Bá Thước: Phát huy vai trò của người có uy tín trong việc thúc đẩy bình đẳng giới
Sau gần 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Bá Thước (Thanh Hóa), các mô hình, hoạt động triển khai đã được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận đánh giá cao.
Phóng viên báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hải Lý - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bá Thước - để chia sẻ về kinh nghiệm triển khai thực hiện Dự án 8 tại địa phương này.
- PV: Thưa bà, bà có thể khái quát tình hình triển khai thực hiện Dự án 8 trong thời gian qua tại Bá Thước như thế nào?
- Bà Lê Thị Hải Lý: Tại huyện Bá Thước, Dự án 8 được triển khai tại 1 xã đặc biệt khó khăn là xã Thành Sơn và 47 thôn đặc biệt khó khăn của 16 xã khác. Trong gần 3 năm triển khai, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ nói chung và người dân vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng về mục đích, ý nghĩa của Dự án 8 về Bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em gái, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của Nhân dân các dân tộc ở vùng đồng bào DTTS&MN; từng bước xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng các dân tộc nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng.
- PV: Cụ thể, hội LHPN huyện Bá Thước đã thực hiện những nội dung nào, thưa bà?
- Bà Lê Thị Hải Lý: Ở cả cấp huyện và cấp xã, chúng tôi đã cho ra mắt và thành lập các tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ), tổ chức nhiều cuộc truyền thông mẫu về xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, phòng chống bạo lực gia đình cho thành viên Tổ TTCĐ và người dân trong thôn. Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn tại huyện về kỹ năng quản lý, vận hành mô hình Tổ TTCĐ và tập huấn đánh giá giám sát về thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn. Với những thôn còn chưa thành lập tổ TTCĐ, chúng tôi cũng liên tục tập huấn nâng cao năng lực vận hành, kỹ năng truyền thông, tuyên truyền, viết tin, phát thanh cho các cán bộ chủ chốt .
Hội LHPN huyện cũng có kế hoạch và triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" năng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đấy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, chỉ đạo thành lấp các Địa chỉ tin cậy được trang bị đầy đủ; Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng thông qua việc thành lập và tập huấn cho các CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi, tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách.
Đặc biệt, chúng tôi rất chú trọng khâu kiểm tra, giám sát và hỗ trợ cơ sở trong quá trình họ trực tiếp triển khai hoạt động.
- PV: Để nội dung tuyên truyền hấp dẫn và dễ được người dân tiếp nhận, các chị đã có những hình thức đổi mới như thế nào?
- Bà Lê Thị Hải Lý: Theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Hội phụ nữ cấp trên, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch và thực hiện các nội dung như: Tổ chức các Hội nghị giao lưu, diễn đàn, hội thi chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các Tổ TTCĐ; sân khấu hóa tuyên truyền về Bình đẳng giới; Tổ chức Hội thi "Sáng kiến, giải pháp truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em" với 17 đơn vị tham gia dự thi; Tham gia Hội thi sáng tác các sản phẩm truyền thông cho TW Hội LHPN Việt Nam phát động, với nội dung "Lắng nghe con nói" về chủ đề " Gia đình hạnh phúc".
Đặc biệt, Hội LHPN huyện Bá Thước luôn ý thức được tầm quan trọng và tiếng nói của những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số nên chúng tôi cũng trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
- PV: Trải qua một thời gian dài với rất nhiều hoạt động đã được triển khai, chị thấy sự thay đổi của người dân như thế nào?
- Bà Lê Thị Hải Lý: Có thể nói, các hoạt động của Dự án 8 sau gần 3 năm triển khai đã bám sát yêu cầu định hướng các nội dung hoạt động của Hội cấp trên, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các mô hình, hoạt động triển khai đã được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận đánh giá cao. Các cấp hội đã tổ chức Hội nghị giao ban kịp thời để nắm tình hình công tác triển khai, tiến độ thực hiện Dự án, đồng thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo thực hiện.
Những kết quả bước đầu đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức, xóa bỏ dần các định kiến, khuôn mẫu giới, nâng cao quyền năng kinh tế, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
- PV: Như bà vừa chia sẻ, trong quá trình triển khai dự án, các cán bộ Hội cũng gặp rất nhiều khó khăn? Theo bà khó khăn đó xuất phát do nguyên nhân nào?
- Bà Lê Thị Hải Lý: Tôi cho rằng không chỉ riêng Bá Thước mà đối với Hội phụ nữ các cấp nói chung, Dự án 8 là chương trình dự án mới, nhiều nội dung hoạt động, một số nội dung trong hướng dẫn thực hiện từ cấp trên có nội dung chưa cụ thể, chưa rõ ràng, do đó trong quá trình triển khai thực hiện đôi khi còn gặp khó khăn, có nội dung đã phê duyệt kinh phí nhưng phải dừng lại chờ hướng dẫn cấp trên sửa đổi để xin phê duyệt điều chỉnh lại nội dung thực hiện. Bên cạnh đó, việc đánh giá, thu thập dữ liệu đầu vào của Dự án còn lúng túng, các cấp Hội ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực còn hạn chế.
Đối với hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số xây dựng mô hình sinh kế, phát triển kinh tế, đặc biệt là sinh kế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại không thuận tiện, chi phí cao, trình độ dân trí thấp, kết nối thị trường không thuận lợi, người dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, trong triển khai thực hiện Dự án 8, Bá Thước là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh cấp kinh phí hoạt động về UBND xã, UBND xã giao cho Phụ nữ chủ trì thực hiện. Vì vậy, nhiều đơn vị Phụ nữ xã còn lúng túng trong cách triển khai thực hiện tại cơ sở, công tác điều hành tổ chức một số hội nghị tập huấn truyền thông cộng đồng và tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách tại cơ sở chất lượng chưa cao.
- PV: Phía Hội LHPN huyện Bá Thước đã khắc phục những khó khăn đó như thế nào?
- Bà Lê Thị Hải Lý: Trên cơ sở tiếp thu các nội dung tại các hội nghị triển khai thực hiện Dự án 8 tại tỉnh, qua nghiên cứu các văn bản kế hoạch, hướng dẫn thực hiện của Tỉnh Hội, Trung ương Hội, căn cứ tình hinh thực tế tại địa phương, Ban thường vụ Hội LHPN huyện đã ban hành các văn bản triển khai, xây dựng dự toán kinh phí trình lãnh đạo huyện phê duyệt kinh phí chi tiết để thực hiện, phối hợp tổ chức các hoạt động tại huyện; Chỉ đạo 17 xã thực hiện Dự án xây dựng Kế hoạch triển khai và dự toán kinh phí để thực hiện tại đơn vị cơ sở.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức khảo sát thu thập thông tin toàn diện về 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em"; khảo sát đánh giá sự phù hợp, nhu cầu sử dụng phần mềm tổng hợp báo cáo thống kê trong công tác thông tin báo cáo thực hiện Dự án 8, báo cáo Hội LHPN tỉnh theo quy định để kịp thời triển khai các nội dung theo kế hoạch đề ra.
Hy vọng trong thời gian tới, Hội phụ nữ cấp trên sẽ cụ thể hóa thêm nhiều mục tiêu, kế hoạch đề ra và có thêm những buổi tập huấn chuyên sâu, nhất là liên quan đến vấn đề kinh phí để chúng tôi tiếp tục triển khai Dự án được thuận lợi và hiệu quả.
- PV: Xin cám ơn những chia sẻ của bà!