, bớt điều kiện
Để thực hiện quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP20 “trong giai đoạn từ năm 2020 đếnnăm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31.5.2020”, cuối năm 2020 và trong năm 2021 các bộ đã lập phương án cắt giảm các chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, đây là hoạt động rất ý nghĩa, nếu thực hiện thực chất sẽ tác động tích cực đến môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa của các bộ chủ yếu tập trung vào các dạng như: Bỏ yêu cầu phải cung cấp có một số tài liệu hoặc lược bỏ một số nội dung trong mẫu tờ khai. Đây là các thông tin mà cơ quan cấp phép có thể tra cứu trên hệ thống thông tin chung (chủ yếu bỏ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng minh nhân dân/căn cước công dân của cá nhân trong hồ sơ xin cấp giấy phép). Hoặc, bỏ yêu cầu phải cung cấp một số giấy tờ, tài liệu trước đó cơ quan thực hiện thủ tục đã cấp (không phải cung cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành về khóa bồi dưỡng trình độ chuyên môn trong hồ sơ cấp chứng chỉ…).

Cải cách thủ tục góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH
Nguồn: ITN
Ngoài ra, một số Phương án còn có đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng: giảm số lượng hồ sơ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục. Bên cạnh những dạng kiến nghị thì trong các Phương án có một số kiến nghị khác như: Bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn áp dụng trên thực tế; Bãi bỏ thủ tục hành chính trong Phương án, nhưng dự thảo quy định lại khác với đề xuất…
Nhưng, vẫn còn nêu tên thủ tục
Không khó để có thể liệt kê các đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung của các Phương án còn mang tính … ‘nêu tên thủ tục”, hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm mà chưa đi vào thực chất, chưa có tính đột phá, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đơn cử, Phương án của Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị bỏ toàn bộ thủ tục cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng với lý do “cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm điều kiện kinh doanh,giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tậptrung vào quản lý nội dung đối với từng trò chơi điện tử được phát hành”. Nếu theo đề xuất này doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng không phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép nữa, có thể tự do kinh doanh dịch vụ trò chơi này, Nhà nước chỉ quản lý đối với nội dung của trò chơi. Đây là đề xuất được đánh giá có tính cải cách tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp.

Còn nhiều dư địa trong cắt giảm thủ tục
Nguồn: ITN
Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được soạn thảo, trong đó có điều chỉnh quy định liên quan đến quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng. Cụ thể, các doanh nghiệp cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng phải có Giấy phép phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng cho từng trò chơi điện tử G1 trên mạng. Để được cấp giấy phép này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể pháp lý, tài chính, nhân sự, kỹ thuật, yêu cầu về nội dung của các trò chơi không vi phạm quy định. Như vậy, so với quy định hiện hành, cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng không thay đổi (đều phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và phải được cấp phép mới được phép hoạt động). Rõ ràng, đề xuất tại Dự thảo và Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đang “vênh” nhau.
Đáng lưu ý, mỗi bộ quản lý rất nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, phương án cắt giảm là sự tổng hợp các rà soát cắt giảm, đơn giản hóa trong tất cả các ngành thuộc lĩnh vực quản lý của bộ. Trong một số phương án, các đề xuất giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau có tình trạng không thống nhất. Chẳng hạn, yêu cầu bỏ “giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” trong hồ sơ xin cấp giấy phép ở ngành nghề này nhưng ở các ngành nghề khác lại vẫn giữ nguyên hoặc đề xuất bỏ thời hạn tối thiểu trong hợp đồng trong văn bản quy định về kinh doanh khí nhưng trong các lĩnh vực như xăng dầu, kinh doanh rượu, thuốc lá các dạng quy định tương tự lại không đề xuất bãi bỏ.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-chua-mang-tinh-dot-pha-sx1hsholkr-82111