Ba tổ chức xếp hạng cảnh báo các thách thức tài chính của Mexico

Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P), Fitch Ratings và Moody's cảnh báoMexico sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể liên quan đến tài chính công trong thời gian tới.

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) tại thủ đô Mexico City. Ảnh: Phi Hùng - PV TTXVN tại Mexico

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) tại thủ đô Mexico City. Ảnh: Phi Hùng - PV TTXVN tại Mexico

Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P), Fitch Ratings và Moody’s hôm 4/6 cảnh báo chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Mexico Claudia Sheinbaum sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể liên quan đến tài chính công trong thời gian tới.

Phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn thông cáo của S&P nhận định thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng và hoạt động yếu kém kéo theo các khoản nợ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Pemex là hai trong nhiều thách thức lớn mà chính phủ sắp tới của quốc gia Mỹ Latinh này cần giải quyết. Chuyên gia của S&P cho rằng nếu Mexico duy trì các biện pháp mà chính phủ hiện tại đang triển khai, điều này có thể làm giảm tính độc lập của một số cơ quan, làm suy yếu các cơ chế kiểm soát và sự cân bằng quyền lực, từ đó có thể làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng thanh khoản của quốc gia Mỹ Latinh này. Mặc dù bài phát biểu của Tổng thống đắc cử Sheinbaum tập trung bảo vệ môi trường và thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo, nhưng cả S&P và Fitch đều đề cập đến khả năng chính quyền mới của bà Sheinbaum sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Pemex. Đây là thách thức không nhỏ do khoản nợ của doanh nghiệp này hiện chiếm tới 6% GDP của Mexico. S&P khẳng định chính phủ mới của Mexico thậm chí còn có thể thực hiện việc cắt giảm thuế hoặc chuyển ngân sách cùng với các biện pháp cải cách nhằm hỗ trợ và giải quyết vấn đề yếu kém cho Pemex. Trong khi đó, Fitch nhận định chính quyền sắp tới của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh sẽ ủng hộ việc duy trì vai trò quan trọng của Pemex trên thị trường dầu mỏ trong nước, và giữ vững nền tảng kinh tế với khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô tích cực. Cơ quan xếp hạng này đưa ra một số nguyên nhân khiến tình trạng thâm hụt ngân sách của Mexico ngày càng gia tăng, bao gồm các khoản chi xã hội tăng, lãi suất cho vay cao, gia tăng tiền đầu tư vào các dự án đang triển khai cần phải hoàn thiện sớm trước khi chuyển giao cho chính phủ mới. Báo cáo của Moody's cảnh báo chính phủ mới của bà Sheinbaum khó có thể duy trì thâm hụt ngân sách công ở mức 2-3% GDP, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì và đảm bảo trật tự an ninh trên cả nước do hoạt động của các tổ chức tội phạm có thể tác động tâm lý các nhà đầu tư, qua đó ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế nước này. Trước các thách thức trên, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khuyến cáo sau chiến thắng áp đảo của bà Sheinbaum, ứng viên thuộc liên minh “Chúng ta tiếp tục làm nên lịch sử” trong cuộc bầu cử hôm 2/6 vừa qua, Mexico sẽ cần tập trung thành lập Hạ viện và Thượng viện khóa mới để đẩy nhanh việc phê duyệt các dự án cải cách do Tổng thống sắp mãn nhiệm López Obrador đề xuất vào tháng 2/2023, cũng như những đề xuất của chính phủ mới. Bên cạnh đó, chính phủ mới Mexico cần tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường các chính sách tài chính, tiền tệ và thương mại để thu hút đầu tư, giải quyết các thách thức từ bên ngoài, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm mới. Hôm 30/5, Ngân hàng trung ương Mexico đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này từ 2,8% xuống 2,4% trong năm nay và giữ nguyên con số ước tính cho năm 2025 là 1,5%. Trước đó hồi đầu tháng Năm, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh từ 2,5% đưa ra trước đó xuống 2,2% trong năm nay.

Phương Lan (P/v TTXVN tại Mexico)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ba-to-chuc-xep-hang-canh-bao-cac-thach-thuc-tai-chinh-cua-mexico/336521.html