ASEAN bắt giữ hàng trăm tấn ma túy và chất hướng thần mới trong năm 2020
Bất chấp suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đối tượng phạm tội về ma túy trong khu vực đã nhanh chóng thích nghi, thay đổi phương thức, với những thủ đoạn mới tinh vi.
Ngày 13/10, Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 7 (AMMD7) đã diễn ra phiên họp trù bị thông qua hình thức trực tuyến, do Campuchia đăng cai. Ngày mai (14/10), Hội nghị AMMD7 sẽ diễn ra phiên chính thức.
10 nước thành viên gồm: Việt Nam, Brunei, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Singapore sẽ tiến hành đánh giá việc thực hiện 2 Kế hoạch hành động về giải quyết tình hình ma túy trong khu vực. Trong đó đánh giá giữa kỳ Kế hoạch hợp tác ASEAN về phòng, chống sản xuất, mua bán trái phép ma túy tại khu vực Tam giác vàng giai đoạn 2020-2022 và Kế hoạch hành động ASEAN phấn đấu bảo vệ Cộng đồng chống ma túy trái phép giai đoạn 2016-2025.
Trong năm 2020, cơ quan thực thi pháp luật của các nước ASEAN đã bắt giữ 144 tấn ma túy tổng hợp, chiếm 83% lượng bắt giữ trong khu vực Đông và Đông Nam Á. Tại đây cũng phát hiện gần 500 chất ma túy, hướng thần mới là nguyên nhân gây hại sức khỏe người sử dụng và gia tăng số ca tử vong do quá liều.
Theo đánh giá, bất chấp suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đối tượng đã nhanh chóng thích nghi, thay đổi phương thức, thủ đoạn phạm tội thông qua đa dạng hóa địa điểm hoạt động, sử dụng loại hóa chất nằm ngoài danh mục kiểm soát để sản xuất trái phép ma túy.
Ngoài ra, đối tượng vận chuyển trái phép ma túy qua dịch vụ vận tải hàng hóa, chuyển phát điện tử, chuyển phát nhanh. Đặc biệt, tình trạng mua bán trái phép ma túy qua trang trực tuyến, rửa tiền có xu hướng gia tăng ở Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Trên cơ sở kết quả của báo cáo đánh giá này, các nước thành viên ASEAN sẽ có những điều chỉnh và định hướng nhằm tăng cường nỗ lực và hợp tác để triển khai các lĩnh vực ưu tiên trong phòng, chống ma túy phù hợp với tình hình thực tiễn của khu vực. Ngoài ra, cơ chế hợp tác AMMD cũng hỗ trợ tăng cường hợp tác song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực về phòng, chống ma túy.
Trước đó, Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 6 (AMMD6) về vấn đề ma túy do Việt Nam (Bộ Công an) đăng cai tổ chức, diễn ra từ ngày 16 đến 20/10/2018, tại Hà Nội đã đạt được sự đồng thuận cao giữa các nước thành viên trong nhiều vấn đề nghị sự quan trọng.
Đặc biệt, tại Hội nghị AMMD6 đã thông qua 4 văn kiện gồm: Tuyên bố chung thể hiện lập trường, quan điểm của ASEAN về vấn đề ma túy; tuyên bố chung ASEAN phản đối hợp pháp hóa các chất ma túy thuộc diện kiểm soát; tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị AMMD6 và bộ tiêu chí lựa chọn và thể thức tham gia của đối tác bên ngoài…
Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD) ra đời từ năm 2012, gồm 10 nước thành viên (Việt Nam, Brunei, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Singapore) và Ban Thư ký ASEAN.
Sự ra đời của cơ chế hợp tác này là kết quả tất yếu, xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi thực tiễn, nhằm ứng phó hiệu quả trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình sản xuất, mua bán và sử dụng ma túy ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Các nước Myanmar, Malaysia, Philippines đã triệt phá thành công nhiều đường dây, tụ điểm sản xuất trái phép ma túy liên quan đến người trong nước cấu kết với đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Khu vực Đông Nam Á vẫn chiếm tỷ trọng cao về trồng cây thuốc phiện so với thế giới, chủ yếu tập trung tại bang Shan (Myanmar) với diện tích trồng loại cây này lên tới 29.500 ha (năm 2020). Gần đây, Lào trở thành điểm trung chuyển ma túy, tiền chất trong khu vực, Campuchia trở thành địa bàn mua bán, tái chế ma túy có nguồn gốc từ Tam giác vàng./.