Áp lực tỷ giá nhìn từ cán cân thanh toán

Nguồn cung ngoại tệ qua xuất siêu, vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối được ghi nhận lớn. Nhưng vì sao tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn không ít thời điểm đối mặt với nhiều áp lực? Để lý giải điều này, cần nhìn vào cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm 2022 và 2023.

Cán cân vãng lai năm 2023 của Việt Nam đạt thặng dư 25,09 tỉ đô la. Ảnh: LÊ VŨ

Cán cân vãng lai thặng dư lớn

Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2023, Việt Nam đạt mức xuất siêu hàng hóa hơn 43,96 tỉ đô la Mỹ, gấp 1,71 lần so với năm 2022. Con số này cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 28,3 tỉ đô la của Tổng cục Hải quan, do dữ liệu kim ngạch xuất nhập khẩu của NHNN tính toán theo giá lên tàu (FOB).

Cán cân dịch vụ năm 2023 cũng giảm mức thâm hụt xuống còn 9,46 tỉ đô la, từ mức 12,62 tỉ đô la trong năm 2022, trong đó kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng vọt 52% còn nhập khẩu dịch vụ chỉ tăng 14%. Đây là một tín hiệu khởi sắc, khi những năm trước đây Việt Nam thường gánh mức thâm hụt ở các hoạt động dịch vụ rất lớn, như năm 2021 là gần 15,4 tỉ đô la, chủ yếu thâm hụt ở các hoạt động du lịch, logistics…

Ở cán cân thu nhập, năm 2023 tiếp tục ghi nhận mức thâm hụt lên hơn 22,46 tỉ đô la. Xu hướng thâm hụt ở hoạt động này kéo dài và tăng dần qua các năm, như năm 2022 là hơn 19,7 tỉ đô la; năm 2021 là 18,7 tỉ đô la; năm 2020 là 14,8 tỉ đô la. Phần thu tăng gần gấp đôi so với năm 2022 lên 4,55 tỉ đô la, nhưng vì quy mô quá nhỏ nên không bù đắp được mức tăng của phần chi ra, chỉ tăng 23% nhưng số tuyệt đối năm 2023 lên đến hơn 27 tỉ đô la.

Xu hướng tăng thâm hụt ở cán cân thu nhập gây ra lo ngại các doanh nghiệp FDI đang ngày càng chuyển lợi nhuận về doanh nghiệp mẫu quốc nhiều hơn. Tuy nhiên, trước việc dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, lợi nhuận mà các doanh nghiệp FDI chuyển về nước tăng theo là điều có thể hiểu được. Vì vậy, để đánh giá chính xác hơn về xu hướng này, cần tính trên tỷ lệ lợi nhuận mà các doanh nghiệp FDI chuyển về nước trong năm so với lượng vốn FDI giải ngân lũy kế tại thời điểm cuối mỗi năm.

Cấu phần thứ tư trong cán cân vãng lai là các chuyển khoản ghi nhận mức thặng dư 13,05 tỉ đô la, gấp 2,3 lần con số năm 2022. Trong đó, nguồn thu tăng 32% lên hơn 16,1 tỉ đô la, chủ yếu nhờ đóng góp lớn ở hoạt động kiều hối. Trước đó, các dữ liệu được công bố từ NHNN cho thấy lượng kiều hối của Việt Nam năm 2023 đạt 16 tỉ đô la, tăng 32% so với năm 2022. Ngược lại, nguồn chi giảm mạnh 54%, từ mức 6,65 tỉ đô la xuống còn gần 3,06 tỉ đô la.

Theo đó, việc thặng dư cán cân thương mại hàng hóa và các chuyển khoản tăng mạnh, thâm hụt cán cân dịch vụ giảm, thâm hụt cán cân thu nhập tuy có tăng nhưng cũng chỉ ở mức 14% đã giúp cán cân vãng lai năm 2023 của Việt Nam đạt thặng dư 25,09 tỉ đô la. Đây là kết quả rất tích cực, khi mà trong năm 2022 Việt Nam bị thâm hụt hơn 1 tỉ đô la và năm 2021 thâm hụt hơn 8,1 tỉ đô la.

Cán cân tài chính lại thâm hụt vì đâu?

Ngược chiều với diễn biến tích cực của cán cân vãng lai, cán cân tài chính lại chuyển từ thặng dư 9,47 tỉ đô la trong năm 2022 sang thâm hụt 2,84 tỉ đô la trong năm 2023. Xu hướng này diễn ra trong khi lượng vốn FDI ròng vào Việt Nam trong năm 2023 tăng 32%, lên hơn 20 tỉ đô la. Còn vốn đầu tư gián tiếp (FII) ròng vào Việt Nam chuyển từ mức rót ròng 1,51 tỉ đô la trong năm 2022 sang bị rút ròng gần 1,19 tỉ đô la trong năm 2023, phản ánh xu thế bán ròng liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023.

Ở các hoạt động đầu tư khác, lượng tiền và tiền gửi từ các thực thể Việt Nam ra nước ngoài tiếp tục tăng từ mức 13,75 tỉ đô la trong năm 2022 lên 14,17 tỉ đô la trong năm 2023, trong đó từ các tổ chức tín dụng là 6,67 tỉ đô la và từ khu vực doanh nghiệp, dân cư là 7,5 tỉ đô la. Trước đó, trong năm 2021, lượng tiền và tiền gửi ra nước ngoài theo đường chính thức ghi nhận chỉ ở mức 792 triệu đô la.

Ở chiều ngược lại, lượng tiền và tiền gửi của các tổ chức tín dụng nước ngoài cũng rút ròng khỏi Việt Nam trong năm 2023, với gần 4,16 tỉ đô la, đảo chiều mạnh khi mà năm 2022 vẫn ghi nhận chuyển ròng vào Việt Nam 325 triệu đô la và năm 2021 là hơn 8,8 tỉ đô la, gồm tổ chức tín dụng hơn 8,3 tỉ đô la và khu vực khác hơn 0,5 tỉ đô la.

Điều này diễn ra khi lãi suất của các loại ngoại tệ như đô la Mỹ tại các nước khác hấp dẫn hơn Việt Nam, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ trong năm 2022 và 2023, còn Việt Nam vẫn duy trì mức trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ ở 0%. Ngoài ra, những rủi ro về tỷ giá trong năm 2023 dường như cũng phần nào tác động đến xu hướng này.

Ở các hoạt động vay, trả nợ nước ngoài, nếu như năm 2022 Việt Nam ghi nhận mức rót ròng hơn 6 tỉ đô la, với lượng rút vốn ở cả ngắn hạn và trung, dài hạn đều lớn hơn phần trả nợ gốc lần lượt là 3,9 tỉ đô la và 2,1 tỉ đô la, thì sang năm 2023 ghi nhận bị rút ròng hơn 3,2 tỉ đô la khi lượng rút vốn đều nhỏ hơn phần trả nợ gốc ở cả ngắn hạn và trung, dài hạn tương ứng là 1,65 tỉ đô la và 1,55 tỉ đô la. Dù vậy, trong bối cảnh lãi suất các đồng ngoại tệ đều đi lên theo xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước, việc giảm vay và tăng trả nợ gốc được xem là chính sách phù hợp.

Thặng dư cao nhưng vì sao dự trữ ngoại hối tăng khiêm tốn?

Với việc cán cân vãng lai thặng dư cao hơn nhiều so với mức thâm hụt ở cán cân tài chính, Việt Nam ghi nhận cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức hơn 5,6 tỉ đô la trong năm 2023, tương đương với 1,31% GDP năm 2023. Nếu so với mức thâm hụt hơn 22,7 tỉ đô la trong năm 2022, chiếm 5,6% GDP năm 2022, kết quả của năm 2023 là một thành tựu đáng ghi nhận.

Dù vậy, với mức thặng dư cán cân vãng lai lớn và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, dự trữ ngoại hối ước tính chỉ tăng thêm 5,6 tỉ đô la trong năm 2023 là khá khiêm tốn. Con số này cũng phù hợp với lượng ngoại tệ NHNN mua thêm được công bố trong nửa đầu năm 2023. Nguyên nhân chính là một lượng lớn ngoại tệ đã bị rút ra khỏi thị trường qua những kênh không chính thức, thể hiện qua khoản mục lỗi và sai sót lên đến hơn 16,6 tỉ đô la trong năm 2023. Trước đó, trong năm 2022, khoản mục lỗi và sai sót cũng ghi nhận lên đến hơn 31,1 tỉ đô la, còn năm 2021 là gần 8,4 tỉ đô la.

Khoản mục lỗi và sai sót có thể đến từ nhiều nguyên nhân như việc găm giữ ngoại tệ, cất trữ tại đơn vị/nhà của các tổ chức kinh tế và dân cư, hoặc do nhập siêu trong thực tế cao hơn (nhập lậu không thống kê được) hoặc chuyển ngân lậu ra nước ngoài. Đặc biệt, với xu hướng giá vàng tăng mạnh và giữ chênh lệch lớn trong năm 2022 và 2023, không loại trừ khả năng một lượng lớn ngoại tệ đã bị thu gom để nhập lậu vàng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.

Như vậy, có thể thấy dù hoạt động thương mại mang lại xuất siêu lớn cho Việt Nam trong giai đoạn 2022 và 2023, dòng vốn FDI giải ngân liên tục tăng trưởng, cộng thêm lượng kiều hối duy trì xu hướng tích cực, nhưng đồng thời một lượng lớn ngoại tệ cũng bị rút ra theo đường chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI, tiền gửi ra nước ngoài để hưởng lãi suất cao hơn và đặc biệt là một lượng lớn bị rút ra theo các đường phi chính thức. Do đó, tỷ giá vào cuối năm 2022, trong năm 2023 và những tháng đầu năm nay vẫn có những thời điểm chịu áp lực là điều có thể hiểu được.

Thụy Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ap-luc-ty-gia-nhin-tu-can-can-thanh-toan/