Áp dụng biện pháp cảnh vệ linh hoạt trong trường hợp đặc biệt

Nhấn mạnh công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, đại biểu Quốc hội cho rằng tùy tình hình an ninh, trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể, việc giao Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ cho từng đối tượng là cần thiết và phù hợp.

Chiều 24/5, phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) cho biết, qua thảo luận của nhiều đại biểu Quốc hội cho thấy đa số đều đồng thuận rất cao việc dự luật bổ sung đối tượng cảnh vệ, sự kiện cảnh vệ, mục tiêu cảnh vệ…

Đối tượng của cảnh vệ là bảo vệ các yếu nhân, lãnh tụ là chính. Về lý luận cũng như thực tiễn, yếu nhân là con người thuộc đối tượng bảo vệ đặc biệt. Các sự kiện có yếu nhân, mục tiêu có yếu nhân... yêu cầu đặt ra là đều phải được bảo vệ đặc biệt.

“Thực tiễn vừa qua ở một số quốc gia khi có cả Thủ tướng bị ám sát cũng đã cho thấy tính phức tạp của việc này, đây là bài học cho thấy nước nào cũng coi đây là công tác đặc biệt quan trọng”, đại biểu Trung cho hay.

Trường hợp còn một số đại biểu Quốc hội băn khoăn là áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp đặc biệt. Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực tế không chỉ nước ta mà ở các nước khác cũng đã áp dụng quy định này rất linh hoạt, nhất là trong đối ngoại, quan hệ quốc tế.

Chẳng hạn, hiện nay nhiều Tổng thống của các nước tư bản đã tiếp Tổng Bí thư, chủ tịch Đảng của các nước khác theo nghi lễ quốc gia, nên yêu cầu cảnh vệ cũng phải áp dụng một cách linh hoạt. Vì yêu cầu chính trị đó, cần phải cho phép Bộ trưởng Công an được quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ với đối tượng, trường hợp cảnh vệ một cách linh hoạt.

“Dĩ bất biến ở đây là các biện pháp cảnh vệ này đã được cụ thể hóa trong luật và thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Ứng vạn biến là căn cứ điều kiện, tình hình cụ thể thì Bộ trưởng được quyền quyết định sử dụng một trong số các biện pháp đó”, đại biểu Nguyễn Hải Trung phân tích.

Có chung quan điểm, đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) cho rằng, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường; ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Đại biểu Lê Nhật Thành phát biểu ý kiến.

Đại biểu Lê Nhật Thành phát biểu ý kiến.

Do đó, tùy tình hình an ninh, trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể giao Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng là phù hợp.

Theo đại biểu, thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, công tác cảnh vệ nói riêng đòi hỏi pháp luật phải có những quy định linh hoạt để kịp thời điều chỉnh. Thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ, lực lượng cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác để kịp thời đáp ứng yêu cầu đặt ra hoặc theo đề nghị của các bộ, ban, ngành, đề nghị của Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 của Luật Cảnh vệ.

“Theo thống kê của cơ quan chủ trì soạn thảo, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 57 Đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ”, đại biểu Thành thông tin và nhấn mạnh, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của công tác cảnh vệ, việc giao Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp.

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4 theo hướng quy định: “Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này”.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về “đối tượng khác được áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này” là những đối tượng nào để quá trình triển khai Luật được thuận lợi, có tính khả thi, dễ tiếp cận và dễ triển khai thực hiện.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ap-dung-bien-phap-canh-ve-linh-hoat-trong-truong-hop-dac-biet-post811059.html