Áp dụng biện pháp chống bán phá giá với tháp điện gió, cáp thép dự ứng lực nhập khẩu

Bộ Công Thương vừa áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm tháp điện gió xuất xứ từ Trung Quốc và sản phẩm cáp thép dự ứng lực có xuất xứ từ Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc...

Bộ Công Thương vừa áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm tháp điện gió xuất xứ từ Trung Quốc.

Bộ Công Thương vừa áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm tháp điện gió xuất xứ từ Trung Quốc.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 14/1/2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 143⁄QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực có xuất xứ từ Malaysia, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc AD17).

Hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá là sản phẩm cáp thép dự ứng lực có thể được phân loại theo các mã HS 7312.10.91 và 7312.10.99.

Trước đó, ngày 24/12/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3453⁄QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (mã số vụ việc: AD18).

Sản phẩm tháp điện gió bị áp dụng thuế chống bán phá giá có thể được phân loại theo các mã HS 7308.20.11 và 7308.20.19, trong trường hợp được nhập khẩu như là một bộ phận của tổ máy phát điện chạy bằng sức gió thì được phân loại theo mã HS 8502.31.10 và 8502.31.20.

Căn cứ Điều 10 Thông tư số 37/2019/TT-BCT, khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Thông tư số 42/2023/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại được quy định như sau:

Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc một trong các trường hợp sau:

Hàng hóa trong nước không sản xuất được; Hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được; Hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước; Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường hoặc trong trường hợp bất khả kháng dẫn tới thiếu hụt nguồn cung của ngành sản xuất trong nước.

Căn cứ khoản 5 Điều 1 Thông tư số 42/2023/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại thông báo để các doanh nghiệp xem xét nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức vụ việc AD17, AD18 bao gồm các tài liệu được quy định tại Điều 14 và Phụ lục III Thông tư 37/2019/TT-BCT.

Căn cứ Điều 15 và Khoản 3 Điều 16 Thông tư 37/2019/TT-BCT, Cục đề nghị các doanh nghiệp gửi Hồ sơ đề nghị miễn trừ tới Cổng dịch vụ công trực tuyến theo địa chỉ: https://dichvucong.moit.gov.vn hoặc tới Cục Phòng vệ Thương mại.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ap-dung-bien-phap-chong-ban-pha-gia-voi-thap-dien-gio-cap-thep-du-ung-luc-nhap-khau.htm