Bắc Quang, dân chủ 'mở cửa' lòng dân
Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã đưa việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục trong mỗi cơ quan, đơn vị. Qua đó, tạo động lực phát triển KT-XH, “đòn bẩy” để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của Nhân dân.
Theo đó, huyện Bắc Quang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nội dung công khai để dân biết được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Niêm yết tại trụ sở UBND xã, thị trấn và hội trường thôn, tổ dân phố; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để thông báo, tuyên truyền đến người dân. Anh Lộc Tiến Vân ở thôn Minh Thượng, xã Quang Minh chia sẻ: “Các nội dung như kế hoạch phát triển KT-XH; dự án, công trình đầu tư trên địa bàn; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB); chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước hay kết quả điều tra, xét hộ nghèo… được thực hiện công khai, minh bạch nên nhận được sự đồng thuận cao trong Nhân dân khi tổ chức thực hiện”.
Những buổi họp dân, lấy ý kiến cộng đồng đã trở thành “cầu nối” hiệu quả giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, tạo diễn đàn để người dân tham gia trực tiếp vào các quyết định ảnh hưởng đến địa phương, quyền lợi của Nhân dân. Không những vậy, các cấp ủy, chính quyền còn tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trực tiếp giám sát thông qua ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, các ban Thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn huyện Bắc Quang tiến hành giám sát gần 350 cuộc, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm, có dấu hiệu vi phạm để kiến nghị chính quyền giải quyết thỏa đáng. Đồng thời, phối hợp với tổ hòa giải cơ sở kiểm tra, giám sát 1.936 cuộc, tỷ lệ hòa giải thành công đạt 60,5%. Qua đó, góp phần quan trọng đảm bảo tính minh bạch trong các hoạt động của chính quyền cơ sở; quyền làm chủ của người dân được phát huy mạnh mẽ, trở thành động lực để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua địa bàn tỉnh là công trình giao thông trọng điểm quốc gia, có tổng chiều dài tuyến 27.480 m, đi qua 26 thôn thuộc 5 xã và 1 thị trấn của huyện Bắc Quang. Theo đó, 763 gia đình, cá nhân có đất và tài sản trên đất phải thu hồi, GPMB với tổng diện tích lên đến 207,6 ha. Thực tế cho thấy, GPMB chưa bao giờ hết “nóng” và vẫn luôn là vấn đề phức tạp, khó khăn, nan giải vì liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhiều tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, với mục tiêu ổn định cuộc sống cho người dân trong diện đền bù, thu hồi đất và đảm bảo mặt bằng sạch phục vụ thi công cao tốc, huyện Bắc Quang đã đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở theo nguyên tắc dân là gốc.
Tính đến đầu tháng 11.2024, huyện Bắc Quang đã tiến hành chi trả bồi thường GPMB cho 754/763 hộ với tổng số tiền 492,7 tỷ đồng, đạt trên 98,8%. Còn 3 hộ tại xã Hùng An, 6 hộ của xã Quang Minh chưa nhất trí với phương án bồi thường, GPMB vì cho rằng đơn giá đất, vật kiến trúc và cây cối hoa màu thấp nên chưa bàn giao mặt bằng sạch để thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang. Nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục vào cuộc, đẩy mạnh công tác dân chủ ở cơ sở, kết hợp dân vận khéo để nhận được sự đồng thuận của Nhân dân. Nếu như trước đây, hộ anh Nguyễn Văn Chấn ở thôn Khiềm, xã Quang Minh chưa chấp nhận tiền đền bù GPMB thì nay tiên phong nhận tiền đền bù. Anh Chấn chia sẻ: Sau khi được các cấp, ngành tuyên truyền, giải thích, gia đình tôi đã hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật về bồi thường; thông suốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, tầm quan trọng của Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang nên ngày 29.11 vừa qua, gia đình tôi viết đơn bày tỏ tinh thần tự nguyện nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng theo quy định của Nhà nước.
Việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa và thực hiện tốt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trở thành “đòn bẩy” phát huy vai trò, tính sáng tạo, trí tuệ của Nhân dân trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Minh chứng điển hình cho thấy với phương châm “Việc làng, đất vàng cũng hiến”, năm 2024 Nhân dân không chỉ tự nguyện hiến trên 25.000 m2 đất mà còn đóng góp hơn 2.400 ngày công lao động chung tay xây dựng Bắc Quang đạt chuẩn huyện Nông thôn mới (NTM) vào năm 2025. Ngoài ra, với gần 9.800 tấn xi măng được ngân sách tỉnh hỗ trợ, Nhân dân còn đóng góp hơn 30 tỷ đồng để hoàn thành 73 km đường bê tông nông thôn. Đến nay, diện mạo mới với nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại ở Bắc Quang đang từng ngày hiện hữu khi toàn huyện đã có 15/21 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 71,4%; huyện Bắc Quang đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM.
Những kết quả nổi bật trên của huyện Bắc Quang một lần nữa chứng minh sức mạnh dân chủ “mở cửa” lòng dân. Qua đó, không chỉ củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền mà còn đặt nền móng vững chắc để huyện Bắc Quang tiếp tục phát triển bền vững, xứng tầm vùng động lực của tỉnh nơi cửa ngõ phía Nam.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202412/bac-quang-dan-chu-mo-cua-long-dan-5b61a56/