Bác sĩ nói về hành vi rung lắc cháu bé 1 tháng tuổi của người trông trẻ
Sự việc người trông trẻ có hành vi rung lắc cháu bé đã được camera ghi lại toàn bộ, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt xác nhận đã nắm được thông tin và đang xác minh làm rõ.
Ngày 31/5, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ đang có hành vi nghi bạo hành cháu bé mới sinh gây xôn xao dư luận.
Theo đoạn clip ghi lại và đăng tải, sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 31/5. Cụ thể, vào thời điểm này người phụ nữ bế một cháu bé mới sinh liên tục có hành vi rung lắc mạnh khiến cháu bé khóc thét lên. Người này sau đó tiếp tục bế xốc, khiến cháu bé khóc thét rồi đặt mạnh xuống giường.
Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải lên mạng đã gây xôn xao dư luận, nhiều người không khỏi phẫn nộ trước hành động trên.
Được biết, sự việc xảy ra tại một căn hộ ở khu chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Người có hành vi bạo hành là người trông trẻ mà gia đình cháu bé thuê chăm sóc vì mẹ bé mới sinh non, sức khỏe yếu.
Ngay sau đó, người nhà đã mời Công an phường Hoàng Liệt đến ghi nhận sự việc. Cháu bé hiện đang được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra sức khỏe.
Bác sĩ cảnh báo hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh
Bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt (bác sĩ Đa khoa tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng, Long An) cho biết, khi người lớn rung lắc trẻ quá mạnh sẽ tạo ra một loại chấn thương não gọi là hội chứng rung lắc, cũng tương tự như chấn thương sọ não ở người lớn.
"Rung lắc quá mạnh như trường hợp trong video có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, xuất huyết não, vỡ các mạch máu não vì màng não bé còn rất nhỏ và mong manh. Các xương cổ vẫn còn rất yếu, khi bị rung lắc quá mạnh, khối não sẽ di chuyển theo quán tính và va đập vào xương sọ gây tổn thương não nặng nề", bác sĩ Kiệt cho hay.
Các di chứng thần kinh do hội chứng rung lắc gây ra từ nặng (như bại não, xuất huyết võng mạc, động kinh, co giật thậm chí tử vong), nhẹ thì cũng khiến trẻ chậm phát triển tinh thần, giảm khả năng học tập, không nói năng được lưu loát, trong đó có một số tổn thương chỉ phát hiện khi trẻ đã lớn, đòi hỏi phải điều trị chuyên sâu, lâu dài.
Theo bác sĩ Kiệt, ba mẹ hoặc bảo mẫu đôi khi do căng thẳng vì tiếng khóc của trẻ đã rung lắc trẻ như để giải tỏa. Tuy nhiên ở mức độ nặng thì sẽ được xem như một hình thức bạo hành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.