Asghar Farhadi và những ẩn dụ từ câu chuyện gia đình

Asghar Farhadi có vẻ ngoài già trước tuổi. Trên sân khấu Oscar lần thứ 84 vào tháng 2-2012, không ai nghĩ Asghar Farhadi vừa chớm tuổi 40. Một cách bài bản, Farhadi từng học cử nhân và thạc sĩ về sân khấu, đạo diễn sân khấu. Đó cũng là quãng thời gian ông tích lũy vốn văn chương kịch nghệ thế giới khi tìm biết sâu về Henrik Ibsen, Anton Chekhov, Samuel Beckett, Edward Albee…

Ông đã từng viết luận văn về tác phẩm của Harold Pinter (Nobel văn học 2005). Sau giai đoạn ngắn làm việc cho các chương trình truyền hình, năm 2003 Farhadi chính thức ngồi vào ghế đạo diễn điện ảnh với phim “Dancing in the Dust” (giành giải Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan phim (LHP) châu Á-Thái Bình Dương).

Một cảnh trong phim “The Divorce of Nader and Simin”.

Tiếp đó lần lượt là các phim “The Beautiful City” (2004), “Fireworks Wednesday” (2006), “About Elly” (2009). “About Elly” chính thức đưa tên tuổi của Farhadi lên tầm quốc tế, thu hút sự chú ý của cựu lục địa khi nó được đánh giá là một kiệt tác và giành giải Gấu bạc (cho Đạo diễn) tại LHP Berlin 59. A Separation (2011), như đã thấy, lần lượt bước lên vinh quang ở LHP Berlin, Oscar và LHP Châu Á-Thái Bình Dương. Và gần đây nhất, “The Past” (2013) được đề cử Cành cọ vàng và bản thân diễn viên chính Bérénice Bejo thì giành giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Cannes 2013. Còn “The Salesman” (2016) giúp tiếp tục có thêm một tượng vàng Oscar.

Cả ba phim “About Elly”, “A Separation” và “The Past” đều có chung một sườn câu chuyện khởi đầu: ly hôn. Nếu “About Elly” xoay quanh việc nhóm bạn muốn kết duyên cho Elly, nữ giáo viên khá rụt rè và đầy mô phạm với Ahmad, một doanh nhân vừa tan vỡ hôn nhân thì “A Separation” gói gọn trong diễn biến ly hôn, ly thân của gia đình Nader và Simin. “The Past”, tuy nhẹ hơn, nhưng vẫn là những vướng mắc hậu ly hôn giữa Ahmad, Marie và Samir nơi trú xứ Pháp quốc xa lạ.

Các chuyện phim, như thế, đều lấy gia đình làm trung tâm cho các quy chiếu và từ đây, một bối cảnh rộng hơn về đời sống xã hội được hiển thị qua từng mảnh ghép đa diện. Và Asghar Farhadi, như một người trong cuộc, thường đi từ kinh nghiệm cá nhân về đời sống gia đình để nhích đến gần hơn trải nghiệm của số đông người khác. Xin lấy “A Separation”, phim nổi bật nhất về chủ đề ly hôn, để phân tích cái cách Farhadi đã đánh động trí nghĩ người xem như thế nào.

Cặp vợ chồng Nader và Simin chung sống 14 năm, có với nhau cô con gái Termeh xinh xắn 11 tuổi. Nader là một thị dân trung lưu, làm việc ở ngân hàng, đủ điều kiện kinh tế, tuy bận rộn nhưng vẫn dành thời gian dạy con học và đặc biệt, hết lòng chăm sóc cha già vốn mắc bệnh Alzheimer, run rẩy và lẩn thẩn.

Một phụ nữ hiện đại, xuất thân từ gia đình khá giả như Simin, sau chừng ấy năm gắng gượng, sẽ khó lòng duy trì mãi vị thế hầu hạ chồng con, cung phụng bố chồng ở những việc vệ sinh tắm rửa, nên nhất quyết đòi ra ngoại quốc sống, nơi mà cô cho là điều kiện tốt để con gái trưởng thành. Nader phản đối và vì lòng hiếu kính với cha, anh ký vào đơn ly hôn, bắt tay vào lo liệu chuyện gà trống nuôi con.

Anh thuê Razieh giúp việc nhà và dù bụng mang dạ chửa nhưng để kiếm tiền nuôi con, trả nợ giúp chồng, Razieh vẫn làm những việc mà một người ngoan đạo như cô rất dễ tự cảm thấy tội lỗi: kì cọ thân thể một người đàn ông già nua không phải là chồng mình. Trong khi anh chồng, Houjat, lại thô lỗ, cộc tính và vô công rỗi nghề, nợ nần chồng chất. Mọi việc trở nên phức tạp, rắc rối khi Razieh, trong một lần đến thăm khám bác sĩ, đã bỏ mặc ông già té ngã ngất xỉu và suýt chết nếu Nader không về kịp.

Thật ngỡ ngàng, ngay cả khi xem lại nhiều lần, rằng với chuyện phim chỉ có dăm nhân vật, trong một bối cảnh không rộng lớn, lại có khả năng dung nạp nhiều thế hệ đến vậy, từ người già, trung niên đến trẻ thơ mà nhìn chung, đều điển hình không chỉ cho xã hội Iran đương đại mà còn nhiều xã hội, quốc gia khác. Ở mức độ trình diện những phức tạp, mâu thuẫn ngấm ngầm, những đổ vỡ và vết nứt khó lành, “A Separation” xứng đáng là câu chuyện mới về một vấn đề cũ, gia đình và ly hôn, dù bất luận ở đâu, nó cũng đang nóng hổi và thuộc về những giá trị nền tảng nhân văn cơ bản nhất.

Nhưng lý lẽ đòi ly hôn của Simin lại mang đến một thực tế khác, vượt ra phạm vi gia đình này, để trùng khít với những mâu thuẫn đang ăn sâu vào từng thế hệ. Tầng lớp thị dân như Simin có quan điểm sống hiện đại, tách dần nghĩa vụ đạo đức và dưới những áp lực vô hình, họ sẽ chọn giải thoát hơn là cam chịu. Nader, một mặt, chấp thuận ly hôn không phải vì tình nghĩa tào khang đã cạn mà vì tính cách hiện đại trong anh đã đến hồi tôn trọng bình đẳng, chiểu theo ý muốn của vợ; mặt khác, như một sự tự đối lập, lại cầm cự với nếp nghĩ, lẽ sống cổ truyền, điều khiến anh thà bỏ hạnh phúc riêng tư còn hơn bất hiếu, bất lương.

Giữa hai thái cực đó, thì thế hệ già nua xuất hiện có thể gây cảm giác vô tích sự, phiền toái nhưng thực tế lại trở thành điểm quy kết trách nhiệm, bổn phận mà bất cứ ai cũng mang theo. Thế hệ trẻ thơ như Termeh, Somayeh (con gái của Razieh) khó lòng phản đối người lớn nên thường rút lui trong không gian của mình, nơi chúng hồn nhiên yêu thương chơi đùa, vượt qua mặc cảm giàu nghèo, thậm chí, không hề bận tâm đến xung đột, để cười vui rạng rỡ. Chúng truyền đi ước vọng bình yên và xứng đáng được che chở trong khát vọng đó.

“A Separation” là bài toán mà đến “The Past” vẫn chưa thể đáp án dứt khoát. Trong “The Past”, Ahmad, một quý ông Iran trung niên, sau bốn năm ly thân, đã quay lại Pháp để hoàn tất thủ tục ly hôn với Marie, người vợ cũ nay đang sống cùng Samir, một người Arập trẻ hơn cô vài tuổi. Cuộc trở về thoạt tiên có vẻ dễ chịu của Ahmad, rút cuộc, chỉ đẩy anh vào thế bất lực thay đổi những rắc rối, phức tạp trong chính ngôi nhà không chung gắn kết. Con gái riêng của Marie, Lucie đang ở độ tuổi trưởng thành, sau những sang chấn tâm lý trước cảnh gia đình đổ vỡ, đã không thể chấp thuận người tình của mẹ mà cô ví như một kẻ xuẩn ngốc. Còn Samir lại có người vợ cũ, sau lần tự tử bất thành, đang bị hôn mê ở bệnh viện.

Tình thế của “The Past” là tình thế của khủng hoảng, của một sự đứng giữa các quan hệ đứt rời nhưng không thể hàn gắn dù đó là quá khứ - hiện tại hay hiện tại - tương lai. Cái khoảnh khắc vài ngày mà Ahmad chứng kiến chỉ là khoảng dừng ít ỏi để chờ đợi, hoặc hi vọng hòa giải những dằn vặt đạo đức, những lãng quên trách nhiệm và tình thương. Ahmad có thể là một thân phận Iran đang là, không tìm được tiếng nói chung với quá vãng nhưng cũng không hẳn thuộc về phía trước nào.

Khi Ahmad bỏ đi, Lucie buồn bã nhìn theo, như biết trước cái kết tồi tệ. Không có phép màu nhiệm trong tay Ahmad. Và cũng như thế, không có hạnh phúc thực sự nào dành cho Marie, Lucie, Samir trên đất đai trú xứ, nơi họ, như lời cậu bé Fouad, đã tưởng rằng đó là nhà mình. Ngôi nhà - Đông hay Tây và ở đâu giữa thế giới Hồi giáo, lớn lên bằng cách nào,… là những băn khoăn khó đáp lời, dù đã nảy lửa tranh luận, mà The Past ôm chứa. Như thế, “A Separation”, “The Past” không chỉ là ly hôn, hay đúng hơn, đặt vấn đề ly hôn trong mối liên quan với pháp luật, đạo đức, giáo dục, tôn giáo…, những tác nhân chi phối bản chất, hành vi xã hội.

Bóng dáng một Iran ích kỉ, ưa bạo lực và dùng nó để đè nén người khác có thể tìm thấy ở Houjat. Bởi vậy, kiến tạo một xã hội trật tự, an sinh thì không chỉ dựa trên thực thi công lý, dựa trên bằng cứ sự thật mà còn phải nỗ lực tìm biết những câu hỏi thuộc về quá khứ, những đúng và sai, hay chuẩn mực và phi chuẩn mực mà mỗi cá nhân đang tham dự vào.

Ngôi nhà, với không gian chật nhất của nó, nơi ánh sáng tự nhiên hiếm khi đầy đủ, nơi vật dụng không được lựa chọn màu sắc, đã trở thành khuôn hình có tần suất cao nhất trong phim Farhadi. Với không gian đó, nhà làm phim đương nhiên không phải tốn kinh phí cho đầu tư dàn cảnh, nhưng ngược lại, phải chịu áp lực xử lý góc quay để hình ảnh không bị nhàm chán, thiếu sinh động. Chẳng hạn, ở “The Past”, cảnh nội trong nhà chiếm hầu hết những cuộc giáp mặt, đối thoại giữa các thành viên. Nhưng trong khi giữa Ahmad và Marie, Lucie đều xảy ra "lời qua tiếng lại" thì Ahmad và Samir, bởi sự trớ trêu của gặp gỡ, đã một lần "vô ngôn" hoàn toàn trước góc máy tĩnh, giữ đúng cự ly lạnh lùng quan sát trong tiếng mưa tầm tã vọng từ ngoài mái hiên.

Tình thế phi giao tiếp hoặc "không thể nghe thấy" như một chủ ý quay phim đã xuất hiện ngay đầu câu chuyện, khi Marie đón Ahmad ở phi trường mà ngăn cách họ là tấm kính trong suốt. Tấm kính, về sau, cũng ngăn cái nhìn của Samir, Lucie khi Ahmad rời khỏi ngôi nhà. Hơn cả sự gián cách, nhân vật của “The Past” đã bị đặt trong cô độc, khuôn mặt là thứ duy nhất cho biết nội giới đang muốn kết nối nhưng bất thành. Quá khứ, như tấm kính trong suốt, chen vào các không gian đang có, khiến cơ thể và tâm hồn con người được dịp soi chiếu, thanh tẩy và phán xét.

Không âm nhạc, hay chính xác hơn, âm nhạc chỉ kịp vang khẽ vài phút khi kết thúc phim, như cách người xem phải nín thở quá lâu trước khi được thả lỏng, là một điều đặc biệt trong phim Farhadi. “A Separation” chỉ có nhạc sau khi Nader và Simin ra khỏi phòng quan tòa và đợi quyết định của Termeh. “The Past”, còn tối thiểu hơn, mấy chục giây chỉ khi hình đã dừng lại ở cảnh Samir cầm tay người vợ đang hôn mê trên giường bệnh.

Âm nhạc vắng mặt gần như tuyệt đối và chỉ xuất hiện ở chỗ quan trọng đã đẩy cao bầu không khí hiện thực, vốn đang tăng áp suất, vây chặt đường đi của cảm xúc. Những khoảng trống thư giãn đã không lộ ra và được thay thế, như tôi hình dung, là các hố sâu mệt mỏi, đau đớn và hoang mang, nơi đạo diễn đã dự sẵn những thanh âm thức tỉnh đúng lúc nhất. Điều tưởng là cực đoan này lại giúp Asghar Farhadi có phần ưu thế trên hành trình kiến tạo kiểu khán giả mới - khán giả nghĩ.

Mai Anh Tuấn

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/asghar-farhadi-va-nhung-an-du-tu-cau-chuyen-gia-dinh-i661601/