Ba Tơ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Xác định phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng, huyện Ba Tơ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện không ngừng được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Phát huy hiệu quả các nguồn lực

Thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS huyện Ba Tơ lần thứ III - năm 2019, trong 5 năm (2019 - 2024), kinh tế - xã hội của huyện không ngừng phát triển, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Số hộ nghèo, cận nghèo giảm nhiều; hộ khá, hộ có nhà kiên cố không ngừng tăng lên... Bộ mặt nông thôn mới của huyện Ba Tơ ngày càng khang trang, sạch, đẹp.

Học sinh huyện Ba Tơ thăm Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ, ở thị trấn Ba Tơ. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Học sinh huyện Ba Tơ thăm Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ, ở thị trấn Ba Tơ. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Một trong những giải pháp để huyện thực hiện thành công nhiệm vụ này là đã phát huy hiệu quả các nguồn lực từ các Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới... Huyện Ba Tơ đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng thực hiện hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Đặc biệt, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đầu tư 98 tỷ đồng thực hiện 81 công trình giao thông xã, thôn, các công trình thủy lợi, trường học... Qua đó đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở các địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

"Huyện đề ra mục tiêu đến năm 2029 tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách cho đồng bào DTTS và miền núi. Tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giảm dần số xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn. Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, y tế, văn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước".

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ

PHẠM XUÂN VINH

Giai đoạn 2019 - 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 10,1%/năm, vượt so với Quyết tâm thư. Tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt gần 2.100 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), vượt so với Quyết tâm thư. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 46,7 triệu đồng/người/năm và vượt so với Quyết tâm thư. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2023 tăng bình quân 10,8%. Đến cuối năm 2023, số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn bình quân 12,2 tiêu chí/xã. Toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và dự kiến đến cuối năm 2024, có thêm 2 xã về đích nông thôn mới. Công tác an sinh xã hội, y tế, giáo dục đạt nhiều kết quả khả quan. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 23,5%. Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp có những chuyển biến tích cực.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, kết quả đạt được trong 5 năm qua là nhờ đồng bào DTTS trong huyện đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh. Đội ngũ già làng, người uy tín đã tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Huyện đã thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi được huyện vận dụng sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế địa phương. Cùng với đó, huyện khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội; kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thật sự vững mạnh.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa đồng bào DTTS được chú trọng, người dân tích cực gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đến nay, huyện đã có 2 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê tại thôn Làng Teng, xã Ba Thành và Nghệ thuật trình diễn chiêng 3 của dân tộc Hrê Ba Tơ.

Huyện thành lập Đội dệt thổ cẩm, Đội múa cồng chiêng và Đội hát ta lêu, ca choi để phục vụ mô hình du lịch cộng đồng; quảng bá, duy trì các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Hrê tại thôn Làng Teng, xã Ba Thành, tại thảo nguyên Bùi Hui, xã Ba Trang và tại khu Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Ngoài ra, huyện cũng mở các lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc Hrê cho thế hệ trẻ. Việc bảo tồn và phát huy các công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên gắn với phát triển du lịch, văn hóa - nghệ thuật cũng được quan tâm bảo tồn và phát triển.

Cùng với thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Ba Tơ đã chuyển đổi cách thức hỗ trợ từ việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân sang vừa đầu tư phát triển, vừa hỗ trợ trực tiếp nên có những chuyển biến tích cực. Địa bàn, đối tượng cũng có thay đổi, trong đó tập trung hỗ trợ những xã về đích nông thôn mới, các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhằm tạo động lực cho người dân vươn lên phát triển kinh tế.

Một góc thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) hôm nay. Ảnh: TH.PHƯƠNG

Một góc thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) hôm nay. Ảnh: TH.PHƯƠNG

Huyện Ba Tơ đã bố trí kinh phí hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Từ những công trình của các chương trình đã góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương mua bán và hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Anh Phạm Văn Tà, ở thôn Mang Đen, xã Ba Vì cho biết, năm 2003, sau khi xuất ngũ và lập gia đình, với số tiền tích cóp được, tôi bàn với vợ mua 10ha đất để trồng keo; đồng thời vay mượn thêm tiền đầu tư chăn nuôi heo, gà, vịt và buôn bán tạp hóa... Đến nay, thu nhập bình quân của gia đình tôi khoảng 15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động là vợ, con, em hội viên Hội Cựu chiến binh xã Ba Vì, với thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/tháng từ việc phụ hồ, phát chồi keo. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, tôi cũng đã hiến hơn 100m2 đất để mở rộng đường giao thông.

BÁ SƠN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202405/ba-to-thuc-hien-hieu-qua-cac-chinh-sach-dan-toc-2c50bb7/