Bà con Lương - Giáo thôn Ba Luồng 'Chung sức xây dựng quê hương'

Ba Luồng là thôn có đông bà con giáo dân từ các tỉnh miền xuôi lên định cư theo chương trình xây dựng kinh tế mới của Đảng, Nhà nước từ những năm 70 của thế kỷ trước. Gần 50 năm qua, bà con giáo dân đã xây dựng mối đoàn kết Lương – Giáo, cùng nhau chung tay xây dựng quê hương Ba Luồng ngày càng phát triển, trở thành điểm sáng của xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) về giữ gìn an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, xây Nông thôn mới (NTM).

Nuôi cá lồng đem lại thu nhập cao cho người dân thôn Ba Luồng.

Nuôi cá lồng đem lại thu nhập cao cho người dân thôn Ba Luồng.

Thôn Ba Luồng có 87 hộ, với 325 khẩu, 6 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, có 64 hộ theo đạo Công giáo với trên 250 khẩu. Trên tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương, những năm qua, bà con Lương - Giáo thôn Ba Luồng đoàn kết một lòng, cùng chung sức xây dựng thôn Ba Luồng phát triển về mọi mặt. Ông Trần Quang Khải, Trưởng ban Hành giáo Giáo phận Ba Luồng cho biết: Ba Luồng trước đây là thôn nghèo, cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển, các tệ nạn xã hội như nghiện hút, trộm cắp còn diễn ra gây mất an ninh, trật tự; đời sống của người dân chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là chính, do đó tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng đến nay, bà con Lương - Giáo vẫn luôn khẳng định tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương phát triển.

Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của bà con Lương - Giáo về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc, xây dựng đời sống văn minh, lành mạnh, giữ vững tìn làng, nghĩa xóm, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư; góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu xây dựng NTM của xã Vĩnh Hảo. Tháng 9. 2018, xã Vĩnh Hảo tổ chức Lễ ra mắt Mô hình “Lương - Giáo chung sức xây dựng quê hương”, đây là mô hình mới do Công an huyện Bắc Quang khởi xướng, tiêu chí hoạt động của mô hình dựa trên nền tảng hương ước, quy ước của thôn và các tiêu chí xây dựng NTM về an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, giao thông xây dựng; xây dựng hệ thống chính trị; bảo vệ môi trường và nâng cao văn hóa – giáo dục trong giai đoạn mới.

Với tinh thần đoàn kết Lương – Giáo, bà con nơi đây đã chung sức, đồng lòng chuyển đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng, nhờ đó đến nay bộ mặt nông thôn của Ba Luồng có nhiều đổi thay, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm; trên 50% số hộ thuộc diện kinh tế khá và giàu; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; các hủ tục trong việc cưới, việc tang được loại bỏ, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không còn xảy ra; 100% số trẻ trong độ tuổi được đi học, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định và giữ vững, từ năm 2008 đến nay thôn luôn đạt danh hiệu thôn văn hóa.

Qua 2 năm thực hiện mô hình “Lương – Giáo chung sức xây dựng quê hương”, tự quản về an ninh, trật tự, thôn Ba Luồng đã thành lập được 3 tổ tự quản duy trì hoạt động thường xuyên, tham gia giải quyết, hòa giải tại cơ sở thành công 6 vụ việc; hàng năm thôn không có đơn thư khiếu kiện đông người, không có tệ nạn xã hội xảy ra. Về tiêu chí phát triển kinh tế, thôn thành lập được 4 tổ hợp tác trồng cam, chè và nuôi cá lồng; xây dựng quỹ phát triển thôn được trên 52 triệu đồng; có trên 50% số hộ đạt tiêu chí “nhà sạch, vườn đẹp”.

Bài, ảnh: CHÍ CƯỜNG (Bắc Quang)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202101/ba-con-luong-giao-thon-ba-luong-chung-suc-xay-dung-que-huong-771350/