Antoni Gaudí - 'cha đẻ' của những công trình cổ quái

Trong cuốn '20 trí tuệ kiệt xuất làm thay đổi thế giới', Antoni Gaudí được gọi là kiến trúc sư đại tài, thiết kế những tòa nhà độc đáo lấy cảm hứng từ thiên nhiên.

Chân dung Antoni Gaudí, “cha đẻ” của những công trình cổ quái.

Chân dung Antoni Gaudí, “cha đẻ” của những công trình cổ quái.

“Kiến trúc sư của Chúa trời”

Năm 1926, tại Barcelona (Tây Ban Nha), một người đàn ông đang băng qua đường. Đôi mắt của ông màu xanh, sáng lấp lánh như một vì sao, đối nghịch với mái tóc bạc trắng. Từ xa, bạn có thể nhìn thấy những chóp nhọn của một ngôi nhà thờ kì quái, trông như một tổ kiến khổng lồ. Người đàn ông bước thêm bước nữa, đúng lúc đó, một chiếc ô tô tới, rồi đâm vào ông.

Ông rất nổi tiếng, nhưng khi lại gần, không ai nhận ra ông. Có thể bởi vì ông trông giống như một người ăn mày lang thang trên đường với chòm râu dài và bộ quần áo cũ, sờn rách. Tên ông là Antoni Placid Guillem Gaudí i Cornet, còn bạn bè gọi ông là Gaudí.

Ngày còn nhỏ, Gaudí bị chẩn đoán mắc bệnh thấp khớp nên tay chân luôn trong tình trạng đau đớn. Bác sĩ nói rằng, Mặt trời ấm áp và không khí trong lành sẽ giúp cậu bé đỡ bệnh. Vì thế, Gaudí đã ở vùng nông thôn Riudoms suốt cả mùa xuân và mùa hè. Cây cối, sỏi đá, các con vật, bầu trời ban ngày và cả những vì sao lấp lánh ban đêm, tất cả đều là những cảnh đẹp lạ thường nhất mà cậu bé từng được thấy. Và cậu kết luận rằng, chỉ có Chúa mới có khả năng tạo ra các màu sắc và hình thù ấy: Hình xoắn ốc, hình nón, hình trụ, hình sin…

Sau đó, Gaudí thường nghĩ về Chúa. Cậu bé hay đến nhà thờ với gia đình mình. Ở trên lớp, cậu và các bạn cũng hay nói rất nhiều về Chúa. Cậu cảm thấy rằng Chúa đang gửi đến mình những thông điệp riêng theo cách của Ngài, bởi vì cậu có thể thấy những điều người khác không thấy. Vì thế, khi các bác sĩ nói rằng sức khỏe của Gaudí đang tệ đi, rằng cậu bé sẽ không sống được lâu nữa. Cậu trả lời rằng họ không biết họ đang nói về điều gì đâu.

Gaudí chắc chắn rằng mình sẽ làm được điều gì đó đặc biệt, chính niềm tin này đã giúp cậu vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ đó, cậu luôn có một điều ước rằng mình có thể nói lời cảm ơn Chúa, nói với Chúa rằng cậu có thể cảm nhận được mọi vẻ đẹp xung quanh mình.

Riudoms cũng là nơi bố Gaudí, ông Francisco có xưởng làm việc. Dưới con mắt của Gaudí, bố cậu quả thực làm một nghề đẹp đẽ nhất thế giới: Thợ đúc đồ đồng. Chính tay ông tạo ra những chiếc bếp lò, những dụng cụ bằng đồng hay bằng sắt. Ông

Francisco có thể biến bất kỳ miếng kim loại này thành vật dụng ông muốn. Gaudí quyết định lớn lên sẽ giống như bố hoặc giống Chúa: Kiến tạo mọi vật. Những thứ to lớn, hữu dụng và quyến rũ, trông như những gốc cây, những cơn sóng biển hoặc những đường uốn lượn xoắn ốc, lồi lõm, cao thấp tự do, mô phỏng như hang động thiên nhiên.

Đó là lý do mà sau này Gaudí được đặt biệt danh “kiến trúc sư của Chúa trời”. Khi ai đó hỏi rằng nhà kiến trúc sư học những điều này từ đâu. Ông đã trả lời: “Từ cái cây gần xưởng của tôi. Nó là thầy giáo của tôi đó”.

Tác phẩm được UNESCO công nhận là Di sản thế giới

Vào ngày Gaudí tốt nghiệp, thầy hiệu trưởng đã phát biểu: “Ai biết được chúng ta trao chứng chỉ này cho một thằng đần hay một thiên tài. Thời gian sẽ trả lời”.

Quả thực, Gaudí có một vài thói quen kỳ quặc. Chẳng hạn, ông luôn có bánh trong túi quần để mời bạn bè. Gaudí cũng mang theo sách nhưng nếu quá nặng, ông sẽ xé ra và chỉ mang vài trang theo mình.

Dự án đầu tiên của kiến trúc sư trẻ tuổi là thiết kế đèn đường cho một quảng trường ở Barcelona, nơi Gaudí sống sau khi tốt nghiệp đại học. Sau đó ông thiết kế các tòa nhà, khu vườn, trường học, nhà thờ, đồ nội thất, thậm chí cả ghế cho nữ hoàng Tây Ban Nha.

Đối với các tòa nhà, kiến trúc sư sử dụng những nguyên vật liệu cơ bản như đá, gạch, gỗ hoặc sắt. Ông biết cách để tạo hình chúng. Ông cũng giám sát công việc của những người thợ cắt đá, thợ rèn, hay bất kỳ người thợ thủ công nào để họ tạo ra những gì mình đã hình dung.

Các công trình của Gaudí như tòa nhà Casamila, tòa nhà Casa Batllo hay công viên Parc Guell đều có thiết kế riêng biệt, lạ lùng chưa từng có ai tạo ra trước đó.

Những kiến trúc sư khác không thể hiểu được vì sao ông có thể thiết kế lên các tòa nhà vừa độc đáo, vừa chắc chắn và an toàn.

Tuy nhiên, Gaudí vẫn thấy ông chưa đạt được giấc mơ đời mình: Một tác phẩm để đời dâng lên Chúa. Do đó, khi được đề nghị tham gia vào dự án xây dựng vương cung thánh đường Sagrada Familia để tỏ lòng tôn kính Chúa Jesu, Đức mẹ Maria và Thánh Giuse, Gaudí cảm thấy như thể đây là bàn tay của Chúa vươn ra từ thiên đường giúp ước mơ của ông trở thành sự thật.

Lúc nhận được lời đề nghị giá trị có một không hai này, Gaudí 31 tuổi. Ông lập tức bắt tay vào việc. Ông hình dung trong đầu một công trình tôn giáo khiến tất cả mọi người phải yêu Chúa, yêu xứ Catalan và yêu thiên nhiên.

Vì thế, ông đã thêm một vài thông điệp vào trong tất cả những chi tiết trang trí, một số dễ nhận ra, còn một số khác thì chỉ dành cho những người thực sự hiểu được thông điệp của ông.

Ông miệt mài làm việc với dự án Thánh đường vĩ đại này trong hơn 30 năm, trong lúc đó vẫn hoàn thành nhiều công trình khác. Nhưng khi bố ông và người bạn thân nhất của Gaudí qua đời, ông quyết định dành toàn bộ thời gian và tâm trí cho Sagrada Familia. Ông chuyển đến một căn phòng nhỏ gần công trình, không đi ra ngoài hay gặp gỡ mọi người. Ông làm việc đến quên cả chải đầu, rửa mặt và mặc đi mặc lại vài bộ quần áo.

Một buổi chiều nọ, khoảng 5 giờ chiều, Gaudí quyết định ra ngoài thư giãn. Ông vừa nảy ra ý tưởng mới cho Thánh đường nên băng qua đường mà không nhìn xung quanh. Một chiếc xe đã đâm vào ông. Sau đó, các tờ báo đều đưa tin vị kiến trúc sư vĩ đại đã qua đời và mọi thứ kết thúc. Chỉ có những công trình kiến trúc của ông còn mãi với thời gian.

Từ năm 1984 - 2005, 7 tác phẩm của ông được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, đó là các công trình: Tòa nhà Casa Vincens, nhà thờ Sagrada Familia, công viên Parc Guell, hầm mộ nhà thờ Colonia Guell, ngôi nhà Casa Batllo, tòa nhà Casa Mila và tòa nhà Bellesguard. Các công trình chủ yếu nằm ở Barcelona, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch tới đây chiêm ngưỡng đắm mình vào trong thế giới cổ tích mà Gaudi đã kỳ công tạo dựng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/antoni-gaudi-cha-de-cua-nhung-cong-trinh-co-quai-xnIKugGnR.html